Trụ sở Công ty cổ phần Than Vàng Danh.
Nhà thầu duy nhất tham dự trúng ngay gói thầu “khủng”
Ngày 17/8/2022, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Than Vàng Danh, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã ký Quyết định số 1520/QĐ-TVD phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (mã chứng khoán: QNC) thực hiện Gói thầu số 16: Thuê công đoạn đào lò chuẩn bị sản xuất tầng lò bằng mức +135-:-+215 khu Cánh Gà và ĐVĐ (gọi tắt là Gói thầu số 16) với giá trên 82,34 tỷ đồng (giá dự toán gói thầu 83,066 tỷ đồng).
Được biết, Gói thầu số 16 được thực hiện theo đơn giá cố định; thời hạn thực hiện hợp đồng là 315 ngày; lựa chọn nhà thầu theo phương thức một giai đoạn, hai túi hồ sơ. Tại thời điểm mở thầu, chỉ có Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh tham dự.
Theo thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, các công việc mà nhà thầu đảm nhiệm bao gồm: đào lò bằng khoan nổ mìn trong đá f=6-:-8 ở lò bằng, chống bằng vì thép VC11-SVP27, bước chống 0,445m/vì, mỗi vì bắt 6 gông đầu cột, 3 gông C, 3 thanh giằng, đánh 5 văng gỗ F10-:-12cm, nóc và hông chèn kín bằng tấm chèn; xúc đá bằng máy xúc; lắp đặt đường sắt cỡ đường 900 mm ray P24 (2m/m đường), tà vẹt gỗ kích thước: 160 x 140 x 1.600 mm (1,4 thanh/m đường), đóng đinh vấu (5,6 cái/m đường), bắc lắc líp (0,4 cái/m đường), bắt bu lông M18 x 80 (0,8 bộ/m đường)…
Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty Than Vàng Danh cũng đã phát hành một số gói thầu liên quan tới công đoạn đào lò như: Gói thầu Thuê công đoạn đào lò chuẩn bị sản xuất mức +0-:-+105 khu IV GVD, doanh nghiệp trúng thầu là Công ty cổ phần Xây dựng cơ điện và Thương mại Việt Nam, giá trúng thầu 32,253 tỷ đồng; Gói thầu Thuê công đoạn đào lò chuẩn bị sản xuất mức +0-:- -175 khu GVD, doanh nghiệp trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng công trình mỏ Việt Hồng, giá trúng thầu 40,055 tỷ đồng. Các nhà thầu này cũng đã tham gia nhiều gói thầu có tính chất tương tự, quy mô lớn tại nhiều đơn vị ngành than ở Quảng Ninh.
Quay trở lại với Gói thầu số 16, thông tin Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh trúng gói thầu “khủng” lên tới hơn 82 tỷ đồng khiến nhiều đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong nghề bốc xúc hầm lò bất ngờ. Lý do không chỉ bởi đây là gói thầu đầu tiên Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh tham gia tại Công ty Than Vàng Danh, mà còn là gói thầu đầu tiên doanh nghiệp này được ghi nhận trên hệ thống thống kê về đấu thầu quốc gia.
Chủ đầu tư có bỏ qua khuyến nghị về tài chính của kiểm toán?
Mặc dù đã được phê duyệt thực hiện Gói thầu số 16 của Công ty Than Vàng Danh, song Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh vẫn khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về năng lực, kinh nghiệm. Ngay trong báo cáo tài chính 3 năm gần nhất của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cùng ý kiến của đơn vị kiểm toán độc lập cũng phần nào nói lên điều này.
Cụ thể, về Báo cáo Tài chính hợp nhất năm 2019 của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, kiểm toán nhấn mạnh: Tại thời điểm 31/12/2019, nợ ngắn hạn của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 644,2 tỷ đồng; nợ quá hạn chưa thanh toán (nêu tại Thuyết minh số 16, 20 và 21) với tổng giá trị 130,92 tỷ đồng; chậm nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước 23,99 tỷ đồng (Thuyết minh số 17); lỗ lũy kế 263,7 tỷ đồng, tương ứng 70,94% vốn góp của chủ sở hữu.
Tại thời điểm 31/12/2020, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty là 510,56 tỷ đồng; nợ quá hạn chưa thanh toán (nêu tại Thuyết minh số 16, 18 và 21) với tổng giá trị 160,93 tỷ đồng; chậm nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước 53,06 tỷ đồng (Thuyết minh số 17); lỗ lũy kế 178,03 tỷ đồng, tương ứng 46% vốn góp của chủ sở hữu.
Còn tại thời điểm 31/12/2021, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty là 364,82 tỷ đồng; nợ quá hạn chưa thanh toán 125,31 tỷ đồng; thuế quá hạn nộp là 61,18 tỷ đồng; lỗ lũy kế 78,87 tỷ đồng, tương ứng 15,77% vốn góp của chủ sở hữu.
Mới đây, Báo cáo quý II/2022 của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh thể hiện: tại thời điểm 30/6/2022, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty là 433,08 tỷ đồng; nợ quá hạn chưa thanh toán 134,06 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp khác quá hạn nộp 35,702 tỷ đồng; lỗ lũy kế 67,24 tỷ đồng, tương ứng 15,45% vốn góp của chủ sở hữu.
Thực tế này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về khả năng hoạt động liên tục của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh. Trong khi đó, Báo cáo Tài chính hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022 của công ty này vẫn được trình bày trên cơ sở giả định về khả năng hoạt động liên tục.
Mở rộng ra các lĩnh vực đầu tư của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, có thể thấy, kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ về việc Công ty đã xử lý các vấn đề tồn đọng trước năm 2020 vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của năm 2020 mà không điều chỉnh hồi tố về đúng năm tài chính.
Cụ thể, số dự phòng nợ phải thu khó đòi trích lập thiếu đến ngày 1/1/2020 số tiền 17,49 tỷ đồng. Phần chi phí khấu hao trích thiếu từ năm 2015 đến năm 2017 của Dự án Nâng công suất dây chuyền nghiền Nhà máy Xi măng Lam Thạch II số tiền 26,32 tỷ đồng. Các chi phí sửa chữa Nhà máy Xi măng Lam Thạch II (từ năm 2017 trở đi) được phân bố trong thời gian từ 18 tháng đến 36 tháng, mặc dù đây là các chi phí sửa chữa thường xuyên, với số dư đến ngày 1/1/2020 là 17.48 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phần thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với doanh thu hoạt động xuất khẩu. Tiền thuê đất và chi phí khác tại Khu công nghiệp Cái Lân không được miễn giảm trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2018 với tổng số tiền 34,87 tỷ đồng, trên Báo cáo Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020 phản ánh thừa số tiền 90,06 tỷ đồng.
Từ đây, câu hỏi tiếp tục được đặt ra là, liệu Công ty cổ phần Than Vàng Danh có bỏ qua khuyến nghị của kiểm toán độc lập để chọn Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cho Gói thầu số 16?
Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh có địa chỉ tại khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP. Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh). Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Đỗ Hoàng Phúc, Tổng giám đốc là ông Tô Ngọc Hoàng. Tiền thân của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh là Xí nghiệp Than Uông Bí. Tháng 4/1998, UBND tỉnh Quảng Ninh tiến hành sáp nhập một số đơn vị vào Xí nghiệp Than Uông Bí để thành lập Công ty Xây dựng và Xi măng Quảng Ninh, với các đơn vị trực thuộc Công ty gồm: Nhà máy Xi măng Lam Thạch, Nhà máy Xi măng Hà Tu, Xí nghiệp Khai thác và Chế biến than Uông Bí, Xí nghiệp Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng. Ngày 28/3/2005, Công ty Xây dựng và Xi măng Quảng Ninh được đổi tên thành Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh. Ngày 10/1/2008, cổ phiếu của Công ty chính thức niêm yết trên sàn HNX. Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh có thế mạnh trong sản xuất xi măng, sản xuất đá xây dựng, sản xuất than, xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, kinh doanh xuất nhập khẩu. |
Tác giả: Huệ Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy