Tàu chở gỗ dăm cơi nới ngang nhiên vượt sông
29/07/2015 11:59:08
ANTT.VN - Để chở được nhiều dăm gỗ, các chủ tàu đã tự ý cơi nới nâng cao boong tàu bằng những cây gỗ và lưới. Việc cơi nới này khiến những con tàu phải chở khối lượng hàng gấp vài lần bình thường và chúng phải ì ạch “bò” trên dòng sông Bôi để hướng ra biển từ khi còn tờ mờ sáng.

Tin liên quan

Những bãi gỗ dăm khổng lồ

Chỉ một đoạn ngắn, nhưng tại bến Chi Nê trên sông Bôi (thôn Hoàng Đồng, Xã Khoan Dụ, Huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình) lại là nơi “đóng đô” của nhiều xưởng sản xuất gỗ dăm, thành điểm tập kết và cung cấp đầu mối thành phẩm cho các tỉnh phía Bắc cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Gỗ găm được nghiền ra chất thành đống đưa xuống tàu

“Ở đây có nhiều xưởng sản xuất gỗ dăm lắm, không biết họ chở nguyên liệu ở đâu về mà nhiều thế. Các anh xem, gỗ dăm được xay ra chất đầy chân núi, như các quả đồi màu vàng nhạt suốt dọc sông Bôi”, ông Hoàng Thái Linh, người dân sống cạnh khu vực này cho biết.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, dọc con sông Bôi, hàng loạt bãi tập kết gỗ dăm khổng lồ được các chủ xưởng chất đống. “Hôm nay trời mưa nên ít đấy, mọi hôm dọc sông này đi đâu cũng thấy gỗ dăm, nhiều bãi gỗ dăm chưa kịp bốc xuống tàu đã cao bằng cả tòa nhà”, ông Linh, nói. Trong khi đó, dù mưa hay nắng, các nhà xưởng sản xuất gỗ như như Tây Nam, Vijachip… hàng ngày vẫn hoạt động hết công suất nhằm đảm bảo lượng hàng cho các con tàu đang cập bến mỗi ngày chờ xuôi sông đi ra biển.

Để đáp ứng công suất hoạt động của các nhà máy nghiền gỗ dăm, hàng ngày, đường làng thôn Hoàng Đồng ầm ĩ bởi tiếng động phát ra từ các phương tiện vận chuyển. Trên đường bộ xe tải chở đầy cây keo, dưới sông Bôi, nhiều tàu cũng ăm ắp đắp đầy cây keo nguyên liệu trôi theo dòng nước để đưa về xưởng. Theo quan sát của phóng viên, gỗ chở về đây có nhiều loại cây keo đã bóc vỏ, các loại gỗ thừa sau khi xẻ. Sau đó, các loại gỗ được chế biến để nghiền thành dăm gỗ và đổ lên tàu để chở đi.

Tàu được cơi nới sơ sài để “ăn hàng”

Để tận dụng trọng tải của tàu, các chủ tàu đều cơi nới, nâng thành tàu cao thêm khoảng 1m và dùng lưới vây xung quanh để chở dăm gỗ. Việc cơi nới này được thực hiện một cách sơ sài, không có cơ quan chức trách kiểm soát.

Cơi nới và ra sông

Tháng 7, khi sông Bôi đục ngàu màu nước phù sa thì dòng sông yên bình này càng trở nên vấy bẩn hơn bởi số lượng tàu thủy trọng tải lớn cập bến Chi Nê mỗi ngày chờ đến lượt lấy hàng ngày một nhiều.

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực này cho thấy, mỗi xưởng gỗ ở đây luôn túc trực từ 1 đến 2 chiếc tàu vận tải cỡ lớn chờ dưới sông để nhận hàng gỗ dăm.

Trước khi các thớ gỗ dăm theo đường băng chuyền chảy xuống boong, các chủ tàu đã sử dụng nhiêu thân cây keo nhỏ, cơi nới thùng chứa hàng trên những con tàu có tải trọng hàng nghìn tấn. Sau khi cố định các cây keo này xung quanh boong, một tấm lưới thưa được quay xung quanh nhằm tránh gỗ dăm rơi ra khỏi vị trí. Nhìn từ xa, những chiếc tàu hàng nghìn tấn trông giống như một vườn rau xanh di động nổi lềnh bềnh trên sông.

Băng chuyền chuyển gỗ dăm xuống

Trong suốt mấy tiếng đồng hồ, nhiều nhân công của chủ tàu biển kiểm soát NĐ 2844 đã sử dụng thân cây keo “găm” xuống boong tàu, tạo thành một hàng rào rồi quây lưới xung quanh để chờ chiều cùng ngày ghé bến Chi Nê nhận dăm gỗ.

Dăm gỗ được chất đầy ắp lên tàu...

Không riêng gì tàu NĐ 2844, nhiều tàu hàng khác của Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình như tàu NĐ 2065, TB-1727… cũng cơi nới, bất chấp nguy hiểm để hứng trọn thân mình dưới những cánh băng chuyền mỏng manh chờ nhận hàng cho để phục vụ các chuyến khởi hành nguy hiểm trên sông.

Theo ghi nhận, để chất đầy số gỗ dăm lên tàu (kể cả phần cơi nới), băng chuyền của các xưởng gỗ ở bến Chi Nê phải hoạt động liên tục từ trưa ngày hôm trước và đến sáng sớm ngày hôm sau. 4 giờ sáng mỗi ngày, không gian yên tĩnh trên sông Bôi lại bị khuấy động khi các con tàu chất đầy hàng bắt đầu khởi động, rời khỏi bến Chi Nê để theo hướng Nho Quan (Ninh Bình) ra cảng Cái Lân tập kết.

...và bắt đầu rời bến

Với tải trọng hàng nghìn tấn, nhưng chủ những chiếc thuyền này vẫn không hề quan tâm đến số lượng hàng hóa và sự an toàn của con tàu cũng như các phương tiện trên sông khi tự ý cơi nới thân tàu bằng những vật liệu tạm bợ. Dăm gỗ là hàng rời, nên khi cơi cao xếp trên boong không thể áp dụng biện pháp để đảm bảo hàng hóa tạo thành khối đặc vững chắc liên kết chặt chẽ với tàu, nên rất hay bị xô, lệch mất cân bằng tàu, vì vậy có thể nói, dăm gỗ không thể là hàng được phép xếp trên boong với tàu. Và nếu con nước thay đổi, nếu có sóng to, gió lớn, nếu có những sự cố khách quan … thì số phận những con tàu này không biết sẽ thế nào, an toàn cho các phương tiện khác trên sông sẽ ra sao …?

Ghi nhận của phóng viên, một số tàu mang biển kiểm soát như NĐ 2065, NĐ2844, TB-1727… Đây là những tàu có tải trọng từ 1.000 – 3.000 tấn và chủ đăng ký của các tàu này có biển kiểm soát từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình…

Sau khi chất đầy hàng, các thuyền trưởng cho tàu xuôi theo sông Bôi chạy qua Ninh Bình rồi đổ dồn về cảng Cái Lân để cho lên tàu vận tải loại lớn, đưa gỗ dăm vượt biển xuất đi nước ngoài. 

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải nói gì về việc này, ANTT.VN sẽ tiếp tục cập nhật.

Theo phản ánh của một số người dân, việc một số xưởng sản xuất dăm gỗ đốt các phế thải thừa như vỏ cây khiến khói bụi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như những người đi đường khi đi qua đây. 

Thiên Di

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến