Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng tăng - Ảnh: Đức Minh
Tại cửa hàng Thế Giới Di động (TGDĐ) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM), sau khi chọn mua một chiếc laptop trị giá 10,99 triệu đồng, chúng tôi đề nghị được vay trả góp. Một nhân viên nữ của Công ty ACS tư vấn: khách hàng trả trước 30% giá trị máy tức 3,297 triệu đồng, công ty sẽ cho vay số tiền còn lại với lãi suất 2,45%/tháng (tương đương 29,4%/năm). Nếu vay 6 tháng, mỗi tháng trả lãi và gốc là 1,47 triệu đồng, vay 9 tháng thì mỗi tháng trả 1,043 triệu đồng, vay 12 tháng thì mỗi tháng trả 829.000 đồng. Nếu muốn trả nợ trước hạn, công ty sẽ chỉ tính 50% phần lãi của những tháng còn lại.
Mập mờ
Hồ sơ khách hàng cần đưa cho phía công ty là CMND, hộ khẩu và hóa đơn điện, nước bản gốc để đối chiếu. Để chứng minh thủ tục nhanh gọn, nhân viên này đưa ra một cuốn sổ cho xem những yêu cầu thông tin về khách hàng mà phía công ty cần. Ở các cột phía tay phải bao gồm thông tin về sản phẩm, giá bán, trả trước, phí trả chậm, kỳ hạn thanh toán, tổng số tiền thanh toán...
Trả lời câu hỏi "Sau khi điền phiếu đăng ký này có phải ký thêm hợp đồng gì nữa không?" của chúng tôi, cô nhân viên giải thích ACS là công ty thương mại chứ không phải công ty tài chính nên sau khi làm phiếu đăng ký thì khách hàng không phải ký hợp đồng tín dụng. Mỗi bộ "Phiếu đăng ký" có 3 liên, một liên công ty giữ, một liên khách hàng giữ và một liên đưa lại cho phía TGDĐ.
Có thể thấy, mọi thủ tục, phương thức cho vay của ACS không khác gì hoạt động cho vay của các công ty tài chính hiện nay nhưng thay vì ký hợp đồng tín dụng, công ty này "lách" bằng "Phiếu đăng ký". Trong khi theo quy định, hoạt động tài chính là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được phép của cơ quan có thẩm quyền là Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty ACS hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư số 411023000375 chứng nhận thay đổi lần thứ 6 ngày 3.9.2014 do UBND TP.HCM cấp với vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh gồm thực hiện quyền phân phối bán buôn, quyền phân phối bán lẻ (không thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và không gắn với việc thành lập cơ sở bán lẻ thứ nhất) các hàng hóa máy móc, điện thoại di động, thiết bị nghe nhìn, thiết bị ghi và tái tạo âm thanh, máy ảnh, máy quay phim, máy chiếu...; dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan bao gồm dịch vụ thực hiện phần mềm, dịch vụ xử lý dữ liệu...; dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trong giấy chứng nhận đầu tư của Công ty ACS hoàn toàn không hề có chức năng cho vay trả góp. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cũng xác nhận: "Trong danh sách NHNN cấp phép hoạt động cho các công ty tài chính, không có công ty nào tên ACS".
Lách "trả góp" thành "trả chậm"
Không có chức năng cho vay trả góp nhưng Công ty ACS đã công khai thực hiện việc này suốt hơn 6 năm qua với mạng lưới phủ sóng trên toàn quốc thông qua hệ thống các cửa hàng bán điện thoại, máy tính, laptop... dưới hình thức là đối tác của các đơn vị bán lẻ này.
Các hình ảnh gắn với ACS hầu hết là "mua hàng trả góp". Theo đại diện TGDĐ, khi khách hàng có nhu cầu vay tại ACS, TGDĐ sẽ bán lại hàng đó cho ACS. Sau đó, ACS làm hợp đồng mua bán trả chậm với người tiêu dùng, phần trả góp hằng tháng sẽ gọi là phần thanh toán. ACS bán sản phẩm cho khách hàng theo phương thức bán trả chậm, khách hàng sẽ trả trước một khoản tiền ngay khi ACS chấp thuận hợp đồng mua hàng trả chậm của khách hàng. Khoản tiền còn lại khách hàng sẽ trả chậm hằng tháng (có tính lãi) theo kỳ hạn khách chọn lựa. TGDĐ xuất hóa đơn cho ACS.
Luật sư Nguyễn Danh Mạnh, Giám đốc Công ty luật MAI COUNSEL, cho biết quy định pháp luật hiện nay cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng. Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Để không xảy ra hiện tượng nở rộ thành lập công ty kinh doanh cho vay trả góp núp dưới hình thức bán hàng trả chậm, cơ quan nhà nước cần có những quy định để tránh hiện tượng này. Người mua hàng cần xem xét kỹ giấy tờ vì các công ty này sẽ đưa ra các biểu mẫu đơn giản như "Phiếu đăng ký"… mà không phải hợp đồng mua bán hàng có quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên nhằm mục đích tránh bị cơ quan quản lý nhà nước "tuýt còi".
Năm 2013, Công ty ACS có công văn đề nghị cơ quan thuế về việc xác nhận xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị Cục Thuế TP.HCM thực hiện thanh tra (hoặc kiểm tra) đơn vị này. Theo Tổng cục Thuế, hợp đồng giữa Công ty ACS với nhà cung cấp trong nước về việc mua hàng hóa và bán lại cho khách hàng tiêu dùng đúng với giá nhà cung cấp nhưng dưới hình thức trả chậm có lãi suất. Giá bán của Công ty ACS toàn bộ bằng giá mua. |
Theo Thanh Niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy