Dù đã kịp vận hành thương mại dự án điện gió trước 1/11/2021 - hạn cuối để doanh nghiệp được hưởng giá FIT nhưng lúc này ông Vũ Văn Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn AMACCAO - vẫn chưa quên những ngày căng thẳng tột cùng chạy đua với tiến độ.
Những cột điện mọc sát mép đường nhựa chỉ sau 1 đêm
- Quý IV/2020 dự án mới được cấp phép chủ trương đầu tư mà tháng 10/2021 AMACCAO đã kịp vận hành dự án điện gió ở Quảng Trị, quả là cuộc chạy nước rút ngoạn mục?
Ông Vũ Văn Ngọc: Lúc làm dự án, chúng tôi không thể thuê được cẩu lớn do thị trường hết cẩu lớn (loại cẩu tải trọng 800 tấn). Chúng tôi đã phải chi hơn 190 tỷ đồng mua mới 2 cẩu tự hành loại 800 tấn để kịp tiến độ dự án. Giờ làm xong rồi, hai máy cẩu ấy vẫn ở đó, không bán lại và chẳng cho thuê được. Chúng tôi được biết ở Việt Nam hiện nay tồn tại khoảng xấp xỉ 30 bộ cẩu như vậy.
Ông Vũ Văn Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn AMACCAO kiêm Tổng giám đốc Điện gió Khe Sanh
Việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án cho những nhà đầu tư được bổ sung quy hoạch sau, được cấp quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020 như chúng tôi phải chịu giá cao gấp 8-10 lần các doanh nghiệp được bổ sung quy hoạch và cấp quyết định chủ trương đầu tư trước năm 2020.
Việc giải phóng mặt bằng này không phải do Nhà nước hỗ trợ cưỡng chế thu hồi đất mà phải đi thương lượng với dân 100% diện tích dự án.
Người dân đa số biết được thời hạn chót các doanh nghiệp được nhận giá ưu đãi, cho nên họ học nhau: nhà trước đền bù giá 200.000 đồng/m2 thì nhà sau họ đòi lên 250.000 đồng/m2; nhà sau nữa nằm giữa vị trí turbine nên không mua của họ không được, họ đòi lên 300.000 đồng/m2 hoặc 500.000 đồng/m2.
Đặc biệt, 30% số hộ cuối cùng giá cao tới 50-80 lần giá đền bù của Nhà nước. Giá 1m2 đất ở huyện biên giới Hướng Hoá, Quảng Trị mà chủ đầu tư phải trả tới 1 triệu đồng/m2. Vậy mới có chuyện 1 cây khế nhỏ có giá hàng trăm triệu đồng.
- Cây khế nhỏ giá hàng trăm triệu đồng, ông có thể nói rõ hơn?
Turbine rất cồng kềnh. Khi xe chở turbine đi qua khu vực nhà dân thì vướng phải cây khế của họ. Muốn đi lọt thì phải chuyển cây khế ra chỗ khác, sau khi vận chuyển xong đánh trả lại. Chỉ là cây khế là loại thường, không phải khế cảnh, đường kính chỉ 9-10cm với tuổi cây chỉ 5-7 năm, giá chỉ vài trăm nghìn mà họ đòi trả vài trăm triệu đồng.
Đó là mức giá không thể chấp nhận được, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả. Không chi trả thì không vận chuyển vào dự án được.
Rồi cát, đá, xi măng, nhân công máy xúc, máy ủi,... chúng tôi cũng phải mua, thuê với chi phí gấp 2 lần. Nhưng mua vẫn không đủ. Nên để kịp tiến độ, chúng tôi phải mua và vận chuyển 50% khối lượng đá 1x2 và 2x4 từ Hà Nam cách xa công trình tới 600km với giá cao khoảng 3 lần giá thời điểm bình thường mua tại địa phương.
Chi phí vận chuyển thiết bị chính của điện gió (turbine) bình thường chỉ mất 500-700 triệu đồng cho 1MW, chiếm khoảng 1% tổng vốn đầu tư. Nhưng khi thời hạn gấp rút, bên vận chuyển đòi 1,2-1,5 tỷ đồng/MW (gấp 2-2,5 lần).
- Và nhà đầu tư phải chấp nhận?
Buộc phải chấp nhận. Bởi vì không chấp nhận thì không thể chở thiết bị đến công trường lắp được do đó là các xe chuyên dụng siêu trường siêu trọng.
Nhưng việc xin giấy phép đường vận chuyển cũng tốn kém thời gian, công sức, phải xin phép nhiều cơ quan. Xe không đi vừa trạm thu phí, phải dỡ tạm để xe đi qua. Đáng ra, chi phí dỡ ra rồi sửa lại chỉ mất 500 triệu đồng nhưng họ lấy nhiều hơn nhiều lần.
Ngoài ra, chặng đường 300km từ cảng về công trường nhiều đoạn là đường bé, phải thỏa thuận với các hộ dân bên đường để không quệt vào cây của họ.
Quảng Trị tập trung nhiều dự án điện gió. Ảnh: AMC
Có chuyện nữa là, chuyến xe trước qua thì không vướng gì, nhưng đêm hôm sau thì đoàn xe tự nhiên lại vướng cột đèn nhà dân không biết mọc ra từ bao giờ, không thể đi qua được. Thương lượng cả 2 ngày đêm, mời cả công an, chính quyền đến mới vận động giải quyết được.
Cũng rất may cho chúng tôi là địa phương, cơ quan công an tỉnh thấu hiểu, tạo điều kiện, cử cán bộ và các đoàn thể tháo gỡ bằng cách giúp chúng tôi tuyên truyền vận động người dân, răn đe các đối tượng thái quá nên dần dần mọi việc cũng giải quyết được.
- Chi phí nào cũng đội lên cao như vậy thì làm xong hiệu quả dự án có còn như tính toán?
Những nhà đầu tư thuộc diện Quy hoạch bổ sung điện và cấp phép chủ trương đầu tư sau tháng 12/2019, trước năm 2021 (chiếm khoảng 30% dự án kịp FIT) đều phải trả giá như chúng tôi hết vì thời gian giải phóng mặt bằng và thi công quá gấp rút. Tổng chi phí phải bỏ ra cao thêm 10-15%, cá biệt các đơn vị không tự thi công được có thể là tăng 20% để thi công kịp giá FIT.
Ngoài chi phí trên thì một thiệt hại khác cũng lớn là việc đặt hàng và mua turbine. Do thời gian ngắn, nhiều dự án triển khai cùng lúc mà trên thế giới chỉ có 6-7 nhà sản xuất turbine điện gió uy tín, nên các nhà sản xuất turbine không cho phép mặc cả hoặc thương lượng nhiều, dẫn đến giá cả cũng như điều kiện hợp đồng bị ép. Đây cũng là yếu tố gây thiệt hại cho nhà đầu tư để chạy giá FIT.
Những điều này dẫn đến giá suất đầu tư lẽ ra chỉ 32-35 tỷ đồng/MW, nhưng bị đội lên 36-42 tỷ đồng/MW cho điện gió trên bờ. Suất đầu tư này tăng lên nên khấu hao tăng, lãi vay tăng. Lợi ích từ giá FIT không còn bao nhiêu nữa.
Tóm lại, các dự án giá FIT ngoài khoảng 10% ở vị trí gió cực tốt thì còn hiệu quả, còn đa số có lãi cũng không nhiều, thậm chí có một số dự án lỗ.
Nhiều doanh nghiệp chạy đua theo giá FIT nên suất đầu tư tăng cao. Ảnh: AMC
Mới 1 năm, khó nói chuyện lời lãi
- Vậy ông đánh giá sao về mức giá FIT mà các doanh nghiệp được nhận?
Chính sách giá FIT đó là ổn và hiệu quả đối với dự án đã thi công từ sớm và có điều kiện gió tốt.
Còn dự án thi công sau, thi công gấp hoặc dự án gió vận tốc thấp hơn 7m/s bình quân năm thì không lãi nhiều.
Số dự án được giá FIT lãi tương đối cao này chỉ chiếm 15-20% tổng số dự án thôi. Còn lại, nhiều dự án chỉ có lãi thấp (IRR 9-10%) hoặc cân bằng tài chính. Nếu tính cả vận hành, quản lý với chi phí như trên và sau 8-10 năm nữa nó hỏng hóc nhiều thì không biết các dự án này có còn lãi hay không.
Lãi hay không phải hết tuổi đời dự án mới biết chính xác, còn theo năm đầu tiên để đánh giá với loại hình điện gió đầy rủi ro này tôi nghĩ là hơi vội vàng.
Cũng có thể một số chủ đầu tư dự án điện gió tôi biết họ đang lỗ nhưng họ không muốn báo cáo lỗ, không kêu than vì nhiều yếu tố tế nhị như giá cổ phiếu, hình ảnh doanh nghiệp, để còn vay nợ. Cho nên, họ sẽ âm thầm chịu lỗ. Hoặc nhiều nhà đầu tư không lường hết vì mới vận hành 1 năm.
Còn chúng tôi có các chuyên gia nước ngoài, họ thống kê từ các dự án đã vận hành lâu: sau 8-10 năm còn nhiều rủi ro phát sinh và nhiều chi phí lớn mà chủ đầu tư chưa lường hết để tính vào chi phí.
- Còn dự án không kịp hưởng giá FIT thì sao?
Tôi cho rằng nếu theo mức giá trần Bộ Công Thương đưa ra thì các nhà đầu tư đó sẽ khó khăn.
Dự án nào có gió cực tốt (7,5m/s trở lên) thì lãi ít, gió trung bình thì hòa thu hồi được vốn, còn đa số sẽ không ít khó khăn.
- Ông có thấy chính sách cho điện mặt trời hay điện gió khá thất thường không? Lúc thì ở trạng thái quá ưu đãi, khi thì lại thấy rất không ổn như hiện nay?
Chúng tôi thấy đúng là giá FIT cũng khó đoán, không dài hơi. Ngay cả giá FIT cho dự án điện gió hoàn thành trước 1/11/2021 cũng có doanh nghiệp được, doanh nghiệp không.
Ngoài ra, theo tôi hiện nay, chúng ta không nên nhắc đến câu chuyện đàm phán lại giá các dự án đã kịp hưởng giá FIT. Bởi vì nhà đầu tư đã chấp nhận tất cả để phát điện kịp thời điểm chạy giá FIT, giờ đàm phán lại thì rất khó khăn cho cả doanh nghiệp. Họ đã chi phí rất nhiều, suất đầu tư rất cao nên có thể lỗ nếu không được giá FIT và hậu quả là ngân hàng sẽ gánh chịu.
Còn đối với các dự án đang dở dang, không kịp hưởng giá FIT, cơ quan Nhà nước xem xét tạo điều kiện mức giá để nhà đầu tư chịu đựng được.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Lương Bằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy