Theo đó, 59 nhà ngoại giao từ 23 quốc gia sẽ sớm phải rời khỏi Nga, nâng tổng số các nhà ngoại giao nước ngoài bị Nga trục xuất tương đương với số nhà ngoại giao Nga bị các nước trục xuất trước đó, lên khoảng 150 người. 4 quốc gia khác cũng đã nhận được lời cảnh báo từ Moscow.
Đại sứ Anh Laurie Bristow rời khỏi trụ sở Bộ Ngoại giao Nga tại Moscow sau khi nhận công hàm trục xuất. Ảnh: AFP/Getty Images
Cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây nhiều khả năng vẫn chưa thể dừng lại, khi một số quốc gia tuyên bố sẽ “hành động thêm” trong việc trừng phạt Nga.
Đại sứ của 27 nước đã bị Bộ Ngoại giao Nga triệu tập và trao công hàm trả đũa ngoại giao. 59 nhà ngoại giao từ 23 nước sẽ phải rời khỏi Nga trước ngày 7/4 tới.
Với các nước Bỉ, Hungary, Montenegro và Georgia, Nga tuyên bố có quyền đáp trả dựa trên các hành động của những nước này về vụ cựu điệp viên Nga Skripal nghi bị đầu độc tại Anh.
Trước đó, Nga cũng tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St.Petersburg.
Sau khi trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, ngày 30/3, Nga tiếp tục yêu cầu Anh trong vòng 30 ngày tới phải cắt giảm phái đoàn ngoại giao của Anh tại nước này xuống ngang bằng số nhân viên ngoại giao Nga ở xứ sở sương mù.
Phản ứng trước quyết định “đáp trả ngoại giao” được cho là “dễ hiểu” từ phía Nga, Đại sứ Đức tại Nga-quốc gia bị Nga trục xuất 4 nhà ngoại giao, ông Rudiger Von Fritsch cho biết, Đức vẫn hi vọng có một mối quan hệ tốt đẹp với Moscow:
“Tôi đã nắm lấy cơ hội trong buổi thảo luận với Bộ Ngoại giao Nga để nhấn mạnh hai điều: Thứ nhất là Đức đang mong muốn một mối quan hệ tốt đẹp với Nga, mong muốn người dân hai nước có thể hiểu nhau hơn. Chúng tôi vẫn cởi mở và sẵn sàng đối thoại với Nga về vấn đề này. Thứ hai là Nga phải làm tất cả để chứng minh sự rõ ràng và minh bạch của mình trong vụ việc tại Salisbury”.
Bộ Ngoại giao Anh cũng lập tức đưa ra phản ứng cho rằng, hành động mới nhất của Nga là “rất đáng tiếc”. Còn Bộ Ngoại giao Mỹ thì tuyên bố, quyết định của Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ chứng tỏ Nga đang không quan tâm đến ngoại giao và Washington có quyền có hành động thêm nữa.
Ngày 30/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc thảo luận với các thành viên trong Hội đồng An ninh quốc gia về các biện pháp đáp trả ngoại giao các nước phương Tây. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga không đồng tình với nhận định của Chính phủ Mỹ, rằng Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ cho thấy Moscow không quan tâm tới ngoại giao.
“Nga không đẩy mạnh bất kỳ cuộc chiến ngoại giao nào và Tổng thống Putin ngay từ đầu đã và sẽ vẫn ủng hộ việc phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, Nga phải có các biện pháp đáp trả tương xứng với các hành động trục xuất các nhà ngoại giao nước này của phía Mỹ, vốn mang bản chất “không thân thiện, không xây dựng và không hợp tác”, người phát ngôn Peskov nhấn mạnh.
Liên quan đến những căng thẳng giữa Nga và phương Tây, ngày 30/3, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích việc Anh bất ngờ lục soát máy bay của hãng hàng không Aeroflot của Nga tại sân bay Heathrow, ở London, xảy ra trước đó 1 ngày (29/3), mà không đưa ra bất kỳ lý do nào.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, đây là hành động “vô trách nhiệm, nguy hiểm, không thể chấp nhận”, đồng thời là “sự khiêu khích” tiếp theo của Anh trong vụ cựu điệp viên Nga Skripal.
Theo VOV