Dòng sự kiện:
'Cuộc chiến' của 2 chuỗi nhà thuốc An Khang và Long Châu
23/08/2024 06:12:03
Trong khi An Khang đang co rụm lại, Long Châu lại đang hăng hái hơn trong cuộc chiến giành thị phần bán lẻ dược phẩm.

An Khang "hụt hơi" trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc 

Mới đây, CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG) cho biết sẽ đóng cửa khoảng 200 nhà thuốc An Khang trong vòng 6 tháng tới đây, giảm số lượng về 300 cửa hàng. Trước đó trong nửa đầu năm, chuỗi bán lẻ dược phẩm đã đóng gần 50 cửa hàng.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dược phẩm An Khang Pharma cho biết chuỗi An Khang đang trải qua quá trình tái cấu trúc, xem xét từng nhà thuốc và đóng những điểm hoạt động kém hiệu quả, không đóng góp nhiều doanh thu cũng như lợi nhuận.

Chuỗi An Khang được hậu thuẫn bởi một trong những tập đoàn bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam. Khi đó là vào năm 2018, MWG đã mua 49% của chuỗi Phúc An Khang – tiền thân của An Khang.

Đây có thể coi là động thái sớm nhất của đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong mảng dược phẩm. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2021, MWG mới nắm quyền kiểm soát chuỗi này khi nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 100%. Khi ấy, An Khang có 178 nhà thuốc và hiện diện tại 25 tỉnh thành khu vực phía Nam.

Từ năm 2022, khi đại dịch COVID-19 qua đi, MWG mới thực sự dồn lực cho An Khang để liên tục mở rộng quy mô, thay đổi giao diện các nhà thuốc.

Lúc đó, ban lãnh đạo MWG tỏ ra tự tin vào khả năng tăng trưởng của chuỗi nhà thuốc này. Nhiều dự báo cho rằng, người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn trong lĩnh vực sức khỏe, bao gồm các loại thuốc kê đơn và sản phẩm chức năng, sản phẩm bổ trợ sức khỏe.

Với dự báo đó, MWG đặt ra những cột mốc tham vọng như 800 cửa hàng vào cuối năm 2022 sau đó là 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023.

Song thực tế, kết quả kinh doanh của An Khang không như mong đợi khi đối mặt với bài toán lợi nhuận “đau đầu”.

Năm 2022, An Khang đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng và báo lỗ 306 tỷ đồng do chiến lược mở rộng ồ ạt. Con số này cao gấp chục lần so với số lỗ 6,4 tỷ đồng năm 2020 hay lỗ 5,9 tỷ đồng năm 2019. An Khang chịu lỗ tiếp 343 tỷ đồng năm 2023. 6 tháng đầu năm nay, chuỗi này lỗ thêm 172 tỷ đồng.

Theo báo cáo của SSI Research mới công bố, biên lợi nhuận trước thuế của An Khang âm 15% trong năm 2023 và âm 8% đến 10% trong nửa đầu năm 2024 do cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý.

Phân tích kỹ hơn, thị trường bán lẻ dược phẩm cực kì khắc nghiệt và An Khang dù có sự trợ lực từ Tập đoàn MWG vẫn chưa thể có bước nhảy vọt. Mô hình hoạt động của An Khang có nhiều điểm tương đồng với chuỗi Long Châu – đơn vị đã leo lên top 1 về số lượng nhà thuốc hiện đại - nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Ngoài ra, do An Khang không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như Long Châu nên An Khang sẽ khó giành được thị phần từ kênh nhà thuốc bệnh viện.

Ban lãnh đạo MWG đặt kỳ vọng, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đạt tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước 31/12/2024. Còn SSI Research dự báo chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ chịu khoản lỗ lần lượt là 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng trong năm 2024 - 2025.

Long Châu vượt lên đứng top 1 về số cửa hàng, đã bắt đầu có lãi

Cũng được tập đoàn hậu thuẫn, nhưng thành quả mà Long Châu nhận được lại khác. Long Châu về tay FPT Retail từ năm 2017 chỉ với 8 nhà thuốc tại TP HCM nhưng chuỗi này tỏ ra hăng hái ngay khi bắt đầu.

Để chuẩn bị cho thị trường rộng hơn với chiến lược đột phá hơn, FPT Retail thành lập công ty con là Dược phẩm FPT Long Châu với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó công ty góp 75% vốn. Tháng 11/2019, công ty hoàn thành việc mở 70 cửa hàng Long Châu. Đến năm 2022, Long Châu đẩy mạnh quá trình mở cửa hàng khi mở mới 600 điểm bán trong một năm - vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu.

Trước đây, người dẫn đầu về số nhà thuốc hiện đại là Pharmacity. Thế nhưng, thời thế thay đổi, công ty ngoại này tỏ ra hụt hơi, hai lần thay tổng giám đốc.

Tính đến cuối tháng 6/2024, Long Châu có tới hơn 1.700 nhà thuốc, đứng đầu trong hệ thống chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại, còn Pharmacity rơi về thị trí thứ hai.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022 Long Châu ghi nhận doanh thu đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ. Chuỗi nhà thuốc lãi 52 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với mức 5 tỷ đồng của năm 2021.

Sang năm 2023, Long Châu mở mới 560 cửa hàng và thành quả là đạt được doanh thu vọt lên 15.888 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm, Long Châu tiếp tục “phất” lên với doanh thu hơn 11.520 tỉ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ), đóng góp tới 63% doanh thu của FPT Retail. Trung bình mỗi nhà thuốc đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng/tháng, trong bối cảnh nhiều nhà thuốc mới liên tục mở ra.

Long Châu cũng là chuỗi dược đầu tiên công bố đạt được lợi nhuận hoạt động, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành loay hoay tìm kiếm mức hòa vốn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên trong vòng hai năm trở lại đây, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail cho biết Long Châu đang dần trở thành động lực tăng trưởng chính cho tổng công ty, và FPT Reatail đang dồn nhiều lực hơn cho chuỗi nhà thuốc này, trong khi chuỗi điện máy FPT Shop đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu.

Tại ĐHĐCĐ năm 2024 vừa qua, bà Nguyễn Bạch Điệp công bố thêm chiến lược của Long Châu là sẽ tham gia sâu hơn chăm sóc sức khoẻ (heathcare) xây dựng hệ sinh thái sức khoẻ toàn diện với các khâu như dự phòng, chẩn đoán (xét nghiệm), điều trị (phòng khám, bệnh viện), thuốc kê đơn, chăm sóc tại nhà, bảo hiểm sức khoẻ.

Trong năm nay, chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng dự kiến cho ra mắt dịch vụ Long Châu 24/7 vào cuối quý III, dịch vụ bảo lãnh thuốc.

Bà Điệp tiết lộ thêm rằng Long Châu dự kiến huy động vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư (tối đa 10%). Nguồn vốn này sẽ dùng để đầu tư phòng khám mới, kho mới...

Tác giả: Diễm Phương 
Theo: Vietnamdaily
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến