Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng trực tiếp tới công việc hướng dẫn viên du lịch, chị Đỗ Quỳnh (31 tuổi, Hà Nội) đã chuyển hẳn sang công việc kinh doanh online toàn thời gian.
Với đặc thù công việc cần phải chuyển tiền đến, đi liên tục, chị Quỳnh cho biết từng tốn vài trăm nghìn đồng mỗi tháng chỉ riêng phí chuyển tiền liên ngân hàng.
Là một khách hàng lâu năm của VietinBank, chị Quỳnh cho biết trước đây nhà băng này tính phí chuyển tiền nhanh 24/7 theo mỗi lần giao dịch và hạn mức chuyển. Trong đó, mức phí phổ biến chị phải trả cho các giao dịch chuyển tiền đi là 11.000 đồng (đã bao gồm VAT).
“Từ giữa năm 2020, ngân hàng đã điều chỉnh giảm phí này xuống còn 7.700 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, mỗi tháng tôi vẫn mất cả trăm nghìn đồng phí chuyển tiền mua, bán hàng”, chị Đỗ Quỳnh cho biết.
Cuộc đua về 0 đồng
Đến giữa năm 2021, VietinBank đưa ra các gói quản lý tài khoản, trong đó miễn hầu hết phí giao dịch trên kênh ngân hàng số bao gồm cả phí chuyển tiền nhanh, nhưng khách hàng vẫn mất vài chục nghìn mỗi tháng tiền duy trì gói quản lý tài khoản này.
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất, từ năm 2022, chị Quỳnh và toàn bộ khách hàng cá nhân của VietinBank sẽ không còn mất bất kỳ khoản phí chuyển tiền nào khi giao dịch qua kênh internet banking, mobile banking của VietinBank.
Không riêng các khách hàng của VietinBank, các khách hàng cá nhân của Vietcombank và BIDV cũng sẽ được miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh ngân hàng số từ năm 2022.
Ngày càng nhiều ngân hàng tham gia cuộc đua miễn phí giao dịch trên kênh ngân hàng số. Ảnh: Nam Khánh.
Theo đó, nhóm nhà băng này cho biết sẽ áp dụng mức phí 0 đồng với tất cả giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống trên kênh ngân hàng điện tử từ năm nay. Đồng thời, miễn phí duy trì tài khoản thanh toán, gói tài khoản thanh toán mà không yêu cầu số dư tối thiểu; không thu phí duy trì dịch vụ ngân hàng số; miễn phí thông báo biến động số dư qua app…
Với việc 3 ngân hàng quốc doanh kể trên cùng tuyên bố miễn toàn bộ phí giao dịch ngân hàng điện tử từ năm 2022, cuộc đua miễn phí giao dịch đã nóng hơn.
Mới nhất, VietCapital Bank cũng chính thức tham gia cuộc đua 0 đồng này với tuyên bố miễn phí tất cả giao dịch của khách hàng cá nhân trên kênh ngân hàng số từ năm 2022.
Với chính sách này, khách hàng giao dịch qua kênh internet banking, mobile banking của VietCapital Bank sẽ không phải chịu bất kỳ khoản phí nào và không cần thỏa mãn bất cứ điều kiện, yêu cầu nào.
Như vậy, ngoài nhóm ngân hàng thương mại tư nhân Techcombank, VIB, TPBank, MSB, MBBank… đã có thêm 4 nhà băng nữa tham gia cuộc đua miễn phí này.
Đằng sau kế hoạch miễn phí
Theo các chuyên gia, việc một ngân hàng miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh điện tử không phải điều mới, mà đây là chiến lược zero fee đang được rất nhiều nhà băng áp dụng.
Mục tiêu chính của chiến lược này là hy sinh nguồn thu từ phí dịch vụ nhưng thu hút được nguồn tiền gửi thanh toán. Đây là các khoản tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp, chỉ dao động trong khoảng 0,1-0,2%/năm.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III/2021, toàn hệ thống ngân hàng có gần 800.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán của các khách hàng cá nhân, tương đương gần 35 tỷ USD vốn giá rẻ quy đổi để các ngân hàng cạnh tranh.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân tại Hà Nội cho biết trước đây, phí giao dịch là một trong những nguồn thu quan trọng của các nhà băng. Dù số hóa hoạt động đã giúp chi phí này giảm đi, nhưng việc miễn phí giao dịch cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận bù lỗ.
Đổi lại, ngân hàng sẽ thu hút được các khách hàng mới, mở ra cơ hội bán thêm được nhiều sản phẩm tài chính cho nhiều khách hàng hơn.
“Có thêm nhiều khách hàng, ngoài việc tăng số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ngân hàng có thể bán thêm nhiều sản phẩm hơn cho một khách hàng và bán một sản phẩm cho nhiều khách hàng hơn. Khi đó, lợi nhuận chắc chắn sẽ tốt hơn”, vị lãnh đạo ngân hàng nói.
Vị phó tổng giám đốc này so sánh việc có thêm tệp khách hàng có thể giúp ngân hàng gia tăng hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận thay vì mức vài trăm tỷ đồng nếu chỉ dựa vào phí giao dịch.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc các nhà băng đua nhau miễn phí giao dịch là động thái tốt với cả ngân hàng và khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.
Trong đó, việc miễn phí sẽ giúp ngân hàng thu hút thêm khách hàng và thể tăng tỷ lệ vốn giá rẻ từ CASA. Với mức lãi suất rất thấp chỉ 0,1-0,2%/năm, tỷ lệ CASA đang trở thành chỉ tiêu quan trọng của mỗi ngân hàng.
Đây cũng là nguyên nhân giúp những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hiện nay đều là nhóm có biên lãi thuần (NIM) cao hơn mặt bằng chung.
Theo các chuyên gia phân tích tại ACBS, trong bối cảnh lãi suất cho vay bị cơ quan quản lý yêu cầu giảm hiện nay, động lực tăng trưởng NIM của các ngân hàng vẫn sẽ dựa vào việc giảm chi phí vốn đầu vào, trong đó, CASA là một điểm nổi bật.
Thanh toán qua kênh ngân hàng được thúc đẩy bởi xu hướng hạn chế thanh toán tiền mặt trong bối cảnh dịch bệnh sẽ giúp các ngân hàng tăng tỷ trọng CASA và giảm chi phí vốn đầu vào. Trong đó, nhóm nhà băng có tỷ lệ CASA cao sẽ là nhóm vẫn ghi nhận NIM tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy