CPI cả nước tăng 0,54% trong tháng 9
26/09/2016 10:39:47
ANTT.VN - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2016 là 100,54%, tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2016 là 100,54%, tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân chín tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,07%.

Ảnh minh họa ( nguồn: Internet)

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm tăng, cụ thể, giáo dục tăng 7,19%; Giao thông tăng 0,55%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09 %; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Duy nhất nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Nhóm giáo dục có chỉ số tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng chủ yếu ở nhóm dịch vụ giáo dục do cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ…

Tổng cục Thống kê đưa ra một số nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 9 năm 2016 như: Cuối tháng 8 Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu cho Philipine nên giá lúa gạo trong nước hồi phục sau 3 tháng (tháng 6,7,8) giảm, tuy nhiên mức tăng khá nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào.

Trong tháng, mưa nhiều nên giá rau tươi tăng mạnh từ 10% - 15% do nguồn cung hạn chế nên đẩy chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,1% so tháng trước. Giá dịch vụ giáo dục tăng ở 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,19% so tháng trước đóng góp 0,42% vào mức tăng chung của CPI tháng 9. Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 19/8/2016 và ngày 5/9/2016 (giá xăng tăng 1.380 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 720 đồng/lít); Giá xăng dầu tăng làm cho chỉ số giá của nhóm giao thông tăng 0,55% đóng góp 0,05% vào mức tăng chung của CPI. Mặt hàng vàng và đô la Mỹ không nằm trong giỏ tính CPI.

Sau khi tăng mạnh ở tháng 7 và tháng 8 do sự kiện Brexit của nước Anh, giá vàng trong nước tháng này đã giảm trở lại cùng với diễn biến của giá vàng thế giới, bình quân giá vàng trong nước dao động quanh mức 3.600.000đ - 3.620.000/chỉ vàng SJC giảm 0,34% so với tháng trước.

Đối với chỉ số giá đô la Mỹ, diễn biến tỷ giá trong nước khá ổn định do lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng đủ cho nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cuối năm nên tỷ giá VND/USD tháng này gần như ổn định, xoay quanh 22.330VND/USD.

P.V

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến