Dòng sự kiện:
Con đường hơn nửa thế kỷ chuyên bán trầu cau ở Sài Gòn
24/10/2017 11:48:03
Hơn 50 năm nay, con đường Lê Quang Sung vẫn là nơi chuyên bán trầu cau duy nhất ở Sài Gòn dù trải qua nhiều thăng trầm.

Vỉa hè đường Lê Quang Sung (quận 6, TP HCM) từ lâu đã là nơi chuyên bán trầu cau lớn nhất ở thành phố. Trải qua thời gian, hiện chỉ còn khoảng 15 người bám trụ với nghề bán trầu cau. Hầu hết, đều là những người phụ nữ lớn tuổi, người nhỏ nhất cũng trên 50 tuổi và lớn nhất cũng trên 80 tuổi.

Cụ Sáu Lên (83 tuổi, huyện Hóc Môn) bán ở đây đã hơn 60 năm, là người bán trầu cau có thâm niên nhất tại chợ. Hàng ngày, cụ đi xe buýt từ nhà ở Bà Điểm lên đây bán đến chiều tối mới về nhà.

"Từ thời tôi còn con gái thì đường này đã nhộn nhịp người bán kẻ mua trầu cau. Khi ấy, đường mang tên Trương Tấn Bửu, có đến hàng mấy chục sạp bán, chủ yếu lấycau trầu từ Bà Điểm vì có hương vị cay thơm rất đặc trưng", cụ Sáu Lên kể.

"Tôi bán ở đây từ khi 15 tuổi, giờ cũng đã ngoài lục tuần. Phần lớn, những người bán ở đây đều quê ở Bà Điểm, xứ sở trầu cau của Sài Gòn. Thời điểm đó, nơi này là chỗ cung cấp trầu cau chính cho các chợ ở thành phố, thậm chí là cả vùng miền Đông Nam Bộ", bà Gái (61 tuổi) nói.

Qua hơn nửa thế kỷ, khu chợ trầu cau vẫn tồn tại, hoạt động từ sáng đến tối. "Giờ thì chợ không còn nhộn nhịp như trước nữa, chỉ toàn người già còn bám nghề. Bởi vì còn mấy người giữ thói quen ăn trầu nữa đâu. Người ta chỉ mua mỗi dịp cúng kiếng, cưới hỏi", bà Nguyễn Ngọc Xiêm (60 tuổi) cho biết.

Mỗi ngày, vào giữa đêm và sáng đều có xe chở trầu cau đến giao cho các tiểu thương ở đây.

Nếu như trước kia, cau bán chỉ ở vùng Bà Điểm thì nay còn phải lấy ở các tỉnh miển Tây, có khi ở miền Quảng Ngãi, Bình Định... Cau được nhập nguyên buồng, trái xấu thì cắt ra bán lẻ. Những buồng tươi đẹp sẽ trang trí, dán chữ "hỷ" để phục vụ nhu cầu cưới hỏi.

Trái cau được bán lẻ 30 qua có giá 100.000 đồng. Người bán luôn sẵn lòng têm trầu cau cho khách.

Lá trầu cũng được nhập từ nhiều nơi. Những lá nhỏ, già, sâu bệnh phải bỏ đi. "Cau trầu thì chỉ để được khoảng ba ngày là hỏng, nên mỗi ngày người nào lấy nhiều lắm cũng chỉ 30 kg là cùng, ít thì dăm ba cân để bán cho vui chứ lời chẳng bao nhiêu", bà Tám chia sẻ.

Sạp của bà Nguyễn Thị Nga (67 tuổi) ngoài cau tươi còn cung cấp cau khô, lá thuốc, vôi ăn trầu. Mỗi ngày bà Nga từ Bà Điểm đến đây bỏ mối cau tươi và bán cho đến trưa thì đi xe buýt về.

Hơn 40 năm nay, tuần nào ông Huỳnh Tuấn (62 tuổi, quận 8) cũng chạy xe lên đường Lê Quang Sung mua, tự tay têm trầu cau và ăn ngay tại chỗ. "Lần nào tôi cũng mua khoảng 10 ký về ăn dần. Mà tôi chỉ nhai trầu Bà Điểm thôi vì hương vị rất riêng mà trầu nơi khác không có", ông Tuấn bộc bạch.

"Số cau trầu bán không hết chúng tôi đều gửi lại ở các nhà trong khu chợ gần bến xe Chợ Lớn chứ không thể mang về nhà được. Chợ trầu cau thực sự chỉ nhộn nhịp vào sát ngày cuối tuần, khi người ta chuẩn bị cho đám cưới, đám hỏi", chị Vân (54 tuổi) nói.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến