Cơn sốt vàng gây hệ lụỵ đến tâm lý người dân và nền kinh tế.(Ảnh: Vietnam+)
Chỉ trong vài ngày, giá vàng SJC biến động với biên độ rất mạnh, tăng giảm 5-7 triệu đồng mỗi lượng. Người dân vẫn đổ xô nhau mua bán khiến thị trường trở nên bất ổn.
Các chuyên gia cho rằng dù vàng không còn là phương tiện thanh toán nhưng nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy đến nền kinh tế.
“Chẳng nhẽ cứ để giá vàng nhảy múa mãi”?
Đó là câu hỏi của nhiều người trong những ngày gần đây khi giá vàng như con thoi, có phiên điều chỉnh giảm chỉ được vài giờ rồi lại đảo chiều “phi mã.”
Ông Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi giá vàng 'nhảy múa' như thời gian vừa rồi thì công tác quản lý thế nào, không lẽ cứ để nhảy múa như thế?
“Thị trường gì thì thị trường nhưng không thể có thị trường nhảy múa kiểu đó được. Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng, giảm đột biến như thế. Tôi đề nghị phải làm rõ, công tác quản lý nhà nước phải rõ,” ông Phương nói.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chia sẻ chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao. Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo ngành Ngân hàng để quản lý thị trường vàng, nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay thì giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đấu thầu được vài phiên nhưng giá vàng vẫn liên tục lập đỉnh. Vì vậy bà Nga cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ thị trường vàng, phải có bàn tay của Nhà nước để can thiệp.
Phân tích việc giá vàng tăng cao tác động đến nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động cũng tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy.
Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi thấy giá vàng mấy ngày qua lên đến 91-92 triệu đồng/lượng, điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp và tác động đến lạm phát trong nước. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, theo dõi sát sao diễn biến tình hình trong nước và thế giới, có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.”
Nhiều người dân cũng trong tâm lý lo lắng khi thấy giá vàng liên tục tăng nên bất chấp cả trời mưa vẫn đến xếp hàng tại các cửa hàng vàng để mua.
Tiến sỹ Bùi Trinh - Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam phân tích giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
“Lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại tiền tiết kiệm. Tiền tiết kiệm là nguồn lực để tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Vậy mà dòng tiền này lại đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển. Hiện người dân có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất nữa mà đi mua vàng," ông Trinh nói.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản… từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.
Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế.
Do đó, theo vị chuyên gia này cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn giá vàng đang tăng điên cuồng hiện nay, để giảm thiểu những tác động đến kinh tế.
Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, hiện giá vàng trong nước đang tăng do chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị.
Thứ hai, trong nhiều năm nay không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng.
Dù giá vàng tăng nhưng vẫn đông người dân sếp hàng mua vàng vì tâm lý giá còn lên nữa. (Ảnh: Vietnam+)
Thứ ba, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, từ đó đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.
Dù mục tiêu của đầu thầu vàng vẫn là để hạ nhiệt giá vàng, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới nhưng việc đấu thầu chưa diễn ra thành công cũng như chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu, vì vậy giá vàng vẫn tăng, đặc biệt khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm.
“Tuy nhiên, vàng tăng giá vì chịu ảnh hưởng của vàng thế giới, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản suy yếu… khiến cung không đủ cầu. Do đó, chỉ cần lượng vàng được tung ra một cách có kế hoạch, từng bước sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu nhất định cho người dân và làm giá vàng trên thị trường hạ nhiệt,” ông Hiển phân tích.
Sẽ tăng phiên đấu thầu
Các chuyên gia cho rằng rõ ràng đấu thầu không phải là giải pháp phù hợp cho quản lý thị trường vàng, mà cụ thể ở đây là giảm giá vàng trong nước xuống một mức hợp lý so với giá vàng thế giới như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước mới dùng biện pháp đấu thầu để giảm trách nhiệm về xác định giá. Cách làm này về bản chất không giải quyết được yếu tố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mà chỉ đưa được giá vàng ra ở mức sát nhất với thị trường.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)
“Tình hình hiện tại, vẫn còn may mắn vì vàng tăng giá không phải do chính sách kinh tế vĩ mô đang yếu kém, hay do Nhà nước tung tiền để lạm phát. Nếu những yếu tố này là nguyên nhân khiến vàng tăng giá thì thật sự đáng lo ngại,” một chuyên gia nhận định.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận từ 2022 trở lại đây thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế, sau thời gian dài ổn định được quản lý theo Nghị định 24/2012. Nguyên nhân, theo ông, chủ yếu do thế giới tăng 14% từ đầu năm đến nay, cùng với đó, nguồn cung vàng trong nước hạn chế, nên chênh lệch giá trong nước cao so với quốc tế.
Về giải pháp, theo Phó Thống đốc, trước mắt cơ quan này tiếp tục đấu thầu với khối lượng phù hợp để tăng cung, nhằm ổn định và giảm chênh lệch với giá thế giới.
"Tính đến hôm nay giá vàng trong nước đã có sự chuyển biến, đã giảm so với phiên ngày 11/5 là 92,4 triệu đồng. Tuần này sẽ có hai phiên đấu thầu, tăng 1 so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường," ông Hà thông tin.
Về lâu dài Ngân hàng Nhà nước đã trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 cũng như đề xuất các giải pháp quản lý thị trường trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để có thể đề xuất thêm các biện pháp phù hợp với tình hình mới, đề xuất với Chính phủ để sắp tới sẽ sửa Nghị định 24.
Cũng theo ông Hà, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng các biện pháp quản lý thị trường, thanh tra kinh doanh, mua bán vàng miếng. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp chấp hành quy định về hóa đơn thanh toán, thống kê và kiểm soát giao dịch vàng. Cơ quan này phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao./.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy