Công ty cấp nước Sài Gòn: 7 tỷ đồng 'trôi' đi đâu?
22/05/2015 07:22:11
ANTT.VN – Sau hơn 10 năm chuyển đổi mô hình tổ chức của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, vụ “thụt két” mất 6,68 tỷ đồng công quỹ của thủ quỹ Nguyễn Văn Toàn vẫn chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm và kỷ luật nhân sự, số tiền vẫn treo trên sổ kế toán mà chưa được xử lý.

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) là doanh nghiệp Nhà nước được chuyển đổi mô hình thành công ty mẹ - công ty con từ Công ty cấp nước TP Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Giao thông – Công chính từ năm 2005.

Đọc số thu tiền ngốn 600 đồng/m3

Sau 10 năm, lượng nước Sawaco cung cấp cho toàn thành phố tăng 1,8 lần, từ 211.805 m3 năm 2005 lên 397.540 m3 nước vào năm 2015. Thế nhưng, con số được ghi nhận vượt trội hơn cả là doanh thu tiền nước lại tăng gấp 3,6 lần so với thời điểm mới chuyển đổi mô hình.

Dự kiến doanh số từ bán nước sạch cho các hộ dân năm 2015 đạt 3.453 tỷ đồng. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của doanh thu còn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của lượng nước cung cấp.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Sawaco gấp 2 lần tốc độ tăng lượng nước sạch (nguồn: Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn)

Kinh doanh ngành nước có đặc thù riêng – đặc biệt là nước sạch sinh hoạt luôn là vấn đề thiết yếu với cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, việc kinh doanh nước sạch đem lại tỷ suất lợi nhuận tương đối cao, khi so sánh tương quan giữa giá vốn và doanh thu của Sawaco giai đoạn 2012-2014 luôn dưới mức 60%.

Lợi nhuận mà Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn đem về hàng năm khá cao, năm 2013 là 163 tỷ đồng và 2014 đạt 160 tỷ (sau khi sáp nhập Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn TP Hồ Chí Minh).

Mới đây (ngày 21/04), tại cuộc họp của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh về góp ý phương án điều chỉnh giá nước theo lộ trình 2015-2019, Sawoco đưa ra lộ trình tăng giá nước từ 8.864 đồng/m3 lên 9.612 đồng/m3 vào năm 2015 và tiếp tục tăng 10,5% vào mỗi năm sau, đến năm 2019 là 14.357 đồng/m3.

Trong đề án, SAWACO cho biết đang thực hiện nhiều dự án giảm nước thất thoát (NTT) trên toàn TP. Theo đó, từ năm 2014-2018 sẽ chia làm 6 vùng trải đều từ trung tâm TP đến các quận, huyện vùng ven tập trung giảm NTT, phấn đấu kéo giảm tỉ lệ NTT từ 33% năm 2014 về 25% năm 2020 - rút ngắn 5 năm so với mục tiêu đề ra. Như vậy, nếu SAWACO dự kiến năm 2015 sẽ cung cấp 2,8 triệu m3 nước/ngày đêm, với tỉ lệ thất thoát 33% thì sẽ có hơn 800.000 m3 nước “chui” xuống lòng đất/ngày đêm, tương đương 7 tỷ đồng của dân cũng “trôi theo dòng nước”.

Tỷ lệ thất thoát nước TP Hồ Chí Minh còn rất lớn

Ngoài ra, cũng như ngành điện dùng 67.000 cán bộ cho việc “đọc số - thu tiền” thì chi phí này cũng lặp lại tương tự với ngành nước. Để cho các cán bộ nhà nước đến từng hộ gia đình mỗi tháng 1 lần, Sawaco cũng chi 197 tỷ đồng trong năm 2013 và 237 tỷ đồng năm 2014. Như vậy, tính trung bình mỗi m3 nước sử dụng, người dân cũng phải chi ra hơn 600 đồng.

Hơn 10 năm vẫn treo gần 7 tỷ đồng do thủ quỹ thụt két

Sau 10 năm tái khởi động, số vốn Nhà nước đầu tư cho Sawaco đã tăng lên gấp đôi, từ 2.102 tỷ đồng lên 4.788 tỷ sau nhiều lần tăng vốn điều lệ và sáp nhập các công ty cấp nước theo quyết định của UBND thành phố.

Tổng tài sản của Công ty cấp nước Sài Gòn cũng tăng lên đáng kể, tính đến 31/12/2014 đạt 7.577 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu vốn của Sawaco tương đối an toàn, tỷ lệ nợ phải trả chỉ chiếm 30%, vay và nợ chủ yếu là các hiệp định vay vốn phục vụ cải thiện hệ thống cấp nước, chịu mức lãi suất 5,4-6%.

cong-ty-cap-nuoc-sai-gon

Khoản tiền thiếu do vụ biển thủ công quỹ của Nguyễn Đức Toàn từ năm 2003 vẫn treo trên báo cáo tài chính của Sawaco

Thời điểm năm 2003, trước khi tiến hành chuyển đổi mô hình sang Công ty mẹ - công ty con, thủ quỹ công ty cấp nước TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Đức Toàn biển thủ 6,68 tỷ đồng công quỹ gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác điều hành, lãnh đạo. Theo đó, thường trực Thành uỷ và UBND TP HCM chỉ đạo Sở Giao thông Công chính đã có quyết định kiểm điểm tập thể Ban thường vụ Đảng uỷ Công ty Cấp nước thành phố và 8 cá nhân liên quan, cách chức Tổng Giám đốc với ông Võ Quang Châu.

Thế nhưng, sự việc chỉ dừng lại ở đó, 6,68 tỷ đồng vẫn được treo trên khoản mục “tài sản thiếu chờ xử lý” của Sawaco hàng chục năm nay. Công ty cũng đã trích lập hàng năm đến năm 2013.

Vậy trách nhiệm cho khoản tiền này cuối cùng thuộc về ai, khi nào tài sản gần 7 tỷ đồng (thời điểm 2003) của Nhà nước được xử lý xong vẫn là câu hỏi lửng cho Sawaco.

Hoa Liên

 
 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến