Dòng sự kiện:
Công ty chứng khoán tăng vốn khủng nhờ VPBank 'chống lưng'
16/02/2022 10:42:35
VPBank quay trở lại mảng kinh doanh chứng khoán và gây bất ngờ khi sắp rót trực tiếp hơn 8.400 tỷ đồng vào VPBank Securities.

Lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam đang “lớn nhanh như thánh gióng” khi các công ty ăn nên làm ra trong đại dịch và liên tục mở rộng năng lực hoạt động.

Sự phát triển đó khiến nhiều công ty chứng khoán trở thành mục tiêu thâu tóm của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Hàng loạt thương vụ săn lùng đã diễn ra từ 2020 đến nay khi tờ “giấy phép kinh doanh chứng khoán” trở thành món hàng đắt đỏ.

Tăng vốn khủng nhất ngành

Mới nhất vào đầu năm nay, ngân hàng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã quyết định đầu tư mua lại đến 97,42% vốn công ty Chứng khoán ASC để trở thành công ty mẹ chi phối mọi hoạt động.

Đây là đơn vị khá nhỏ trong ngành với vốn điều lệ 56 tỷ đồng và đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh từ năm 2016. Tuy nhiên, ngay khi về tay VPBank, ASC lập tức tăng vốn lên 269 tỷ đồng như hiện tại.

Tuy nhiên, điều gây bùng nổ nhất diễn ra vào ngày 14/2, công ty chứng khoán này tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua việc đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBank Securities).

Cũng trong đại hội, các cổ đông chính đã thống nhất việc cho phép doanh nghiệp được tăng vốn kỷ lục thông qua phương án phát hành 865,1 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, thực hiện ngay trong năm 2022.

Vốn điều lệ theo đó tăng đột biến từ 269 tỷ lên 8.920 tỷ đồng, đưa VPBank Securities từ một đơn vị ít được biết đến trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ hai trong toàn ngành chứng khoán (SSI đang đứng đầu với gần 9.848 tỷ đồng).

Hiện công ty có 3 cổ đông chính nắm giữ 100% vốn và VPBank là ngân hàng mẹ sở hữu 97,42% cổ phần. Điều đó đồng nghĩa rằng ngân hàng sẽ bơm thêm 8.427 tỷ đồng cho đơn vị thành viên này.

Giá chào bán tối thiểu trong đợt này 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng tổng số tiền huy động 8.651 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn tiền thu được dùng để bổ sung nguồn lực cho mảng kinh doanh môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành.

Động thái tăng vốn thêm 33 lần của VPBank Securities rất được chú ý khi là mức tăng vốn kỷ lục toàn ngành và tiếp tục xáo trộn nhiều vị thế - các công ty chứng khoán nội đang lấy lại top đầu về quy mô vốn.

Vốn điều lệ của nhóm 79 công ty chứng khoán trong năm 2021 đã tăng thêm khoảng 35.300 tỷ đồng (cao hơn nhiều so với tổng mức tăng 4 năm trước đó cộng lại chỉ khoảng 25.200 tỷ đồng). Trong đó, nhóm công ty nội chiếm ưu thế khi có 9/10 đơn vị tăng vốn lớn nhất.

Hàng loạt đại gia trong nước nhập cuộc như Sunshine Group mua Chứng khoán KS, cựu CEO VNDirect Nguyễn Hoàng Giang mua lại Chứng khoán Đại Nam, nhóm Thành Công với Chứng khoán DSC, TPBank mở rộng hệ sinh thái khi thâu tóm Chứng khoán ORS.

Sang năm 2022, các công ty chứng khoán nội tiếp tục mở rộng đáng kể như việc SSI tăng vốn lên gần 15.000 tỷ, VNDirect tăng vốn trên 12.000 tỷ hay VPBank Securities tăng lên gần 9.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô các ngân hàng tầm trung. Điều đó cho thấy lĩnh vực chứng khoán vẫn đang là miếng bánh béo bở mà các doanh nghiệp nội muốn giành lại.

Trở lại chứng khoán sau 6 năm

Thực tế VPBank cũng từng đầu tư lớn vào lĩnh vực môi giới cổ phiếu khi có rót vốn vào Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (nay là Công ty cổ phần Chứng khoán VPS).

Tuy nhiên, dưới sức ép cạnh tranh ngày càng lớn hơn, nhất là làn sóng đổ bộ thâu tóm của các đại gia nước ngoài khiến các công ty chứng khoán nội dần bị lép vế. VPBank theo đó cũng thoái toàn bộ vốn khỏi VPS từ năm 2015.

Sau khi về tay chủ mới, VPS liên tục bành trướng quy mô hoạt động khi tăng vốn lên mức 5.700 tỷ đồng, lớn thứ ba toàn thị trường hiện tại. Công ty cũng nhanh chóng vươn lên đứng số 1 về thị phần môi giới trên các sàn chứng khoán Việt Nam.

Sự phát triển vượt bậc của các công ty chứng khoán tạo điều kiện cho lãnh đạo VPBank có kế hoạch quay trở lại mảng kinh doanh béo bở này sau hơn 6 năm rút lui. Động thái rót vốn khủng cũng khẳng định ngân hàng quyết chơi lớn ở mảng kinh doanh này.


VPBank chơi lớn ở mảng chứng khoán khi rót hơn 8.400 tỷ đồng vào VPBank Securities.

Lãnh đạo ngân hàng từng chia sẻ VPBank Securities sẽ không nhắm vào mục tiêu cạnh tranh thị phần môi giới mà chủ yếu nhắm vào các sản phẩm để phục vụ nhu cầu đầu tư của khách hàng như: Trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cho vay margin…

Đồng thời, công ty cũng bắt tay với công ty chứng khoán khác phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan đến thị trường vốn.

Về chỉ tiêu tài chính, VPBank Securities cũng đưa ra kế hoạch đầy tham vọng cho giai đoạn mới. Mục tiêu doanh thu năm 2022 là 1.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng. Các con số này lần lượt gấp 131 lần và 105 lần so với thực hiện năm 2021.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng chứng khoán niêm yết dự kiến đem về nguồn thu lớn nhất với giá trị 737 tỷ đồng, doanh thu từ trái phiếu và hoạt động tài chính lần lượt là 307 tỷ đồng và 462 tỷ đồng.

Công ty cũng đã hoàn thiện bộ máy quản lý, tập trung vào việc phát triển các sản phẩm công nghệ, hệ thống giao dịch trái phiếu, hệ thống giao dịch cổ phiếu… Vào tháng 10/2021, đơn vị được UBCK chấp thuận bổ sung thêm các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán gồm môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến