Minh họa: NOP
Từ chuyện xứ người
Trung Quốc vừa thông báo sẽ cấm hoàn toàn và xử lý nghiêm các trường hợp công bố danh tính thủ khoa và tỉ lệ đậu ĐH trong kỳ thi ĐH năm nay.
Nhiều người suy đoán lệnh cấm xuất phát từ việc danh hiệu thủ khoa đã bị biến tướng, chạy theo điểm số, áp lực thi cử và phục vụ cho các mục đích thương mại một cách quá mức với các cá nhân và các trường.
Những chiến dịch quảng cáo liên quan tới danh hiệu này cũng đặt các học sinh và phụ huynh dưới áp lực ngày càng lớn.
Theo ông Chu Zhaohui - một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học giáo dục quốc gia Trung Quốc, danh hiệu thủ khoa thường đi liền với danh tiếng và thành tích cho các trường, thậm chí cho chính quyền địa phương nên họ sẵn sàng công khai danh tính của học sinh.
Điều này xuất phát từ văn hóa coi trọng điểm số và thành tích thâm căn cố đế của người Trung Quốc, ông Chu nhận xét.
Thời phong kiến, khi một người đậu trạng nguyên sẽ được "vinh quy bái tổ", "cờ hoa rợp trời" mở đường. Nếp nghĩ đó vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay dẫn tới một số hệ lụy.
Hồi năm ngoái, một vụ ăn mừng thủ khoa ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc và bị cho là quá lố.
Bốn sinh viên thủ khoa ngồi trên ôtô trang trí rèm hoa đỏ diễu phố, vẫy tay chào mọi người trên đường như những ngôi sao ca nhạc. Đằng sau họ là đoàn xe máy hộ tống, một ban nhạc và đội múa sư tử.
Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, ông Xiong Bingqi - một chuyên gia giáo dục cho rằng vấn đề cốt lõi đằng sau việc thổi phồng danh hiệu thủ khoa là nền giáo dục định hướng thi cử của Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng giáo dục Trung Quốc Chen Baosheng, việc giảm áp lực từ hệ thống giáo dục định hướng thi cử của Trung Quốc đòi hỏi phải có sự cải cách trong phương pháp đánh giá, thậm chí tạo ra một hệ thống đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện mà không dựa trên điểm số.
Các chuyên gia như ông Chu và ông Xiong đề xuất nên tách kỳ thi và công tác tuyển sinh ra riêng. Thay vì để bộ giáo dục ra đề, các trường ĐH nên tự làm việc này và thành lập phòng tuyển sinh để lựa chọn các sinh viên phù hợp.
Kỳ thi ĐH Trung Quốc hay còn gọi là Cao Khảo (gaokao) năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/6.
Việt Nam: nên hay không công bố thủ khoa?
Tại Việt Nam, hàng năm các trường đại học đều công bố thủ khoa đậu vào trường, năm nay việc này có nên tiếp tục?
Theo TS Nguyễn Kim Quang - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM, việc tôn vinh, khen thưởng thủ khoa các kỳ thi là một nét văn hóa đã hình thành từ rất lâu ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
"Theo tôi, việc tôn vinh những học sinh xuất sắc trong học tập là điều cần thiết, qua đó phản ánh một tấm gương, đặc biệt đối với các em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó để đạt được kết quả cao trong học tập.
Tuy nhiên, nếu việc tôn vinh làm quá lố như suy tôn, thưởng mức tiền lớn, thương mại hóa hình thức khen thưởng và cho hưởng đặc quyền riêng... là điều không nên vì sẽ phản tác dụng", ông nói.
Chia sẻ quan điểm của mình, TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, nói: "Tôi cho rằng việc có quy định để cấm những hình thức tôn vinh thủ khoa gắn liền với thương mại như vậy là điều dễ hiểu. Thực tế tại Việt Nam chưa thấy có một trường ĐH hay địa phương nào có hình thức tôn vinh thủ khoa một cách quá lố và không phù hợp.
Theo tôi, các hình thức tôn vinh thủ khoa hiện nay ở nước ta là phù hợp, qua đó góp phần nhân rộng gương học tốt và là kỷ niệm đẹp với người được tôn vinh.
Còn việc công bố tỉ lệ đỗ ĐH tại địa phương, việc này không nêu đích danh một học sinh nào cả và những thông tin này chỉ có giá trị tham khảo nên không cần thiết phải cấm công bố".
Trong khi đó PGS.TS Đỗ Văn Xê - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng việc tôn vinh thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH là điều không cần thiết.
Theo ông, giá trị và năng lực thực sự của học sinh được quyết định qua cả một quá trình học tập, phấn đấu lâu dài chứ không chỉ qua một kỳ thi. Những thủ khoa đầu vào chưa chắc sẽ học tốt trong quá trình học ĐH và cả những thủ khoa đầu ra chưa chắc sẽ làm việc tốt sau khi ra trường.
Thực tế, có không ít thủ khoa đầu vào phải chịu nhiều áp lực vì trong quá trình học, những sinh viên này luôn có cảm giác bị người khác dòm ngó và cũng có những sinh viên như "đi trên mây" ảo tưởng về năng lực của chính mình.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc quy định cấm tiết lộ danh tính thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH là điều không nên.
Theo Tuổi trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy