Tin liên quan
Khách hàng căng băng - rôn đòi nhà tại một dự án của NTB
Nợ nghìn tỷ, tiền mặt trăm triệu
Kết thúc năm tài chính 2016, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (UPCOM:NTB) báo lỗ sau thuế 397,5 tỷ đồng. Đây đã là năm lỗ thứ 6 liên tiếp của cựu thành viên Cienco5, đẩy lỗ lũy kế lên mức 1.227 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ (398 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu tính tới cuối kỳ 2016 ở mức âm 671 tỷ đồng.
Tình hình tại NTB đang diễn biến rất căng thẳng. Tiền và tương đương tiền tính tới cuối kỳ chỉ còn vỏn vẹn 138 triệu đồng. Tài sản ngắn hạn là 719 tỷ đồng; bằng 1/5 lần nợ ngắn hạn (3.613 tỷ đồng).
Số dư tài sản ngắn hạn thấp hơn nhiều nợ ngắn hạn đã diễn ra tại NTB suốt nhiều năm qua, khi hàng nghìn tỷ đồng nợ dài hạn đồng loạt chuyển thành nợ ngắn hạn trong năm 2014.
Bởi vậy, trong báo cáo tài chính năm 2015, hãng kiểm toán DFK đã đặt ra nghi ngại về khả năng hoạt động liên tục của NTB như sau:
“Tại ngày 31/12/2015, khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền :2.486.339.255.957 đồng. Đồng thời Công ty có khoản lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu với số tiền là: 273.262.958.412 đồng. Vấn đề này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.
Mặc dù chưa có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, song với các chỉ tiêu ngày một xấu đi, việc những dòng nhận xét trên, thậm chí tệ hơn nữa, được lặp lại trong BCTC kiểm toán năm nay của NTB là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chiếm phần lớn số dư vay nợ ngắn hạn của NTB là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tính tới ngày 31/12/2016 là 2.163 tỷ đồng.
Trong đó vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tại chi nhánh Hội sở và Quận 11 là 1.290 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Nam Sài Gòn còn 515 tỷ đồng cho vay tại đây. Ở mức độ thấp hơn, song Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) chắc hẳn cũng đang thấp thỏm khi số dư nợ vay với NTB tính tới cuối kỳ ở mức 88,2 tỷ đồng.
Năm 2013, Sacombank ký hợp đồng tín dụng từng lần với NTB với số tiền vay là 1.165 tỷ đồng, mục đích vay để góp vốn hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp lô A2&A3 thuộc Khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng tại Phường Tân Hưng, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh với lãi suất 11%/ năm, thời hạn vay 24 tháng, thời điểm hết nợ là 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Ngay trong năm 2013, Sacombank đã giải ngân toàn bộ 1.165 tỷ đồng kể trên.
Khoản vay với Agribank còn được NTB tiến hành trước đó 2 năm, khi hai bên vào cuối năm 2010 ký hợp đồng tín dụng số 6160-LAV-2010 01124 nhằm tài trợ vốn cho dự án Khu trung tâm thương mại và dân cư Hưng Điền, Phường 16, Quận 8 TP. Hồ Chí Minh. Thời hạn vay 38 tháng, lãi suất vay áp dụng theo phương thức lãi suất thay đổi, lãi suất tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng là 16%.
Trong khi đó, khoản vay với BIDV được ký kết từ đầu năm 2011, hình thức vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động.
Nhà băng mất trắng?
Phần lớn các dự án của NTB hiện nay đều lâm vào cảnh “chết lâm sàng". Số dư chi phí sản xuất kinh doanh dài hạn đối với các dự án Hưng Điền, dự án Tân Kiên, dự án đường D2, P25 Q. Bình Thạnh, dự án Trịnh Đình Trọng, dự án Nguyễn Oanh, P6, Q. Gò Vấp tính tới cuối năm 2016 là 928 tỷ đồng. NTB chấp nhận mất trắng tại dự án D2, P.25 Q. Bình Thạnh khi giá trị có thể thu hồi đối với dự án này là 0 đồng (giá gốc: 217,4 tỷ đồng).
Các dự án đình trệ khiến NTB gần như không có doanh thu trong năm 2016 (8,9 tỷ đồng), trong khi phải trả tới gần 400 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng. Đây là nguyên nhân khiến NTB ghi nhận khoản lỗ kỷ lục sau 18 năm thành lập. Số dư trích trước chi phí lãi vay cũng tăng từ 742 tỷ đồng cuối năm 2015 lên 1.124 tỷ đồng cùng kỳ 2016.
Chưa có số liệu cho năm 2016, song báo cáo tài chính kiểm toán 2015 cho thấy gần như tất cả các khoản vay nợ tài chính của NTB đều đã quá hạn, với dư nợ quá hạn lên tới 1.904 tỷ đồng, lãi vay ước tính phải trả là 652,5 tỷ đồng.
Với việc quá hạn nhiều năm, khoản nợ khổng lồ trên khó thoát cảnh biến thành nợ xấu, thậm chí là nợ xấu nhóm 5 (ngân hàng phải trích lập 100%). Để dễ so sánh, dự phòng phải trích lập của Sacombank đối với NTB không thấp hơn 1.290 tỷ đồng, gấp gần 4 lần lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2016 của nhà băng này.
Nói sao thì nói, hơn 2.000 tỷ nợ ngắn hạn treo trên bảng cân đối kế toán đồng nghĩa với việc trong thời gian lâu nhất là 1 năm kể từ ngày 31/12/2016, NTB phải thanh toán khoản nợ và lãi khổng lồ. Điều này gần như là không thể, trừ khi các cổ đông của NTB đồng tình góp thêm số tiền gấp 6-7 lần vốn điều lệ hiện tại.
Không thanh toán được các khoản nợ đến hạn, trong khi tình hình kinh doanh tại các dự án không có dấu hiệu sáng sủa hơn, NTB tất yếu phải nộp đơn phá sản. Và lúc này, khả năng thu hồi nợ thành công của các nhà băng đã “chót” đặt nhầm niềm tin vào cựu thành viên Cienco5 là rất thấp. Dĩ nhiên các khoản vay này đều được thế chấp bằng các các dự án bất động sản, song với việc mất giá khi bị đình trệ suốt nhiều năm trời (như dự án D2, P.25 Q. Bình Thạnh), thì mong thu đủ gốc đã khó, chứ đừng nói tới tiền lãi.
Nghi Điền
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy