Dòng sự kiện:
Cung cầu vốn một số ngân hàng không gặp được nhau?
04/04/2019 11:02:58
Hiện tượng ít diễn ra đang thể hiện ở dòng chảy điều hòa vốn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, khi một số thành viên chưa gặp nhau.

Như thường thấy hàng năm, sau mùa cao điểm dịp Tết Nguyên đán, dòng tiền trở lại hệ thống ngân hàng, các kênh điều tiết chính có chuyển động đảo chiều cũng như giảm bớt liều lượng.

Hỗ trợ thanh khoản mùa cao điểm, Ngân hàng Nhà nước hàng năm thường bơm ròng vốn và tạm ngừng kênh hút về. Qua mùa cao điểm, kênh bơm vốn tạm ngừng khi các dòng tiền trở lại hệ thống nhanh, và sau đó nhà điều hành chỉ hút bớt tiền về.

Diễn biến những dòng chảy đó càng thể hiện rõ những tháng đầu năm những năm gần đây, gắn với việc mua ròng ngoại tệ lớn.

Điểm chung, khi điều tiết vốn Ngân hàng Nhà nước chủ yếu chỉ một chiều, mở kênh hút về khi cần trung hòa bớt vốn hoặc mở kênh bơm ra khi thanh khoản hệ thống cần hỗ trợ. Hướng một chiều này gắn với vai trò nhà điều hành, khi thiếu hoặc thừa nguồn trong hệ thống mà các thành viên không cân đối hết, hoặc khi có chủ động điều hành lái các cân đối đến một mục tiêu nào đó.

Những năm qua và hiện nay, ở kênh bơm ra, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu chào thầu trên kênh cầm cố thị trường mở (OMO); ở kênh hút về, chủ yếu qua kênh phát hành tín phiếu.

Khoảng một tháng gần đây, hiện tượng Ngân hàng Nhà nước cùng lúc bơm vốn qua OMO và hút về qua tín phiếu xuất hiện. Diễn biến này ít thấy trước đây, dù mức độ hấp thụ ở hai kênh này khác nhau và không lớn.

Hiện tượng đặt ra, trong hệ thống có thành viên tạm cần hỗ trợ thanh khoản, mượn vốn Ngân hàng Nhà nước qua OMO, nhưng cùng thời điểm có những thành viên khác tạm dư vốn gửi vào kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, hai nhu cầu giữa các thành viên này một phần không gặp được nhau.

Điểm được chú ý ở chỗ, hiện tại, bên dư vốn gửi vào tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lãi suất chỉ 3%/năm, trong khi bên cần vốn phải mượn qua OMO phải chịu lãi suất 4,75%/năm (cùng kỳ hạn 7 ngày).

Vì sao bên dư vốn không cho vay bên cần vốn để có lãi suất cao hơn, bên cần vốn không vay bên dư đó để có lãi suất mềm hơn, khi trong cùng hệ thống, cùng tham gia thị trường liên ngân hàng, mà phải tìm đến Ngân hàng Nhà nước?

Hiện tượng này có thể được nhìn nhận ở quãng chuyển giao, đáo hạn mang tính thời điểm của các kênh cân đối vốn sau mùa cao điểm chi trả vừa qua, có độ trễ để trở lại bình thường theo hướng một chiều thường thấy trong điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Hoặc có thể thị trường liên ngân hàng và kết nối nhu cầu giữa các ngân hàng thương mại chưa thực sự thông suốt, hoặc có trở ngại nào đó.

Dù vậy, với số dư lưu hành và liều lượng mở van ở cả hai kênh cùng lúc hiện nay, quy mô không lớn nên cân đối vốn hệ thống nhìn chung khá cân bằng.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến