Dòng sự kiện:
Củ 'vàng xanh' giúp nông dân xứ Thanh đổi đời
22/07/2023 09:15:23
Củ riềng - được mệnh danh là 'vàng xanh' khi chính nó đã giúp hàng trăm hộ dân ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) thoát nghèo bền vững và có thu nhập cao.

Trong suốt hơn 10 năm qua, cây riềng đã trở thành vị cứu tinh cho bà con nông dân thôn 5,6 ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh (Thanh Hoá). Thật khó tin là loại cây bé nhỏ và đơn giản này lại mang lại hiệu quả kinh tế cao và cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây. 

Được đánh giá là loại cây dễ trồng, chi phí ít và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, cây riềng đang tạo ra một nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân trong khu vực này. 

Cây riềng chính là "vàng xanh" với nông dân địa phương 

Ông Nguyễn Đăng Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Khê nhận định, cây riềng có giá trị kinh tế rất cao, với mức giá thị trường dao động từ 7000-10.000 đồng/kg. Mỗi năm, nông dân thu hoạch được 2 vụ, với mỗi sào đất mang về thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng. 

“Bà con nông dân thôn 5,6 của xã đã bỏ trồng lúa, sắn để chuyển hoàn toàn sang trồng riềng. Chúng tôi rất phấn khởi vì cây riềng có thể mang lại thu nhập rất tốt cho bà con và giúp họ có kinh tế trở nên khấm khá. Tại địa phương, hiên nay hiệu quả cao nhất vẫn là cây riềng”, ông Sáu nói.

Những người nông dân tìm thấy chân ái khi trồng riềng cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Lê Văn Lương, Phó chi hội nông dân của thôn 5 cho biết: Thôn có 147 hộ, trước khi trồng cây riềng, bà con trong thôn trồng lúa, sắn và một số cây trồng khác, nhưng hiệu quả kém. Hiện nay toàn thôn đã chuyển đổi mô hình sang trồng riềng.

“Chúng tôi đã tìm được hướng đi đúng đắn để giải phóng diện tích đất đai kém hiệu quả. Có thể khẳng định, cây riềng chính là cây vàng xanh đối với nông dân nơi đây”, ông Lương hài lòng nói. 

Sở hữu hơn 1 mẫu đất trồng riềng, chị Lê Thị Thư (SN 1982) phấn khởi khi bội thu riềng vụ vừa qua. Theo chị, cây riềng không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, bỏ vốn ít, lại dễ sống. 1 năm chị thu hoạch 2 vụ, khoảng 30 tấn riềng cho doanh thu từ 200-240 triệu đồng. 

Chị Thư bên những gốc riềng đang kỳ phát triển tốt

Nhờ vào yếu tố đòi hỏi ít công sức, các nông dân không mất quá nhiều thời gian vào cây riềng, giúp họ có thể vào các ngành nghề khác để nâng cao thu nhập như chăn nuôi gia súc và nuôi thủy sản. Trên diện tích trồng riềng, chị Thư tranh thủ xen canh trồng hồng, cho thu nhập 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, vợ chồng chị đào thêm ao thả ốc nhồi, kiếm thêm 7-8 triệu đồng/tháng. 

“Những năm qua, cây riềng không lo về đầu ra khi tiêu thụ khá tốt. Có thời điểm khó khăn khi giá xuống thấp 4000 đồng/kg, nhưng nhanh chóng phục hồi. Ngay cả những năm dịch COVID-19, chúng tôi vẫn tiêu thụ tốt. Thậm chí thị trường hiện nay vẫn đang khan hàng”, chị Thư nói. 

Hoạt động đa dạng giúp gia đình chị có nguồn thu nhập dồi dào từ nông nghiệp,  dù vậy, cây riềng vẫn là trụ cột chính giúp họ xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc và nâng cao chất lượng.  

Riềng là loại cây trồng ít công chăm sóc, dễ sống

Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, trồng cây riềng cũng đóng góp vào bảo vệ môi trường và quy hoạch nông thôn. Các diện tích trồng cây riềng đẹp mắt đã tạo ra một cảnh quan sinh thái tươi đẹp và thúc đẩy bà con nông dân xã Cán Khê có nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của việc bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên tự nhiên. Hiện nay, trên địa bàn xã Cán Khê có 110 ha riềng, cho giá trị 16 tỷ đồng/năm. 

Dù có giá trị cao, song xã không ồ ạt mở rộng trồng riềng, bởi lo ngại cung vượt cầu sẽ gây khó khăn cho người nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài trồng riềng, ở nhiều vùng khác nhau của xã Cán Khê, người dân trồng các loại khác như: ổi, ngô, khoai lang, rau đậu các loại, sắn, cây gai xanh, đào cảnh, cây ăn quả và cây trồng lâu năm khác. Ước tính giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 vừa qua đạt 58,14 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi cũng đem lại giá trị 59,52 tỷ đồng, giá trị từ lâm nghiệp đạt 29,75 tỷ đồng. Những con số trên là minh chứng cho hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giúp người nông dân có thu nhập ổn định, đời sống nâng cao. 

Lương Diễn
Theo: doisongphapluat.nguoiduatin.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến