Lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa sụt giảm tới 66,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Toàn
Lợi nhuận lao dốc khi hụt tiền đền bù đất
Tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR), Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa sở hữu quỹ đất cao su lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu lợi nhuận từ năm 2019 đến năm 2023, lợi nhuận khác từ thanh lý cây cao su và đền bù chuyển đổi đất cao su sang công nghiệp đóng góp từ 47,9% đến 83,1% tổng lợi nhuận sau thuế.
Trong đó, lợi nhuận khác năm 2022 ghi nhận 693,72 tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng lợi nhuận và năm 2023 ghi nhận 359,77 tỷ đồng, chiếm 54,4% tổng lợi nhuận. Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cho biết, lợi nhuận khác năm 2022 chủ yếu do ghi nhận 698,3 tỷ đồng từ tiền bồi thường thực hiện Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) và năm 2023 tiếp tục nhận thêm 283,65 tỷ đồng tiền bồi thường Dự án VSIP III.
Tuy nhiên, bước sang quý I/2024, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận khác giảm 205,07 tỷ đồng, về 205,23 tỷ đồng. Việc lợi nhuận khác giảm dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm tới 66,4%, tương ứng giảm 155,08 tỷ đồng, về 78,44 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là Công ty không còn tiền đền bù đất cho Dự án VSIP III như trong 2 năm trước đó.
Thực tế, khi không còn tiền đền bù đất, trong năm 2024, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cũng lên kế hoạch đi lùi khi doanh thu giảm 10,1%, về 1.455,06 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 46,9%, về 245,22 tỷ đồng. Trong khi đó, giá cao su liên tục tăng, từ ngày 16/8/2023 đến 13/6/2024 đã tăng 40,1%.
Động lực từ cho thuê đất khu công nghiệp
Theo chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa lên kế hoạch tiếp tục cắt giảm 7.720 ha diện tích trồng cao su, trong đó khoảng 5.126 ha sẽ chuyển đổi sang phát triển bất động sản khu công nghiệp. Bên cạnh tiền đền bù, Công ty còn được nhận 33% lợi nhuận từ tiền cho thuê đất tại Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (diện tích 346 ha) và 20% lợi nhuận từ việc cho thuê đất tại Dự án VSIP III.
Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ để hỏi về tiến độ và dự phóng 2 dự án bất động sản công nghiệp nêu trên trong năm 2024, nhưng chưa được phía đại diện Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa phản hồi.
Theo bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán ACBS, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng dù đã được UBND tỉnh Bình Dương giao đất theo Quyết định số 1343/QĐ-UBND ngày 24/5/2023, nhưng hiện chưa có thông báo về giá thuê đất, nên chưa đóng tiền thuê đất và ký hợp đồng cho thuê chính thức.
Bà Trang cho biết, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đang trong quá trình xây dựng đường giao thông và hệ thống thoát nước mưa, nước thải. Việc ghi nhận lợi nhuận từ khu công nghiệp này phụ thuộc vào thời điểm nhận thông báo về giá thuê đất. Trong khi đó, thời gian thanh toán hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp thường từ 6 tháng đến 1 năm, nên nhiều khả năng việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ khu công nghiệp này sẽ không xảy ra trong năm 2024.
“Đối với Khu công nghiệp VSIP 3, theo thỏa thuận giữa Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa và VSIP, thì Công ty nhận được phần hỗ trợ tương ứng 20% lợi nhuận từ việc cho thuê đất tại VSIP 3, nhưng không thấp hơn 1,2 tỷ đồng/ha. Chúng tôi dự phóng phần lợi nhuận mà Công ty nhận được khoảng 70-100 tỷ đồng trong năm nay”, bà Trang nói.
Tương tự, Công ty Chứng khoán BSC ước tính, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng sẽ nhận khoảng 30 ha diện tích cho thuê đất trong năm 2024, qua đó đóng góp khoảng 121 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa trong năm 2024. Còn VSIP III đóng góp 163 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của Công ty trong năm 2024.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán MBS có dự báo thận trọng hơn. Theo đó, VSIP III có thể đóng góp 70 tỷ đồng và Khu công nghiệp Nam Tân Uyên - mở rộng đóng góp 147 tỷ đồng trong năm 2024.
Dù triển vọng dài hạn vẫn tích cực nhờ tiềm năng chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp, nhưng với mức giá đóng cửa ngày 17/6 là 59.400 đồng/cổ phiếu (đỉnh ngắn hạn ngày 10/6 là 64.000 đồng/cổ phiếu), giá cổ phiếu PHR đã tiệm cận mức định giá của Công ty Chứng khoán BSC 1 năm là 64.800 đồng/cổ phiếu, Công ty Chứng khoán Mirae Asset là 64.000 đồng/cổ phiếu và Công ty Chứng khoán MBS là 60.900 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, với mức cổ tức năm 2023 dự kiến 30% bằng tiền, lợi tức hiện tại của cổ phiếu khoảng 5,05%, thấp hơn lãi suất 12 tháng tại các ngân hàng thương mại (khoảng 5,5%/năm). Có thể thấy, sau nhịp tăng đầu năm, mức giá hiện tại cổ phiếu PHR không còn hấp dẫn với nhà đầu tư giá trị hướng tới cổ tức, cũng như đã tiệm cận giá mục tiêu 1 năm của các công ty chứng khoán, vì vậy không còn quá nhiều dư địa tăng giá.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy