Tin liên quan
Ngày 28/4 cơ quan Thanh tra Bộ NN&PTNT đã công bố toàn văn kết luận thanh tra chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón. Theo đó, cơ quan này đã chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng của Cục Trồng trọt cùng 11 tổ chức, đơn vị doanh nghiệp được chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón, đồng thời kiến nghị Bộ có hình thức xử lý thích đáng.
Liên quan đến vụ việc này, PV đã có cuộc phỏng vấn với ông Nghiêm Phú Trường, Trưởng đoàn Thanh tra và ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Ông Nghiêm Phú Trường, Trưởng đoàn Thanh tra chấp hành Pháp luật trong quản lý phân bón, Bộ NN&PTNT
Dư luận đang rúng động trước thông tin về kết quả thanh tra của Bộ NN&PTNT về những sai phạm của Cục Trồng trọt liên quan đến việc chỉ định 11 tổ chức chứng nhận chất lượng và chỉ định phòng thí nghiệm chưa đạt chuẩn, xin ông cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này?
Ngay sau khi phát hiện những sai phạm của Cục Trồng trọt, cơ quan thanh tra đã báo cáo với Bộ trưởng và các cơ quan của Bộ, tinh thần là Bộ NN&PTNT sẽ xử lý nghiêm, không bao che và làm kiên quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo: Năm 2015 - 2016 phải làm kiên quyết vấn đề quản lý nhà nước về phân bón cũng như việc quản lý thị trường phân bón. Sau khi có kết quả thanh tra chúng tôi đã kiến nghị Bộ có các hình thức xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm đồng thời những vụ việc có dấu hiệu hình sự đã giao cơ quan công an.
Trước những dấu hiệu sai phạm ở Cục Trồng trọt trong việc chỉ định 11 đơn vị chứng nhận chất lượng phân bón và chỉ định phòng thử nghiệm phân bón, cơ quan thanh tra Bộ đã vào cuộc như thế nào?
Thông tin ban đầu là từ Cục Trồng trọt gửi lên, cơ quan công an qua kiểm tra thực tế ở địa phương đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Thanh tra Bộ vào cuộc thì phát hiện ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Bước đầu, chúng tôi kiến nghị Bộ dừng 3 tháng đối với quyết định chỉ định của Cục Trồng trọt đối với 11 đơn vị chứng nhận chất lượng phân bón và chứng nhận phòng thử nghiệm chất lượng phân bón.
Sau khi có kết luận chính thức, chúng tôi đã kiến nghị Bộ thu hồi toàn bộ các quyết định trên đồng thời kiểm điểm làm rõ động cơ, vai trò và trách nhiệm của cá nhân vi phạm để có biện pháp xử lý.
Bộ trưởng sau khi nhận được thông tin sai phạm đến kết luận thanh tra đã chỉ đạo Cục Trồng trọt kiểm điểm cá nhân, tổ chức vi phạm đề xuất hướng xử lý. Giao cơ quan Bộ có hình thức xử lý viên chức, công chức theo đúng trình tự pháp luật của Nhà nước. Kết quả xử lý sẽ có sau 3 tháng nữa.
Chúng tôi biết dư luận đang rất nóng lòng muốn biết Bộ NN&PTNT sẽ làm gì và kiểm điểm có phải là hình thức quá nhẹ hay không. Chúng tôi khẳng định: Lãnh đạo Bộ đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm, còn kiểm điểm ở đây chỉ là làm rõ ai làm, trách nhiệm đến đâu và xử lý đến đó.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT
Thưa ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, dư luận đang rất lo lắng về việc phân bón giả đang hoành hành thị trường và gây thiệt hại cho người nông dân. Ông có thể cho biết về hiện trạng này cũng như số lượng các vụ kiểm tra, bắt giữ phân bón giả?
Trong phạm vi quyền hạn của Bộ, theo Nghị định 202, Bộ NN&PTNT chỉ quản lý từ 5 - 8% các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác, còn lại các loại phân bón vô cơ là thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Chính vì vậy, việc chồng chéo trong quản lý gây nhiều khó khăn cho cơ quan Bộ trong việc thanh kiểm tra các DN sản xuất phân bón, quản lý thị trường phân bón.
Đúng là có nhiều thông tin phân bón kém chất lượng, phân bón giả tràn lan thị trường, nhưng đến lúc này số lượng bao nhiêu, hình thức xử lý như nào... chúng tôi chưa có số liệu này. Tuy nhiên, chưa thể nói rằng những vi phạm về tiêu chuẩn hợp quy chất lượng 100% liên quan đến chất lượng phân bón, bởi đây là hình thức vi phạm chứng nhận.
Hiện nay, quản lý lĩnh vực phân bón theo Nghị định 202 được giao cho cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, theo ông nói có nhiều vướng mắc, vậy những vướng mắc này có liên quan đến việc quản lý chất lượng phân bón và phân bón giả?
Theo quy định hiện nay, Bộ chỉ được kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, còn cơ sở DN sản xuất phân bón vô cơ là thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, rất nhiều DN hiện có sản xuất cả vô cơ - hữu cơ nên trong quá trình thanh kiểm tra chúng tôi không có thẩm quyền vào các DN này.
Muốn thanh kiểm tra, phải lập liên ngành gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Quản lý thị trường nếu các DN thuộc Bộ quản lý, còn ở địa phương thì tỉnh lập liên ngành để kiểm tra. Nếu tỉnh nào làm tốt việc này thì không có phân bón giả. Tuy nhiên, trên thực tế thành lập liên ngành mất nhiều thời gian và khó thực hiện.
Bộ khẳng định sẽ được đi đến cuối, tận cùng và không có vùng cấm, vậy việc xử lý các cá nhân vi phạm, đặc biệt những người liên quan đến sai phạm đã nghỉ công tác, nghỉ hưu sẽ ra sao? Việc kiểm điểm có quá nhẹ hay không trong khi sự việc vi phạm ở mức độ cố ý làm trái và có cấu kết với DN để trục lợi?
Thẩm quyền của cơ quan thanh tra là kiểm tra, rà soát và kiến nghị cơ quan Bộ làm sáng tỏ vấn đề và kiến nghị hình thức xử phạt bước đầu. Mọi hình thức xử phạt sẽ được Bộ NN&PTNT quyết định sau khi có kết luận cuối cùng. Bộ trưởng khẳng định: phải làm kiên quyết, không bao che, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó không có vùng cấm trong vấn đề này. Bộ sẽ xử lý các cá nhân liên quan, cả kể xử lý hình sự các dấu hiệu vi phạm pháp luật có yếu tố hình sự.
Chúng tôi khẳng định, sai phạm chúng tôi đã chỉ rõ ai và mức độ vi phạm của người ấy. Quan điểm của Bộ trưởng và các cơ quan của Bộ là xử lý nghiêm, đã giao công an tiếp nhận hồ sơ và xử lý đúng người, đúng tội không loại trừ ai.
Hiện, văn bản Bộ gửi cơ quan Công an chưa có phản hồi vì mới được mấy ngày, việc dấu hiệu vi phạm và đề xuất xử lý kiểm điểm là làm rõ trách nhiệm chứ không phải chỉ dừng ở đó thôi. Xử phạt và kết tội một cán bộ, một con người phải đúng pháp luật và trình tự để không gây oan sai và đúng người, đúng tội. Chúng tôi kiến nghị xử lý hình sự thì các anh (báo chí) và dư luận không còn gì hoài nghi cả và hãy chờ cơ quan công an vào cuộc.
Xin trân trọng cảm ơn các ông!
Theo Dân trí
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy