Nội dung cáo trạng
Ngày 15/1, TAND tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan tới sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Các bị cáo của vụ án có mặt tại tòa đầy đủ, gồm: Trịnh Văn Chiến (SN 1960), cựu Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đình Xứng (SN 1962), cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Cù Đình Hiền (SN 1954), cựu Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh; Bùi Văn Nam (SN 1969), cựu Phó trưởng Phòng kinh tế tài chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh; Đinh Cẩm Vân (SN 1965), cựu Giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Bá Hùng (SN 1966) và Ngô Đình Chén (SN 1956), cựu Phó giám đốc Sở Tài chính; Văn Xuân Hùng (SN 1959), cựu Trưởng phòng quản lý Công sản - Giá cả Sở Tài chính; Trần Công Tỏ (SN 1956), cựu Trưởng phòng tài chính doanh nghiệp Sở Tài chính; Đinh Xuân Hướng (SN 1970), cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã; Nguyễn Mạnh Sơn (SN 1958), cựu Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Mã.
Theo cáo trạng truy tố, Công ty TNHH MTV Sông Mã, tiền thân là Công ty kinh doanh nhà Thanh Hóa, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa. Công ty này được giao quản lý 1.733,8 m2 (khu tập thể cũ) số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 15/1
Thực hiện cổ phần hóa, ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa xác định giá trị doanh nghiệp; Sở Tài chính có tờ trình ngày 23/2/2012 đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tổng giá trị tài sản công ty đến thời điểm ngày 30/9/2011 là hơn 474 tỷ đồng; nợ thực tế phải trả hơn 439 tỷ đồng; giá trị phần vốn Nhà nước là hơn 34 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, ngày 5/4/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp; quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty Sông Mã thành công ty cổ phần, số lượng cổ phần phát hành lần đầu là 3,5 triệu cổ phần.
Dù đang trong quá trình cổ phần hóa, chưa có quyết định giao đất, cấp thẩm quyền chưa phê duyệt đầu tư dự án, nhưng Nguyễn Mạnh Sơn vẫn thống nhất để Đinh Xuân Hướng ký văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị giao làm chủ đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng dịch vụ tổng hợp. Hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Đến năm 2012, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, giao Công ty Sông Mã làm chủ đầu tư dự án Hạc Thành Tower. Trước ngày nhà nước chính thức giao đất để thực hiện dự án Hạc Thành Tower, Nguyễn Mạnh Sơn thống nhất, Đinh Xuân Hướng ký văn bản đề xuất của các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty Sông Mã được huy động vốn bằng việc chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Huy Hoàng.
Ngày 16/8/2012, ông Trịnh Văn Chiến, thời điểm đó là chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký văn bản đồng ý cho phép Công ty TNHH MTV Sông Mã được chuyển nhượng 1.227,4 m2 tại số 3 Phan Chu Trinh cho Công ty TNHH Huy Hoàng với giá 21 triệu đồng/m2. Phần diện tích còn lại tiếp tục được chuyển cho 3 cá nhân khác.
Với hành vi trên, Đinh Xuân Hướng hưởng lợi hơn 6,4 tỷ đồng, Nguyễn Mạnh Sơn hưởng lợi 3,5 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, cựu bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã đồng ý cho Công ty Sông Mã chuyển nhượng đất, đồng ý áp dụng giá giao đất tại thời điểm tháng 1/2013 theo đơn giá đất năm 2009 là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định phê duyệt (thời điểm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước của Công ty Sông Mã là 21 triệu đồng/m2 trái pháp luật, ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định giá trị thực tế doanh nghiệp không bao gồm giá trị khu đất, gây hậu quả thiệt hại cho nhà nước.
Các bị can này được xác định gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 55 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Văn Chiến chỉ nhận thiếu trách nhiệm
Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với 5 điểm trong bản cáo trạng truy tố.
Trong đó, bị cáo Chiến cho rằng truy tố ông tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự là không phù hợp, và nói mình chỉ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng bản thân thiếu chuyên môn về kinh tế, tài chính, giá đất nên không cố ý gây thiệt hại. Ông khai, khi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh năm 2013, đã phân công trách nhiệm cho các Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực liên quan, trong đó có ông Nguyễn Đình Xứng.
Về việc áp giá đất 21 triệu đồng/m², ông Chiến cho biết đã nhiều lần giao Văn phòng UBND tỉnh thẩm định lại, và chỉ phê duyệt sau khi tham khảo ý kiến các Phó Chủ tịch. Ông cũng đề nghị tòa xem xét lại mức thiệt hại 55,8 tỷ đồng, vì cho rằng không sát thực tế. Bị cáo Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phản đối nhiều nội dung trong cáo trạng, đặc biệt là việc cáo buộc ông "biết sai nhưng vẫn làm".
Bị cáo cho biết, vào năm 2013, ông được phân công phụ trách lĩnh vực tài chính, giá cả nhưng không trực tiếp xử lý hồ sơ Dự án Hạc Thành Tower từ đầu. Sau đó, hồ sơ được chuyển lại cho ông theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó là ông Trịnh Văn Chiến.
Ông Xứng lý giải rằng khi đó ông vừa từ vị trí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển lên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nên chưa nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Bị cáo cũng khẳng định đã nhiều lần báo cáo CQĐT và VKS về việc ông không nhận thức được sai phạm vào thời điểm đó.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Bá Hùng, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, cũng phản bác cáo buộc rằng ông "chủ động, tích cực tham mưu" cho dự án. Bị cáo khẳng định chỉ thực hiện nhiệm vụ theo quy chế của cơ quan và căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành.
Ông Hùng giải thích rằng tại thời điểm thẩm định giá, dựa trên các căn cứ pháp lý, ông nhận thấy không có nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước nên đã đưa ra ý kiến tham mưu về dự án.
Khi được chủ tọa hỏi về suy nghĩ đối với hành vi dẫn đến việc phải hầu tòa, bị cáo Trịnh Văn Chiến khẳng định bản thân và các cán bộ liên quan không hề biết việc làm của mình gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Bị cáo cho biết, cả ông và các cán bộ tham mưu, xử lý vụ việc đều không có tư lợi, động cơ cá nhân hay hành vi tham ô, tham nhũng. Ông nhấn mạnh rằng các quyết định được đưa ra với mục đích phát triển tỉnh Thanh Hóa, tương tự nhiều trường hợp khác.
Bị cáo Nguyễn Đình Xứng cũng phủ nhận động cơ cá nhân trong vụ việc, khẳng định không có tình cảm hay quen biết gì với những người liên quan. Ông cho biết đến năm 2014 mới biết bị cáo Đinh Xuân Hướng và hoàn toàn không quen ai ở Công ty Sông Mã. "Không có động cơ, không có lợi ích hay tình cảm, thì làm sao biết sai mà vẫn làm", ông Xứng nhấn mạnh trước tòa.
Dự kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm còn kéo dài nhiều ngày.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy