Dùng xét nghiệm để tìm "phần nổi" của "tảng băng chìm"
Tình hình Hà Nội nóng trở lại trong 2 tuần gần đây. Hiện thành phố có đến 7 ổ dịch mới trong cộng đồng có diễn biến phức tạp.
"Việc ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng tại Hà Nội là điều đã nằm trong dự đoán từ trước", đó là nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).
Theo lý giải của chuyên gia này, khi chúng ta đã tiến hành nới lỏng các hoạt động, không chỉ ở Hà Nội mà là trên phạm vi cả nước, bên cạnh việc lây lan ở trong chính địa bàn thành phố, thì mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là dòng người về từ các vùng đang có dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…kể cả một số địa phương đang có dịch ở phía Bắc.
"Hà Nội là nơi có sự giao thương lớn và đông người, một khi đã nới lỏng các biện pháp giãn cách thì sẽ rất dễ lây lan mầm bệnh. Chúng ta cần chấp nhận việc ghi nhận ca nhiễm, vấn đề là phải phát hiện sớm để truy vết các ổ dịch. Vẫn sẽ tiến hành phong tỏa các khu vực có dịch nhưng phải phong tỏa rất hẹp, tính toán làm sao để vừa kiểm soát chặt không làm lây lan mầm bệnh nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và an sinh xã hội của người dân. Hà Nội thời gian vừa qua cũng đang làm tốt điều đó", PGS Phu phân tích.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm để phát hiện sớm các ổ dịch trong cộng đồng và đánh giá nguy cơ dịch, đặc biệt là xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt.
PGS Phu nói: "Vừa qua, có thể thấy cũng chính nhờ xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt đã giúp Hà Nội phát hiện các ổ dịch đang âm thầm lây lan trong cộng đồng. Các ca bệnh này chính là "phần nổi" giúp chỉ điểm "tảng băng chìm"".
Có phương án hoạt động an toàn, không "ngăn sông, cấm chợ"
Theo quan điểm của PGS Phu, trong chiến lược thích ứng với Covid-19, Hà Nội cần đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn của Nghị quyết 128 của Chính phủ và không vì dịch mà "ngăn sông, cấm chợ".
"Nếu Hà Nội áp dụng các biện pháp chống dịch một cách cực đoan, cấm đoán sẽ ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, xã hội của chính thành phố và của cả các địa phương khác", PSG Phu cho hay.
Hà Nội cần có biện pháp nới lỏng "an toàn" để không bùng dịch trở lại (Ảnh minh họa).
Theo ông, các cấp, các ngành của Hà Nội cần có phương án làm sao để đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế, xã hội.
PGS Phu dẫn chứng: "Để dịch không bùng phát trở lại, điều rất quan trọng là phải có phương án đảm bảo an toàn khi nới lỏng. Ví dụ về ngành giáo dục khi cho học sinh đi học trở lại, chợ búa muốn kinh doanh hay giao thông đi lại phải có phương án gì?"
"Vấn đề ở đây là chúng ta không giãn cách, cấm đoán như giai đoạn trước. Các hoạt động vẫn cho phép "mở cửa" nhưng phải có điều kiện an toàn, để làm sao kiểm soát dịch bệnh không bùng phát. Đây là việc rất quan trọng lúc này", chuyên gia này nhấn mạnh.
Cần sớm có phương án cho F1 cách ly tại nhà
Tại buổi làm việc với TP Hà Nội vào sáng 2/11, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần "tập dượt" các phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
Hà Nội cần sớm có phương án cách ly F1 tại nhà (Ảnh minh họa).
Đồng quan điểm, theo PGS Phu, để chung sống an toàn với dịch, Hà Nội trước mắt nên sớm có phương án cho các F1 đáp ứng đủ điều kiện phòng ốc quy định của Bộ Y tế được cách ly tại nhà.
Việc này sẽ giúp tránh quá tải cho các khu cách ly, tránh hiện tượng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, cùng với đó giảm thiểu ảnh hưởng về cuộc sống và kinh tế của người thuộc diện cách ly.
Về vấn đề tiêm vaccine, theo chuyên gia này, Hà Nội cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho đối tượng người già và người có bệnh nền. Tiêm vaccine cho trẻ em khi có nguồn vaccine.
Ông lưu ý việc Hà Nội cần rà soát để tiêm vaccine cho cả những người ở tỉnh thành khác trở về, bởi trong thời gian nới lỏng vừa qua, nhiều người ở vùng khác về địa phương chưa được tiêm đủ mũi vaccine.
"Một vấn đề rất quan trọng là người dân phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K, đây là biện pháp có thể giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Người dân trong giai đoạn này tuyệt đối không được chủ quan, kể cả người đã được tiêm vaccine, bởi vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan, sẽ rất nguy hiểm nếu lây cho người nguy cơ cao. Người dân cần lưu ý rằng, bên cạnh mình luôn có khả năng có F0. Những người đi từ vùng dịch về có trách nhiệm cách ly hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà đúng theo quy định để không lây lan dịch cho gia đình và cộng đồng vì có thể mình đã bị nhiễm SARS-CoV-2 mà mình không biết. Nếu chúng ta buông lỏng, không có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng thì dịch bùng lên và không kiểm soát được là điều tất yếu", PGS Phu nói.
Tác giả: Minh Nhật
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy