Theo Nikkei Asia Review, GoldFX Investment (GFX) thông báo tạm dừng hoạt động từ tháng 3 và đến nay vẫn chưa nối lại dịch vụ. GFX khẳng định nguyên nhân của tình trạng này là việc 3 cựu lãnh đạo công ty biển thủ 20 triệu USD.
Trên trang web, GFX cho biết có hơn 30.000 khách hàng tại Campuchia. Mỗi tài khoản khách hàng phải có tối thiểu 1.000 USD. Nguồn tin báo chí địa phương khẳng định công ty này giữ ít nhất 27 triệu USD của các nhà đầu tư. Việc công ty đột ngột thông báo dừng hoạt động khiến các nhà đầu tư mất quyền truy cập tài khoản.
Nhiều người lên mạng xã hội kêu gọi GFX trả lại tiền. “Đây là trách nhiệm của công ty”, nhà đầu tư Roum, 30 tuổi, bức xúc nói với Nikkei Asia. Là một nhân viên y tế, Roum đầu tư 3.000 USD vào GFX hai năm trước.
“Tôi nghe người ta quảng cáo rằng lợi nhuận cao lắm. Chứ thực ra tôi cũng không biết mình đang đổ tiền vào cái gì nữa”, người đàn ông than thở. Mỗi tháng anh được trả 100-150 USD. "Họ giao dịch thay cho tôi", anh kể.
Roum cho rằng nếu GFX không trả lại tiền, các nhà đầu tư lẻ ở Campuchia sẽ sợ hãi, không dám đổ tiền vào thị trường tài chính nữa. "Mọi người sẽ sợ, không dám đầu tư kể cả vào những công ty tốt. Đó sẽ là vết thương không bao gờ lành", anh nhấn mạnh.
GFX ngừng hoạt động từ tháng 3. Ảnh: CDX.
Giới quan sát nhận định vụ bê bối của GFX phản ánh hiện trạng của thị trường phái sinh ngoại hối còn rất mới mẻ ở Campuchia. Nhiều nhà đầu tư hoàn toàn không có kiến thức tài chính, và không biết rõ họ đổ tiền vào tài sản gì.
Ông Stephen Higgins, một cựu giám đốc ngân hàng ở Campuchia, cho rằng việc GFX cam kết khách hàng đạt lợi nhuận 5-10%/tháng là quá vô lý. “Đầu tư ngoại hối không thể giúp bạn kiếm nhiều tiền”, ông Higgins bình luận.
Chuyên gia cho biết việc thiếu kinh nghiệm quản lý và nền tảng tài chính yếu kém là nguyên nhân khiến các công ty Forex sụp đổ. Ông Stephen Higgins hiện phụ trách mảng tư vấn tại Mekong Strategic Partners.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Campuchia (SERC) đề nghị các nhà đầu tư GFX gửi đơn khiếu nại. SERC cấp giấp phép giao dịch phái sinh từ năm 2016. Trả lời Khmer Times hồi năm ngoái, ông Sou Socheat - Tổng giám đốc SERC - cho biết quy mô thị trường phái sinh tại Campuchia tăng từ 5 triệu USD trong năm 2017 lên 200 triệu USD vào năm 2019.
Nikkei dẫn lời một nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm cho biết thị trường tài chính Campuchia đang chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tổ chức phái sinh ngoại hối như GFX. Họ thường lôi kéo những nhà đầu tư mới với cam kết đạt lợi nhuận cao trong thời gian ngắn.
“Những nhà đầu tư mới gần như có rất ít hoặc không có kiến thức về tài chính. Họ dễ bị dụ dỗ và thuyết phục rằng có thể giàu lên nhanh chóng. Thực tế đó là điều không thể nếu bạn đầu tư theo cách này. Không chỉ tại Campuchia, tôi thấy hình thức này đã xuất hiện khắp trong khu vực sông Mekong”, người này khẳng định.
Tác giả: Hương Giang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy