Tin liên quan
Trong khi doanh nghiệp chỉ cần đính chính, công bố lại thông tin và giải trình, thì tài khoản nhà đầu tư có thể mất tiền tỷ vì quyết định mua cổ phiếu theo thông tin trước đó.
Giải trình “đơn giản” của doanh nghiệp
Báo cáo tài chính phản ánh kết quả kinh doanh, tài sản, dòng tiền của doanh nghiệp trong kỳ kế toán, tuy không phải lúc nào giá cổ phiếu cũng biến động cùng chiều theo số liệu công bố, nhưng đa số trường hợp, kết quả khả quan có thể khiến giá tăng mạnh và ngược lại.
Báo cáo này là một trong những căn cứ quan trọng để nhà đầu tư ra quyết định đầu tư cổ phiếu. Vậy nhưng, không ít trường hợp, một thời gian ngắn sau khi công bố báo cáo tài chính, doanh nghiệp lại đính chính thông tin trong báo cáo, đặc biệt là số liệu lợi nhuận, với lý do: sai sót do đánh máy, nhập sai số liệu…
Hiện chưa có chế tài xử phạt với những doanh nghiệp sai sót trong công bố báo cáo tài chính tự lập nên chưa có trường hợp nào bị “tuýt còi”. Ðiều này có thể dẫn đến nguy cơ một số đối tượng lợi dụng để công bố thông tin sai sự thật trong báo cáo tài chính nhằm “làm giá” chứng khoán.
Chẳng hạn, ngày 24/1/2017, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, với doanh thu thuần đạt hơn 820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 154 tỷ đồng, tăng lần lượt 108% và 9,2% so với cùng kỳ năm 2015. Thông tin kết quả kinh doanh tích cực cùng với giá cao su trên thị trường thế giới có diễn biến khả quan khiến giá cổ phiếu PHR liên tục tăng, thiết lập đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết.
Tuy nhiên, đến ngày 13/2/2017, PHR ra thông tin đính chính báo cáo quý IV/2016. Theo đó, doanh thu trong kỳ giảm hơn một nửa, chỉ còn gần 408 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ còn 86,57 tỷ đồng, giảm 44,4% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân được PHR đưa ra là: kế toán cộng trừ nhầm ở cột số liệu quý IV.
Tương tự, ngày 8/2/2017, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID) có văn bản điều chỉnh số liệu trên báo cáo tài chính quý III/2016 công ty mẹ, trong đó con số lợi nhuận sau thuế từ lãi 182 triệu đồng trong kỳ chuyển thành lỗ 67 triệu đồng.
Nhiều trường hợp đính chính khác như Công ty cổ phần Cường Thuận IDICO (CTI), Công ty cổ phần Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT) đính chính thông tin báo cáo tài chính quý IV/2016 do “lỗi đánh máy”, hay Công ty cổ phần EVERPIA (EVE) đính chính do “nhầm lẫn số liệu”.
Trong các mùa công bố báo cáo tài chính trước đó, trường hợp doanh nghiệp sau đó ra văn bản đính chính như trên khá phổ biến, xảy ra ở cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn. Có trường hợp chênh lệch, sai sót nhỏ, ảnh hưởng không đáng kể, nhưng có trường hợp, số liệu lợi nhuận trước và sau đính chính chênh lệch hàng chục, thậm chí cả trăm phần trăm, có khi từ lãi sang lỗ.
Thiệt hại khó lường
Dù PHR nhấn mạnh, sai sót ở dữ liệu quý IV/2016 không làm thay đổi kết quả kinh doanh cả năm 2016 của doanh nghiệp, nhưng phiên giao dịch ngay sau đó (14/2), giá cổ phiếu PHR trên thị trường chứng khoán giảm 4,3%, tương đương giá trị vốn hóa của PHR giảm 110 tỷ đồng.
Thông tin đang tích cực bất ngờ bị doanh nghiệp điều chỉnh giảm, khiến giá cổ phiếu sụt giảm, thì nhà đầu tư khó tránh khỏi bị thiệt hại. Tuy nhiên, rất khó để nhà đầu tư chứng minh được thiệt hại của mình do thông tin doanh nghiệp công bố sai là bao nhiêu.
Tiếp cận, trao đổi, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp mà mình “làm chủ” vốn không phải là điều dễ dàng và không phải lúc nào cũng có thể làm được, nhất là với các cổ đông nhỏ lẻ. Báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư, nhưng những sai sót thường xuyên xảy ra khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, không biết tin vào đâu.
Đáng chú ý, những sai sót kể trên mới dừng lại ở báo cáo doanh nghiệp tự lập, các trường hợp số liệu thay đổi sau khi được kiểm toán nhiều và lớn hơn. Đơn cử, trường hợp Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) mới đây, theo báo cáo kiểm toán năm tài chính 2016, phần lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ là âm 49,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 309 tỷ đồng trước kiểm toán.
Sau khi phát hiện thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính, cổ phiếu HVG đã có 4 phiên liên tiếp giảm giá sàn, từ 9.000 đồng/CP ngày 25/1 xuống 6.750 đồng/CP ngày 7/2, tương đương giảm 33,3%. Những phiên sau đó, giá cổ phiếu này có tăng, có giảm, chốt phiên 14/2 ở mức 6.610 đồng/CP.
Hiện chưa có chế tài xử phạt với những doanh nghiệp sai sót trong công bố báo cáo tài chính tự lập nên chưa có trường hợp nào bị “tuýt còi”. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ một số đối tượng lợi dụng để công bố thông tin sai sự thật trong báo cáo tài chính nhằm “làm giá” chứng khoán, thu lợi bất chính. Niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng, nhất là với khối nhà đầu tư nước ngoài, vốn coi trọng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư cần tự phòng vệ
Trong bối cảnh trên, trước hết, nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức cơ bản về tài chính, nghiên cứu về doanh nghiệp trước khi đầu tư. Việc đơn thuần nhìn vào con số lãi lỗ trên báo cáo tài chính, tăng giảm so với cùng kỳ mà không đọc kỹ các khoản mục khác, vốn là thói quen của nhiều nhà đầu tư, cần thay đổi nhằm kiểm tra tính chính xác của thông tin công bố, chủ động phát hiện những sai sót, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sự soát xét của đơn vị kiểm toán.
Trong trường hợp của PHR, nếu đọc kỹ báo cáo quý IV/2016 sẽ thấy, lũy kế hết quý III/2016, doanh thu của PHR đã đạt 770 tỷ đồng, cộng với số quý IV/2016 là 823 tỷ đồng, thì con số cả năm không thể chỉ đạt 1.179 tỷ đồng như trong báo cáo doanh nghiệp tự lập, tương tự đối với chỉ tiêu lợi nhuận. Nhà đầu tư dù không biết số liệu quý IV hay cả năm là chính xác, nhưng có thể nhận thấy những sai lệch bất thường.
Thứ hai, lựa chọn doanh nghiệp và chiến lược đầu tư hướng đến những công ty uy tín, hoạt động hiệu quả. Với những doanh nghiệp này, sai sót xảy ra có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, nhưng sẽ sớm ổn định trở lại. Nhà đầu tư nên thận trọng với những doanh nghiệp có “vết” về tính minh bạch, hay việc “đánh” cổ phiếu theo đầu cơ, theo “đội lái”.
Công khai, minh bạch, uy tín là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin với thị trường, cơ quan quản lý và nhà đầu tư. Do đó, với doanh nghiệp, khi quyết định đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán tập trung là chấp nhận công khai, minh bạch thông tin, thay vì trước kia chỉ “người trong nhà” mới biết. Báo cáo tài chính là một trong những thông tin quan trọng nhất được gửi đến cổ đông, những người chủ của doanh nghiệp.
Những sai sót trọng yếu không chỉ khiến nhà đầu tư quay lưng mà khách hàng, đối tác sẽ đánh giá sự thiếu chuyên nghiệp, uy tín và độ tin cậy vào số liệu mà công ty cung cấp. Kiểm tra kỹ thông tin để có số liệu chuẩn xác là một trong những cách tạo uy tín cho doanh nghiệp, tránh trường hợp cổ đông mất tiền, mất lòng tin.
Nên đọc
Theo ĐTCK
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy