Giá cước neo ở mức cao
Đầu tháng 10/2021, thông tin giá cước vận chuyển container tuyến Trung Quốc - Mỹ giảm, giá cước container quốc tế trong tháng đã giảm 11% từ mức đỉnh, trong khi giá cước cho thuê tàu điều chỉnh nhẹ 2% đã nhen lên hy vọng giá cước vận tải bước vào xu hướng giảm nơi các nhà xuất khẩu.
Tuy vậy, theo giải thích của ông George Griffiths, đại diện S&P Global Platts, đà giảm này là do ảnh hưởng từ tuần lễ Vàng ở Trung Quốc, khiến hoạt động sản xuất chậm lại. Chuyên gia này cho rằng, cước vận tải biển hiện vẫn ở mức khá cao, chứ chưa hạ nhiệt, do nhu cầu vận chuyển đang ở mức cao.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, đợt điều chỉnh này chỉ mang tính ngắn hạn và giá cước vận tải và giá cho thuê tàu vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2022 do nhu cầu vận chuyển hàng hóa vẫn mạnh mẽ, tình trạng khan hiếm tàu chỉ có thể cải thiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn cảng khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn do tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp tại hầu hết các nước.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng nhóm Nghiên cứu phân tích ngành vận tải – logistic – hàng không của SSI Research cho biết, giá cước sẽ neo ở mức cao trong dài hạn do các hãng tàu biển không có động lực để tách ra tạo thành liên minh mới hoặc chủ động hạ giá như thời điểm trong quá khứ. Một số doanh nghiệp tại Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng này, có thể kể tới như GMD, HAH…
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển quý IV/2021 chưa hạ nhiệt do hai yếu tố. Thứ nhất là khan hiếm nguồn cung container rỗng và thứ hai là thiếu hụt nhân công làm việc tại các cảng khiến tắc nghẽn tiếp nhận tàu vào cảng.
Đây sẽ là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đồng nghĩa với việc lượng đơn hàng lớn của các doanh nghiệp vận tải biển vẫn sẽ được duy trì đến hết quý I/2022 và kết quả kinh doanh của ngành sẽ tiếp tục khả quan.
Trợ lực từ đà phục hồi của xuất khẩu
Báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, 10 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 587 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong khi sản lượng nhiều mặt hàng qua cảng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, hàng container vẫn duy trì được đà tăng trưởng hai con số với khối lượng 10 tháng ước đạt gần 20,3 triệu TEU, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá Cục Hàng hải, trong bối cảnh Chính phủ đã triển khai kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đồng thời chỉ đạo các giải pháp đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển hứa hẹn sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển.
Số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đạt 269,58 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhập khẩu đạt 269,42 tỷ USD, tăng 28,2%. Bộ Công Thương dự báo, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ vượt 600 tỷ USD.
Trong quý IV/2021, Công ty Chứng khoán BSC dự báo, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng sẽ tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ, giúp cho tổng sản lượng cả năm đạt mức 25,6 triệu TEU, tăng 15,7% nhờ những hạn chế trong sản xuất, lưu thông hàng hóa được nới lỏng.
Dự phóng lãi lớn quý IV
Nhờ hưởng lợi từ giá cước vận tải, xếp dỡ cũng như phí thuê container cao, hầu hết các doanh nghiệp ngành cảng biển và vận tải biển các doanh nghiệp đã báo lãi tăng trưởng mạnh trong quý III. Nhờ đó, nhóm cổ phiếu này đã có sóng tăng mạnh mẽ trong tháng 8 và tháng 9.
Ông Lê Hữu Ngọc, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, cổ phiếu ngành cảng biển có triển vọng khả quan trong quý IV/2021 khi dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ ở mức cao, nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát thúc đẩy hoạt động sản xuất, giao thương bình thường trở lại và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cuối năm ở mức cao.
Ông Ngọc dự phóng, trong quý IV, GMD sẽ ghi nhận 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, VSC ghi nhận 72 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 140% và 38% so với cùng kỳ, còn SGP duy trì được mức lợi nhuận 109 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng nhóm nghiên cứu phân tích ngành vận tải – logistic – hàng không của SSI Research, các doanh nghiệp vận tải biển vẫn có tiềm năng tăng trưởng tích cực, triển vọng lợi nhuận trong quý cuối năm thậm chí còn tốt hơn so với quý III. Lượng đơn hàng đến hết quý I/2022 sẽ vẫn duy trì giúp kết quả kinh doanh của các hãng vận tải sẽ vẫn khả quan.
Theo đó, HAH được SSI Reserch dự phóng lợi nhuận ròng cả năm 2021 sẽ đạt 383 tỷ đồng, tăng trưởng 177% và năm 2022 đạt 660 tỷ đồng, tăng 72%.
Trong khi đó, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích SSI Research lưu ý về việc giá dầu sẽ tác động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển khi giá dầu chiếm 30 - 40% cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp này.
“Tuy nhiên, một số hãng lại có xu hướng cho thuê tàu với giá cao, nhờ đó tránh được ảnh hưởng. Mặt khác, thị trường nội địa hiện thiếu cung nên các hãng vận tải có thể tăng giá cước để bù đắp mức tăng của giá dầu”, bà Phương đánh giá.
Tác giả: Quỳnh Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy