Dòng sự kiện:
Cuối năm, các nhà băng càng đẩy mạnh phát mãi tài sản
21/11/2019 07:18:12
Nợ xấu vẫn là mối lo đối với hoạt động ngân hàng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có xu hướng tăng ở số tuyệt đối

Ngân hàng ráo riết bán nợ

Ngân hàng SCB đang có hàng loạt bài đăng thanh lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, chủ yếu là các tài sản nhỏ lẻ như ô tô, nhà ở, chung cư với giá trị từ trăm triệu đến vài tỷ đồng. 

Trong đó, đáng chú ý, SCB đang thanh lý 20 chiếc xe ô tô với giá chào bán tổng cộng là 6,27 tỷ đồng. Năm sản xuất của số xe này từ năm 2003-2009, trong đó chủ yếu là các xe 7 chỗ như Toyota Innova, Huyndai Starex,…

SHB gần đây cũng thông báo bán khoản nợ vay giá trị 9,6 tỷ đồng của bà Phạm Thị Tuyết Nhung, bao gồm 8,7 tỷ đồng dư nợ gốc và 92,4 triệu đồng dư nợ lãi còn lại tạm tính đến ngày 5/11/2019. Cùng với đó, SHB bán khoản nợ gồm 3 tỷ đồng nợ gốc và gần 47 triệu đồng dư nợ lãi của CTCP Tư vấn đầu tư Angel Lina.

BIDV cho biết đang lựa chọn 2 đơn vị độc lập để định giá khoản nợ của C ông ty TNHH Duy Tuấn ở Bình Định. Khoản nợ có giá trị 343 triệu đồng và 13,4 triệu USD (tương đương với 311 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo của khoản nợ này bao gồm 10 BĐS ở Bình Định, 4 xe ô tô, máy móc thiết bị, hàng tồn kho,… Tại Hà Nội, BIDV - Chi nhánh Mỹ Ðình tổ chức đấu giá thiết bị gia dụng thương hiệu Fagor, Safari, Dedietrich, Brandt, tại tầng 1,2,3 Khu tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và chung cư cao cấp Golden Palace, giá khởi điểm chào bán gần 4 tỷ đồng…

Tại Nghệ An, BIDV bán khoản nợ giá trị 85,2 tỷ đồng của CTCP Ðầu tư và thương mại dầu khí Nghệ An, bao gồm gần 40 tỷ đồng dư nợ gốc, 45 tỷ đồng lãi trong hạn và 328 triệu đồng lãi phạt quá hạn. Giá khởi điểm của khoản nợ bằng tổng dư nợ.

Tại Ðồng Tháp, BIDV tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Xây dựng hệ thống nhà kho chứa, dây chuyền chế biến gạo tại tỉnh này với giá khởi điểm 130 tỷ đồng.

Agribank đấu giá khoản nợ của công ty đầu tư xây dựng Tấn Phát (có tài sản đảm bảo). Giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến ngày 15/5/2019 là hơn 310 tỷ đồng. Trong đó, 102 tỷ đồng dư nợ gốc và 209 tỷ đồng nợ lãi phát sinh. Giá khởi điểm của khoản nợ là 134,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Agribank cũng đang đấu giá khoản nợ hơn 708 tỷ đồng của doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Tài sản đảm bảo là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất có diện tích gần 7.000 m2 tại huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh và tài sản hình thành trong tương lai là công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc được xây trên thửa đất này. Giá khởi điểm mà Agribank đưa ra là 354,5 tỷ đồng. Đây là khoản nợ mà Agribank từng đấu giá nhiều lần nhưng không thành.

VIB cho biết, từ ngày 10/11/2019, Ngân hàng hỗ trợ phát mãi 33 nền đất và 10 lô góc xây biệt thự Bình Tân, liền kề Siêu thị Aone Mail Bình Tân, TP.HCM. Tất cả nền đất đã có sổ hồng, mua xong công chứng chuyển nhượng ngay tại văn phòng công chứng nhà nước. VIB hỗ trợ vay 50% và thanh toán linh hoạt.

 Nợ nhóm 5 tăng nhanh

Từ quý III/2019, tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại. Do đó, một số ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức để đạt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra. Đặc biệt khi nhiều lĩnh vực, sản phẩm đang bị kiểm soát chặt, đồng thời các quy định mới theo hướng thắt chặt chỉ tiêu an toàn vốn cũng khiến việc tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.

Thấy rõ, lợi nhuận ngành ngân hàng dần cải thiện trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, nhất là sau giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cơ cấu.

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là mối lo đối với hoạt động ngân hàng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có xu hướng tăng ở số tuyệt đối. Bởi thực chất, các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sau 5 năm sẽ quay lại ngân hàng và buộc nhà băng dùng nguồn lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng. 

Tính đến 30/09/2019, tổng nợ xấu của 23 ngân hàng ghi nhận được 92,741 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Không chỉ nợ xấu tăng cao mà chất lượng nợ vay cũng có xu hướng dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) sang nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5), tăng bình quân 22% và 18% so với đầu năm. Nợ dịch chuyển vào nhóm 4 và 5 cũng đặt ra câu hỏi về khả năng hình thành nợ xấu mới trong hệ thống nhà băng?

Chẳng hạn, tại BIDV, tính đến 30/9/2019, mặc dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV chỉ nhích nhẹ từ 1,9% hồi đầu năm lên 2,09% và vẫn ở ngưỡng thấp, nhưng trong đó nợ nhóm 5 tăng 70% lên 12.194 tỷ đồng.

Hiện chi phí dự phòng của BIDV vẫn ở mức cao, đạt 16.502 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. BIDV nằm trong nhóm ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Tương tự, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu hàng thấp nhất hệ thống chỉ ở mức 1,07% tổng dư nợ là Vietcombank cũng có chung tình trạng là nợ nhóm 5 tăng 1,9% lên 4.860 tỷ đồng tính tới 30/9/2019.

Nợ xấu của VPBank nếu bóc tách khỏi hoạt động của FECredit cũng chỉ ở mức 2,45% tổng dư nợ, nhưng để đảm bảo an toàn, VPBank đã trích ra 3.522 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 28% so với cùng kỳ 2018. Lũy kế 9 tháng, VPBank trích lập 9.993 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gần 22% so với cùng kỳ.

Tại MBBank, tổng chi phí hoạt động quý III/2019 tăng gần 42% so với cùng kỳ 2018, lên mức 1.968 tỷ đồng. Chi phí dự phòng cũng tăng lên 830,13 tỷ đồng trong kỳ, nâng dự phòng lũy kế 9 tháng lên hơn 2.500 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của MBBank tính đến 30/9/2019 ở mức 1,35%, nhưng nợ nhóm 5 đã tăng từ 858,56 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng.

Tại OCB, ngân hàng này có tổng cộng 1.778 tỷ đồng nợ xấu tính đến hết tháng 9/2019, tăng 38,1% so với cuối năm 2018 và chiếm 2,62% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 1,5 lần, nợ nhóm 4 tăng 2,5 lần, trong khi nợ nhóm 5 gần như không đổi. Tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của OCB là 2,28%.

Liên quan tới kết quả xử lý nợ xấu, tính từ thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực ngày 15/8/2017 đến 30/8/2019, đã có 236.800 tỷ đồng nợ xấu được xử lý.

Trong đó, nợ xấu nội bảng đạt 137.000 tỷ đồng, các khoản nợ xấu đang hạch toán nằm ngoài bảng cân đối kế toán đạt 47.970 tỷ đồng và các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt 51.120 tỷ đồng.

Tất nhiên, nợ xấu nội bảng chưa phản ánh được hết vấn đề nợ xấu tại các ngân hàng. Chẳng hạn, Sacombank dù có nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 5.809 tỷ đồng (đứng thứ 6 trong hệ thống) nhưng còn hơn 35.000 nợ xấu tại VAMC (cao nhất hệ thống). Còn SCB cũng vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này chỉ ở mức 0,46%, nhưng còn hơn 28.000 trái phiếu đặc biệt của VAMC và lãi dự thu, các khoản phải thu hơn 60.000 tỷ (cao nhất hệ thống).

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến