Cục Đường thủy nội địa nói gì về “tàu chở gỗ dăm uy hiếp sông Bôi”?
06/08/2015 07:42:15
ANTT.VN – Sau khi phản ánh việc “tàu chở gỗ dăm uy hiếp sông Bôi”, PV đã liên hệ với Cục Đường thủy nội địa VN để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tin liên quan

Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Thọ

Làm việc với PV ANTT.VN có ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam và ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của PV là ông Trần Sỹ Duy.

Việc nhiều tàu chở gỗ dăm tự ý cơi nới hoạt động trên Sông Bôi, Lạc Thủy, Hòa Bình Cục Đường thủy nội địa có biết việc này không?

Tuyến sông Bôi là tuyến sông chảy từ thượng lưu huyện Lạc Thủy qua địa bàn của tỉnh Hòa Bình, về Ninh Bình tiếp giáp với huyện Nho Quan của tỉnh Ninh Bình và nối với sông Hoàng Long để ra sông Đáy.

Cần phải nói thêm, tuyến sông Bôi chảy ở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thì đã được Sở GTVT Ninh Bình công bố quản lý và giao cho đoạn giao thông số 2, còn sông Bôi chảy trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thì Sở GTVT địa phương chưa tổ chức quản lý do đó các bến mà bốc xếp vật liệu gỗ dăm ở đó vẫn chưa được tổ chức quản lý.

Theo quy định của Pháp luật và theo việc phân cấp quản lý giữa Bộ GTVT (Trung ương) và các tỉnh (địa phương) thì có quy định, tuyến sông của địa phương thì UBND tỉnh phải công bố tổ chức quản lý. Còn tuyến sông quốc gia thì Bộ GTVT công bố và quản lý. Bộ giao cho Cục đường thủy nội địa trực tiếp quản lý các tuyến liên tỉnh, tuyến quốc gia. Hiện, nước ta có hai hệ thống là hệ thống sông kênh của địa phương và hệ thống sông kênh quốc gia.

Riêng đối với việc bến bốc xếp, theo quy định của pháp luật hiện nay tất cả các bến thủy nội địa do Sở GTVT cấp phép. Bất luận bến đó nằm trong tuyến Trung ương hay tuyến địa phương, nếu ở trên địa bàn của tỉnh nào thì Sở GTVT của tỉnh đó có  thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Trở lại bến ở Lạc Thủy sản xuất gỗ dăm người ta cung cấp cho phương tiện thủy chạy ở đó. Sau khi có thông tin như báo chí đưa, tôi đã trực tiếp gọi điện trao đổi với Sở GTVT Hòa Bình và hiện nay người ta đã chuẩn bị phương án tổ chức công bố nhưng đang thuê tư vấn để khảo sát. Khi mà công bố rồi người ta đưa vào quy hoạch cấp phép hoạt động của bến. Tình trạng bến nhỏ lẻ ở các sông hiện vẫn hoạt động hoặc là chưa cấp phép hoặc cấp phép gần như hết hạn, đây cũng là bức xúc của chúng tôi, lãnh đạo cục cũng chỉ đạo hết sức sát sao. Hiện nay Cục đang cùng với chính quyền địa phương cùng với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương tiến hành triển khai.

Thực ra, việc này được làm thường xuyên hàng năm nhưng sự đồng kết hợp giữa các cơ quan chưa được nhịp nhàng lắm. Hiện, Cục trưởng cũng đang làm việc với các tỉnh trọng điểm, một trong những chủ đề mà lãnh đạo Cục quan tâm đối với các địa phương là vấn đề quản lý bến thủy nội địa. Với trách nhiệm của Cục là cơ quan quản lý nhà nước, không phải các bến địa phương cấp, Cục không có trách nhiệm gì, Cục cũng phải tham mưu cho Bộ và phối hợp với địa phương để tổ chức quản lý cho tốt.

Riêng đối với thực trạng ở Hòa Bình, khi các phương tiện vào bến bãi chưa được cấp phép vì ở đó chưa được tổ chức quản lý, thì không có ai cấp phép cho các phương tiện, trên đường đi có lực lượng chức năng người ta kiểm soát là lực lượng cảnh sát giao thông.

Vậy tại Ninh Bình đã công bố tuyến để quản lý chưa? Những tàu chở gỗ dăm này khi đi qua Ninh Bình có ai quản lý không?

Thực ra việc quản lý trên sông là lực lượng cảnh sát, công an sẽ bố trí ở các địa bàn nhưng thực ra các lực lượng không phải bố trí được hết ở các ngõ ngách…

Vậy việc quản lý này là do giao thông đường bộ hay đường thủy?

Hiện nay có câu chuyện là ở giao thông địa phương có đơn vị mà trên địa bàn có nhiều sông suối, có vận tải thủy người ta thành lập đơn vị quản lý riêng nhưng phần lớn các địa phương chỉ thành lập đơn vị quản lý chung cả đường bộ và đường thủy, ví dụ như các tỉnh miền Trung có Công ty quản lý giao thông thủy bộ, thì người ta được Sở giao cho, ở Ninh Bình cũng thuộc dạng như vậy.

Tàu chở gỗ dăm cơi nới sơ sài đang "ăn hàng" trên sông Bôi

Các tàu chở gỗ dăm hoạt động hàng ngày, mà hiện Ninh Bình đã công bố quản lý tuyến rồi thì các tàu này phải xin phép mới được đi qua chứ, thưa ông?

Vận tải thủy không phải như vận tải hành khách phải xin phép tuyến, nhưng các phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phải có bằng chứng chỉ chuyên môn, đủ điều kiện tham gia giao thông. Tham gia giao thông phải tuân thủ pháp luật về giao thông chứ không phải xin phép tuyến. Việc phân vùng hoạt động thì cơ quan đăng kiểm người ta sẽ cung cấp cho vùng để ứng với các phương tiện đó, phù hợp với các điều kiện kỹ thuật thì hoạt động ở các vùng nào chủ phương tiện sẽ hoạt động ở vùng đó. Ví dụ, phương tiện đủ điều kiện hoạt động ở trên sông thì người ta hoạt động trên sông S2 hoặc ra cửa biển là S1 thì loại phương tiện đó được ra thôi chứ không được ra quá xa…

Vậy việc các tàu chở gỗ dăm tự ý cơi nới sẽ bị xử lý như thế nào?

Việc chở hàng, thứ nhất phải tuân thủ có vạch dấu nước an toàn. Đối với hàng khô của vận tải ở trên boong phải tuân thủ quy định mà cơ quan đăng kiểm hướng dẫn ví dụ như được phép trở hàng trên boong phải chằng buộc cố định không được xê dịch được.

Gỗ dăm là hàng rời nhưng các tàu này tự cơi nới lên mà cơ nới một cách rất sơ sài nhưng khi vận chuyển không che đậy vậy có an toàn không?

Khi mà bị phát hiện thì cơ quan chức năng sẽ phải xử lý thôi. ví dụ được trở hàng trên boong được chở như thế nào thì cơ quan đăng kiểm người ta có hướng dẫn rồi.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ ở Hòa Bình, mà nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, sông Đuống ở Bắc Ninh, tàu chở gỗ dăm vẫn thường xuyên di chuyển. Vậy tại sao lại không có sự quản lý để các tàu ngang nhiên hoạt động như vậy?

Khi các tàu này chạy ở trên tuyến thì có lực lượng cảnh sát giao thông bố trí các trạm để kiểm tra, kiểm soát, còn đối với các phương tiện chở hàng ở trên bến mà chưa được cấp phép thì đúng là ở đấy chưa được tổ chức quản lý. Chẳng có cơ quan nào quản lý ở bến mà nó tự mọc ra bởi vì gỗ dăm thường hoạt động theo thời vụ, sản xuất tiện thì rót xuống tàu như ở khu vực Chi Nê, Lạc Thủy. Không thể phủ nhận là không có tình trạng đó. Hiện nay có những bến hoạt động trong tình trạng như vậy, còn trên đường đi có lực lượng cảnh sát giao thông, còn các cảng vụ chỉ quản lý ở cảng bến được công bố cấp phép thôi.

Những sự việc như vậy tồn tại đã lâu tại sao không bị phát hiện?

Có thể là không phải không bị phát hiện mà có bị phát hiện và đã có biện pháp xử lý. Cái này không có thống kê nhưng, có thể cũng có xử lí nhưng cơ quan không nắm được số liệu.

Đã phát hiện, đã xử phạt nhưng tại sao các chuyến tàu chở gỗ dăm vẫn ngang nhiên hoạt động? Cục Đường thủy nội địa có vai trò gì trong các bến cảng này?

Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông nói chung thì tất cả các cơ quan liên quan đều có trách nhiệm nhưng theo quy định của pháp luật thì luật giao cho cơ quan công an chủ trì, phối hợp thì cơ quan chủ trì sẽ có những vai trò mạnh mẽ hơn, quan trọng hơn trong vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Tại cảng, bến thủy nội địa thì Cục Đường thủy nội địa tổ chức các đơn vị cảng, vụ nhưng tôi phải nói rõ là Cảng vụ chỉ hoạt động ở những cảng, bến thủy nội địa đã được tổ chức cấp phép.

Nếu tại các cảng, bến thủy nội địa đã được tổ chức cấp phép mà có sai phạm thì sẽ bị xử lý thế nào?

Cái đó là trách nhiệm của các đơn vị quản lý trực tiếp ví dụ như của các Cảng vụ đường thủy nội địa là phải có trách nhiệm để kiểm tra và có thẩm quyền xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Băng chuyền chuyển gỗ dăm xuống tàu

Vậy nếu tại Cảng vụ mà có ý bao che thì Cục có biện pháp ra sao?

Với trách nhiệm của Cục, các đồng chí lãnh đạo cũng có chỉ đạo bằng các hình thức kiểm tra, đôn đốc bằng các văn bản nhắc nhở thông qua các diễn đàn khác đều có chỉ đạo. Ngay trong năm nay cũng có rất nhiều các văn bản chỉ đạo đối với các Cảng vụ về vấn đề tăng cường tinh thần trách nhiệm đối với người thực thi công vụ, rồi thái độ của cảng vụ viên đối với doanh nghiệp và người dân, tăng cường tinh thần trách nhiệm trong các vấn đề kiểm tra các phương tiện và cũng nhấn mạnh là kiên quyết không cho các phương tiện rời bến khi chưa đảm bảo những quy định về an toàn theo quy định của pháp luật.

Còn việc tổ chức thực hiện cũng yêu cầu các đồng chí giám đốc triển khai và quán triệt tinh thần chung. Còn nếu như ở đâu đó còn có việc vi phạm thì theo quy định của pháp luật cũng phải xử lý thôi. Nếu vi phạm về kỷ luật lao động, kỷ luật công chức viên chức, theo quy định của luật công chức viên chức cũng phải xử lý…

Vậy với tình trạng tàu chở gỗ dăm cới nới hoạt động ở Hòa Bình, sắp tới Cục Đường thủy nội địa sẽ xử lý thế nào tình trạng này?

Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với Sở GTVT Hòa Bình và Ninh Bình, đề nghị địa phương nhanh chóng đưa vào triển khai việc công bố và đưa vào quản lý tuyến sông Bôi, nhanh chóng lập quy hoạch cảng bến thủy nội địa trên tuyến địa phương, kể cả bến thủy nội địa tuyến quốc gia, khi có quy hoạch rồi thì tổ chức những cái nào đủ điều kiện cấp phép để cho họ hoạt động, đó là giải pháp căn cơ nhất…

Hiện chúng tôi đã có văn bản gửi 63 tỉnh thành đề nghị các Sở GTVT cập nhật, rà soát tất cả các cảng bến ở tỉnh mình và chúng tôi đã xây dựng 1 trang website về Cảng bến thủy nội địa trong phạm vi cả nước, có hướng dẫn về mặt công nghệ thông tin để các địa phương cập nhật. Sau đó để các địa phương cũng thấy được các bến bãi ở đó hoạt động như thế nào, trong tình trạng nào, nhanh chóng triển khai việc lập quy hoạch để chóng tổ chức quản lý.

Thiên Di – Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến