Bộ KH&ĐT: “Hạn chế tối đa bổ sung mới quy hoạch Khu công nghiệp”
21/05/2015 20:48:12
ANTT.VN – Trả lời phỏng vấn ANTT.VN, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Duy Đông cho biết, tới đây sẽ hạn chế tối đa việc tăng diện tích, bổ sung mới quy hoạch KCN...

Tin liên quan

Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông

Liên quan đến câu chuyện hàng loạt các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) và dự án các KCN, KKT tại nhiều địa phương đang  rơi vào tình trạng bỏ hoang, quy hoạch “treo” gây lãng phí, xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân, phóng viên ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đang có 2,4 triệu lao động làm việc trong các KKT, KCN

Ông có thể cho biết tình hình phát triển các Khu kinh tế (KKT), Khu công nghiệp (KCN) đến thời điểm hiện tại? Các KKT, KCN đã đóng góp thế nào vào sự phát triển chung của nền kinh tế, thưa ông?

Về tình hình phát triển KCN, KKT: Tính cuối năm 2014, cả nước đã có 295 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 84 nghìn ha. Trong đó, 212 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60 nghìn ha và 83 KCN còn lại đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Các KCN đã đi vào hoạt động cho thuê đạt tỷ lệ lấp đầy là 65% (so với năm 2013 là 62%). Về KKT, cả nước có 15 KKT ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là 700 nghìn ha và 28 KKT cửa khẩu đã được thành lập.

Về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT: Trong năm 2014, các KCN, KKT của cả nước đã thu hút thêm 752 dự án FDI và tăng vốn cho 515 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 14,7 tỷ USD (chiếm 64% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong năm 2014 của cả nước). Tính riêng trong lĩnh vực sản xuất, tổng vốn FDI vào các KCN, KKT chiếm hơn 90% tổng vốn FDI cả nước. Đặc biệt trong năm 2014, các dự án đầu tư trong KCN, KKT đã giải ngân hơn 13,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013.  Lũy kế đến hết năm 2014, các KCN trên cả nước đã thu hút được 5.573 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 85,5 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện đạt 49 tỷ USD, bằng 57% vốn đầu tư đã đăng ký. Các KKT ven biển đã thu hút được 247 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 37 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 13,5 tỷ USD, bằng 36% tổng vốn đầu tư đã đăng ký. Các KKT cửa khẩu thu hút được 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 700 triệu USD.

Tổng số lao động trong KCN, KKT đến hết năm 2014 là 2,4 triệu người

Về tình hình thu hút đầu tư trong nước vào KCN, KKT: Trong năm 2014, các KCN, KKT đã thu hút thêm 588 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 196 dự án với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 168 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế đến hết năm 2014: các KCN cả nước đã thu hút được 5.459 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 541,6 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 265,4 nghìn tỷ đồng, bằng 50% tổng vốn đăng ký. Các KKT ven biển đã thu hút 777 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 541,8 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 163 nghìn tỷ đồng, bằng 30% tổng vốn đăng ký. Các KKT cửa khẩu thu hút được 500 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 40 nghìn tỷ đồng.

Về tình hình sản xuất kinh doanh: Trong năm 2014, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2013: Tổng doanh thu đạt hơn 118 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2013; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 73,4 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2013 (đóng góp 49% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước); Kim ngạch nhập khẩu đạt 67,6 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2013, (đóng góp 46% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước); Đóng góp NSNN: 87 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2013.

Tổng số lao động trong KCN, KKT đến hết năm 2014 là 2,4 triệu lao động, tăng 14,2% so với năm 2013.

Đã có 7 KCN bị thu hồi giấy phép

Hiện nay, trên trên khắp cả nước đang có một số lượng không ít các KCN bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tình hình hoạt động kém hiệu quả này? 

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành đánh giá việc thực hiện quy hoạch, thành lập, hoạt động của các KCN và đề xuất biện pháp xử lý đối với các KCN hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường. Theo đó, chúng tôi đã xác định cụ thể 23 KCN thuộc nhóm các KCN hoạt động kém hiệu quả và báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào KCN, quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng hoặc giảm quy mô hoặc thu hồi đối với các KCN không có khả năng triển khai.

Sau 7 năm triển khai, KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương) vẫn chỉ như một bãi đất hoang

Kết quả xử lý đến nay đạt được như sau: 07 KCN trong tổng số 09 KCN không triển khai thuộc nhóm V đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư để tìm kiếm, lựa chọn chủ đầu tư khác, 05 KCN trong số 14 KCN thuộc nhóm IV (các KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa đền bù, GPMB và chưa đầu tư xây dựng hạ tầng) đã được giải quyết theo hướng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục triển khai.

Nguyên nhân chủ yếu của tình  hình hoạt động kém hiệu quả hoặc chậm triển triển khai của một số KCN là chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính hoặc kinh nghiệm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN còn hạn chế. Ngoài ra, một số KCN gặp khó khăn khi triển khai do vướng mắc về quy hoạch hoặc gặp vướng mắc trong công tác ĐB,GPMB do không thỏa thuận được giá đền bù với các hộ dân bị thu hồi đất dẫn đến chưa hoàn thành giải phóng được mặt bằng.

Kiên quyết giảm quy mô hoặc thu hồi đối với các KCN “ma”

Theo khảo sát của ANTT.VN, hai trong những nguyên nhân căn bản khiến hàng loạt các KCN rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả hiện nay là do chính sách về đất đai còn nhiều hạn chế cũng như năng lực yếu kém của các chủ đầu tư. Để cải thiện vấn đề này, quý Vụ có tham mưu gì với Bộ và Chính phủ không, thưa ông?

Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN chúng tôi đã thường xuyên tổng hợp những vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai đối với việc xây dựng và phát triển KCN. Cụ thể như vướng mắc trong việc xác định đơn giá thuê đất và nguyên tắc điều chỉnh đơn giá khi nộp tiền thuê đất một lần cho Nhà nước đối với các trường hợp doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm nhưng đã cho thuê lại đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trước ngày 01/7/2014; ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KKT; khó khăn của đơn vị sự nghiệp có thu làm chủ đầu tư dự án phát triển hạ tầng KCN. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo giao các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nhằm xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc nêu trên (tại Thông báo số 111/TB-VPCP ngày 02/4/2015 của Văn phòng Chính phủ).

Đối với các KCN chận triển khai do năng lực yếu kém của các chủ đầu tư thì chúng tôi tiếp tục kiến nghị Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN giao các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có các KCN hoạt động kém hiệu quả kiên quyết giảm quy mô hoặc thu hồi đối với các KCN không có khả năng triển khai.

Hạn chế tối đa việc tăng diện tích, bổ sung mới quy hoạch KCN

Ông có thể cho biết định hướng và quy hoạch phát triển các KCN trong thời gian tới? Làm sao để dung hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường cũng như ổn định cuộc sống cho người lao động?

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn vướng mắc, cản trở đối với sự phát triển của các KCN trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất là nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch KCN, bao gồm:

Xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển KCN gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở và các quy hoạch ngành khác. Phát triển KCN với số lượng và quy mô phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN, kiên quyết không phát triển KCN trên đất lúa có năng suất ổn định. 

Thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch KCN cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo diện tích KCN phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không bỏ trống đất đai, gây lãng phí; không phát triển KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy KCN theo quy định.

Hạn chế tối đa việc tăng diện tích, bổ sung mới quy hoạch KCN; tập trung phát triển các KCN đã thành lập, chỉ thành lập thêm KCN khi đáp ứng điều kiện theo quy định.

Tương tự KCN Cẩm Điền - Lương Điền, KCN Hoàng Mai (Nghệ An) sau nhiều năm vẫn chỉ để... chăn bò (?)

Thứ hai là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào KCN, bao gồm:

Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong hàng rào với ngoài hàng rào KCN. Đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình tiện nghi, tiện ích phục vụ đời sống người lao động KCN.

Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam và phù hợp với chương trình tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của đất nước. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN; hình thành các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, dần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó xác định cơ cấu đầu tư, dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Thứ ba là kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường, bao gồm:

Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong các KCN gắn với việc thực hiện các chế tài xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường một cách cụ thể, kiên quyết và dứt điểm (kể cả việc xử phạt, chấn dứt hoạt động hay thu hồi GCNĐT của dự án đầu tư);

Nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật về môi trường cho các cơ quan liên quan đến KCN, KKT để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý có đầy đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường KCN.

Thứ tư là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bao gồm:

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm cải thiện điều kiện lao động, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong KCN phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Chú trọng, đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn, nhất là các vùng nông thôn bị thu hồi đất làm KCN; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho KCN; xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ, kỹ năng, kỷ luật lao động ngày càng được nâng cao. 

Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh doanh gắn với nâng cao trách nhiệm đối với quyền lợi của người lao động và của cộng đồng.

Nghiên cứu, xây dựng chính sách mang tính khuyến khích cao để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động KCN thuê; chú trọng huy động nguồn lực sẵn có trong dân cư gắn với kiểm soát tiêu chuẩn xây dựng, kinh doanh nhà ở cho người lao động thuê.

Cuối cùng là nghiên cứu, điều chỉnh mô hình phát triển KCN cho phù hợp.

Thực tiễn hoạt động của các KCN trong thời gian qua đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu, điều chỉnh mô hình KCN cho phù hợp thực tiễn phát triển của Việt Nam và xu hướng trên thế giới. Đó là vấn đề kết hợp giữa phát triển công nghiệp với phát triển nhà ở, đô thị, và các công trình tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ người lao động; phát triển các KCN có tính liên kết ngành cao, tính chuyên sâu cao; KCN hỗ trợ; KCN sinh thái; KCN công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Ninh Giang – Thiên Di

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến