Dòng sự kiện:
Công ty thí điểm làm sạch sông Tô Lịch không hợp tác
17/06/2020 09:23:57
Thành phố yêu cầu công ty thí điểm công nghệ nano làm sạch đoạn sông Tô Lịch cung cấp văn bản pháp lý từ cuối năm 2019, nhưng không nhận được phản hồi.

Trả lời báo chí chiều 16/6, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho hay, từ tháng 11/2019, thành phố đã họp yêu cầu Công ty Việt Nhật, đơn vị thí điểm công nghệ nano làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, báo cáo rõ kết quả thí nghiệm, các văn bản pháp lý liên quan đến công ty và công nghệ xử lý.

Sở Xây dựng Hà Nội sau đó yêu cầu công ty cung cấp các tài liệu theo chỉ đạo của thành phố, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được và công ty không liên hệ lại. "Vậy chúng tôi hiểu là công ty đã từ bỏ việc xử lý nước trên sông Tô Lịch", Phó giám đốc Thắng nói.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng phát biểu chiều 16/6. Ảnh: Võ Hải.

Ngoài thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, Công ty Việt Nhật còn quây một khu vực Hồ Tây để thí điểm làm sạch. Đến nay, khu vực này vẫn chưa dỡ bỏ.

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor bắt đầu từ giữa tháng 5/2019 trên đoạn sông 300 m. Công nghệ Nano-Bioreactor gồm hai yếu tố là máy sục khí nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.

Sau gần 6 tháng, các thiết bị phục vụ thí điểm đã được tháo dỡ. Đơn vị tổ chức thí điểm công bố đạt được sáu mục tiêu: xử lý mùi hôi thối; phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông; bảo tồn hệ sinh thái.

Đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano hạ thiết bị xuống sông hồi tháng 5/2019. Ảnh: Võ Hải.

Tuy nhiên, trả lời cử tri quận Thanh Xuân cuối tháng 11/2019, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đánh giá việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano "chưa thành công" và thành phố sẽ thực hiện dự án xây dựng cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, đưa về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Một tuần sau, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho hay đã có buổi làm việc và đề nghị đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch cung cấp hồ sơ như tài liệu tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ nano. Thành phố giao Sở Xây dựng giới thiệu hồ nước đọng trên địa bàn để đơn vị thí điểm làm sạch nước, xử lý mùi, bùn bằng công nghệ Nano-Bioreactor đồng thời mời các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, các sở ngành của thành phố tham gia để đánh giá kết quả thử nghiệm.

Một số người đưa ra các ý tưởng để cải tạo môi trường sông Tô Lịch, nhưng Chủ tịch Hà Nội khẳng định không có công nghệ nào xử lý được 180.000 m3 nước thải đang xả xuống sông Tô Lịch mỗi ngày mà không thu gom.

Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Sông Tô Lịch ngày nay dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ, đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 200 cửa xả nước thải.

Nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được thành phố đưa ra trong hơn 10 năm qua nhưng đều không hiệu quả. Tháng 5/2020, thành phố đã động thổ xây cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sau đó đưa về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Giải pháp này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ xử lý triệt để ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Dự kiến, việc xây cống gom nước thải sẽ hoàn thành sau bốn năm.

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến