Dòng sự kiện:
Cuộc chiến giá vé: Hãng bay liên tục 'mất máu,' có nguy cơ phá sản
27/08/2021 11:57:42
Giá vé máy bay giảm quá mạnh sẽ gây ra những méo mó trong bức tranh thị trường, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán và cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng hàng không.

Các hãng hàng không đổ tải vào các đường bay với cuộc đua giá rẻ, thấp hơn giá thành, dẫn tới dù lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu phục hồi chậm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với việc các đường bay quốc tế "đóng băng," các hãng hàng không Việt Nam trong thời gian qua liên tục đổ tải vào đường bay nội địa và lao vào cuộc đua giảm giá vé để lấy dòng tiền khiến lợi nhuận, doanh thu của tất cả các hãng hàng không tụt rất mạnh.

Không để giẫm đạp lên nhau cùng chết chìm

Tại thị trường Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Vì vậy, tính cạnh tranh về giá vé, đường bay, tần suất khai thác giữa các hãng là rất cao.

Trên thực tế, dịch COVID-19 khiến thị trường hàng không chứng kiến mặt bằng giá vé máy bay rẻ chưa từng có trong năm 2020. Thậm chí, Tết Nguyên đán 2021, các hãng giảm giá vé máy bay chạm đáy, ngay cả Vietnam Airlines cũng đưa ra mức giá vé 98.000 đồng cho nhiều chặng bay.

Hay như đặt vé từ Hà Nội đi Đà Lạt dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 trên trang chủ Bamboo Airways chỉ 48.000 đồng cho chiều đi và chiều về là 69.000 đồng (chưa bao gồm thuế); Vietnam Airlines là 109.000 đồng cho mỗi chiều (chưa bao gồm thuế); của Vietjet Air là 39.000 đồng cho mỗi chiều (chưa bao gồm thuế).

Để hút thị trường nội địa khi quốc tế đóng băng, hơn một năm qua, các hãng liên tục mở mới, đổ tải vào các đường bay với cuộc đua giá rẻ, thấp hơn giá thành, dẫn tới dù lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu của các hãng bay đều giảm sút, lợi nhuận thực thu của các hãng bay là rất mỏng, không đủ bù đắp cho các chi phí đã bỏ ra.

Những khoản lỗ lớn chắc chắn sẽ tiếp tục được ghi nhận trong các báo cáo tài chính quý 3-4/2021. Đó là chưa kể đến việc đời sống, việc làm của hàng vạn lao động trong lĩnh vực này vốn đã khó nay lại càng chông chênh.

Liên quan đến khung giá vé máy bay, trước đây, từng có hãng hàng không đề xuất tăng giá trần và áp giá sàn, đây là giải pháp để hãng hàng không vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, Nhà nước cần phải có biện pháp cân đối giá vé hàng không với giá các loại hình vận tải khác, tránh tình trạng sự mất cân đối về vận tải, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng không mà còn có thể "bóp nghẹt" các loại hình vận tải như đường thủy, đường sắt.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng hiện nay, có tình trạng cạnh tranh giữa các hãng hàng không bằng cách giảm mạnh giá vé. Giá vé giảm có thể đến từ các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh, hoặc cũng có thể đến từ tình trạng dư thừa nguồn cung nhưng việc giá vé giảm quá mạnh sẽ gây ra những méo mó trong bức tranh thị trường, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.

Cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước

Ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng không Việt Nam cho biết Hiệp hội vẫn chưa nhận được đề nghị của doanh nghiệp vận tải hàng không nào về vấn đề tăng trần hay áp sàn giá vé máy bay.

Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu cá nhân, ông Nề phân tích về cơ bản giá là do quan hệ cung cầu, do thị trường quyết định. Giá cả là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng.

Theo ông Nề, trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19, hàng không và du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng nề. Các hãng đều lỗ lớn từ vận chuyển, kinh doanh hàng không, nay lại đua nhau giảm giá thì càng làm giảm nguồn lực, giảm sức mạnh tài chính.

“Doanh nghiệp cạnh tranh phải bằng chất lượng dịch vụ, tính toán kỹ, tránh giảm giá sâu gây thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài cho doanh nghiệp, nhất là các hãng hàng không hiện nay,” ông Nề đưa ra cảnh báo.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng không và du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng nề. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế khẳng định việc áp sàn giá vé máy bay là điều cần thiết, đúng đắn trong bối cảnh đặc thù hiện nay nhằm chấm dứt cuộc đua giảm giá vô tội vạ, giẫm đạp lên nhau tự làm yếu mình, làm méo mó thị trường, khiến mọi doanh thu từ vé bán dưới giá thành để thu hút khách hàng và loại trừ đối thủ, trái với lợi ích doanh nghiệp và quốc gia.

“Bộ giá sàn phù hợp và minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận xã hội cao khi và chỉ khi được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu xác định được các chi phí hợp lý tối thiểu cho các hoạt động và điều kiện vận chuyển cùng loại của các hãng hàng không khác nhau. Nói cách khác, không thể lập giá sàn duy ý chí hay cào bằng mọi sàn giá cho tất cả các dạng hoạt động hàng không, lại càng không thể quy định giá sàn chỉ dựa vào giá đề nghị của doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ kém, hoặc có chi phí sản xuất lạc hậu, bộ máy cồng kềnh, lãng phí các nguồn lực và quản lý không hiệu quả các hoạt động kinh doanh…,” ông Phong cho hay.

Các chuyên gia cho rằng sau khi đại dịch kết thúc, các hãng cơ bản đã phục hồi, Nhà nước có thể gỡ bỏ khung giá vé máy bay, để thị trường tự vận động theo cơ chế thị trường tự do. Về lâu dài, bãi bỏ tất cả các khung giá, tự do hóa giá cả là con đường hướng tới của các hãng bay phải hoạt động theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu và theo nhu cầu hành khách. Khi đó, giá vé sẽ đi theo chất lượng dịch vụ tương ứng.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã lập Tổ công tác để triển khai, làm việc với các hãng hàng không về chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa; báo cáo kết quả làm việc về Bộ để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền các phương án xử lý các tồn tại, vướng mắc (nếu có).

Tác giả: Việt Hùng

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến