Giờ tan tầm, ngã tư Cống Mọc – Quan Nhân tắc cứng, tiếng còi xe inh ỏi, trong ánh đèn xe lấp loáng chúng tôi thấy bóng dáng một người phụ nữ nhỏ thó giữa dòng người xe, đang miệt mài phân luồng giao thông. Đó là bà Nguyễn Thị Tiến (62 tuổi), phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Hình ảnh này đã trở nên rất quen thuộc với người dân sinh sống nơi đây và những người thường xuyên qua lại đoạn đường này. Suốt 10 năm qua, bất kể nắng mưa chưa bao giờ tiếng hô dõng dạc của bà Tiến tắt: “Đứng lại”, “Bên này qua cầu nhanh nào”, “Không được chen ngang”…
Ba mươi sáu năm mưu sinh bằng quán nước vỉa hè là 36 năm bà gắn bó với cầu Cống Mọc. Dọn hàng bán từ 6 giờ sáng đến nửa đêm nên bà nắm trong lòng bàn tay tình hình giao thông của khu vực này.
“Ngã tư này không có đèn xanh đèn đỏ, đường lại nhỏ nên thường xuyên ùn tắc. Chỉ cần một chiếc xe ô tô rẽ ngang là tắc ngay. Có ngày tắc đến 4, 5 trận. Có hôm tắc đến mấy tiếng đồng hồ”, bà Tiến kể.
Bà Nguyễn Thị Tiến chia sẻ câu chuyện “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” của mình
Bà Tiến chia sẻ thêm, nhìn người ta vất vả nhích từng xăng ti mét một, bà không đành lòng nên bỏ cả quán nước chạy ra phân luồng giao thông. Bà bảo “hàng quán thì bán lúc nào chả được, mà vứt đây cũng có ai thèm lấy trộm, lấy cắp của mình thứ gì đâu mà lo. Ban đầu, nhiều người bảo bà Tiến điên vì ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhưng bà chỉ cười xòa “việc mình thì mình làm thôi”.
Bà Tiến nhấp ngụm nước trà rồi kể: “Có lần tôi bị ngã dúi dụi, bật móng chân, máu chảy ròng ròng vì một chiếc xe máy cố len lên lao vào người tôi. Bà con vội vàng dìu vào vệ đường rồi băng bó cho tôi. Có lần tôi dầm mưa cả tiếng đồng hồ, hò hét khan cả cổ họng mới khơi thông ách tắc dài cả km. Sau hôm ấy tôi sốt li bì mấy ngày trời nhưng vẫn ngồi bán nước, vẫn lao ra đường giờ cao điểm”.
Gắn bó gần mười năm trời, công việc này trở thành một phần cuộc sống của bà.. “Nhìn thấy đường tắc mà ngồi không tôi thấy bứt rứt khó chịu lắm”, bà Tiến tâm sự. Nhìn những hành động dứt khoát, chuyên nghiệp của bà Tiến không thể nghĩ rằng bà học mót của những người trật tự phường, làm nhiều nên thuần thục.
Ngồi trò chuyện với bà, chút chút lại có tiếng chào u Tiến từ những người qua đường. Hỏi ra mới biết họ yêu mến nên gọi bà Tiến thân thương một tiếng “u”.
“Có những người ngồi trong ô tô còn kéo kính xuống vẫy tay chào tôi hay gật đầu cảm ơn. Có người thấy tôi đội nắng đội mưa nên biếu chút tiền nhưng tôi nhất quyết không nhận. Tôi làm việc này không mong nhận được sự đền đáp của mọi người”.
Chị Vũ Thị Hoa ở Quan Nhân, Thanh Xuân (Hà Nội) nói: “Cứ hôm nào vắng bà Tiến là y như rằng giao thông hỗn loạn. Có hôm ngồi trong nhà nhìn bà Tiến mồ hôi ướt dẫm lưng áo mà tôi thấy xót”.
“Tôi có chút việc qua ngã tư này. Nghe đứa bạn cảnh báo đoạn này tắc ghê lắm nhưng tôi thấy dòng xe qua lại nhịp nhàng. Thì ra là có một bác đứng giữa đường phân luồng”, anh Hà Minh Luân ở Mỹ Đình (Hà Nội) trao đổi.
Bà Tiến "điên" mướt mồ hôi phân luồng giao thông
Lúc nào bà Tiến cũng hồ hởi cười nói nhưng ẩn sau đó là những nỗi niềm giấu kín. Phải gặng hỏi mãi bà mới kể về câu chuyện cuộc đời mình. Lấy chồng từ năm 16 tuổi, nhưng hôn nhân là những chuỗi ngày ướt đẫm nước mắt vì người chồng vũ phu thường xuyên đánh đập. Bà bỏ quê hương, lên thành phố kiếm sống. Đi thêm bước nữa và có được 2 đứa con gái. Nhưng người chồng thứ 2 lại đau ốm liên miên.
“Ông ấy bị bệnh phổi, đi viện như đi chợ, có lần nằm viện đến 7, 8 tháng. Tôi phải vay mượn tứ tung để lo viện phí”, bà Tiến xúc động.
Nhưng có lẽ giông bão chưa chịu ngừng trong cuộc đời người phụ nữ đa đoan ấy khi bác sĩ thông báo trong đầu bà có một khối u. Ban đầu định phó mặc nhưng chồng con khuyên can hết lời bà mới chịu vào viện chữa trị.
Tất cả những tài sản có giá trong gia đình, thậm chí cả ngôi nhà hơn chục mét vuông cũng được đem đi cầm cố.
“Con gái lớn đi lấy chồng nhưng cũng thiếu thốn nên chẳng giúp được gì, con gái út phải nghỉ học đi xuất khẩu lao động chung lưng với tôi gồng gánh nợ nần. Tôi chẳng dám nghỉ bán ngày nào vì nghỉ một ngày là không có tiền ăn, tiền thuốc thang cho ông nhà”.
Cuộc nói chuyện bị ngắt quãng vì bà Tiến vội vàng cầm gậy chạy ra “dẹp loạn giao thông”. Nhà văn Nam Cao đã từng viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất". Nhưng có lẽ bà Tiến là ngoại lệ.
Mạnh Long - Dương Nga
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy