Dòng sự kiện:
Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bị kiện ra tòa
13/10/2016 14:04:44
ANTT.VN – Bị chính Chủ tịch Hội đồng phản biện luận án “tố” sao chép luận án tiến sĩ, sau đó bị cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ, ông Hoàng Xuân Quế - nguyên Viện phó Viện Tài chính Ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) đã khởi kiện cựu bộ trưởng ra tòa.

Tin liên quan

Chủ tịch Hội đồng phản biện “tố” tiến sĩ đạo luận án – Tiến sĩ kiện Bộ trưởng

Tòa hành chính Tòa án nhân dân TP Hà Nội đang xét xử vụ ông Hoàng Xuân Quế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân khởi kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 hủy bỏ học vị Tiến sỹ đối với ông Quế do “đạo văn” luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003.

Đây là một vụ việc hi hữu, trong đó bộ trưởng bị một cấp dưới khởi kiện, do đó đã gây ra sự chú ý của công luận trong suốt 3 năm qua.

Theo hồ sơ, năm 2003, ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam". Đề tài được chủ tịch Hội đồng phản biện cùng các thành viên đánh giá là xuất sắc.

Từ công trình nghiên cứu này, ông Hoàng Xuân Quế đã xuất bản thành cuốn sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” (Nhà xuất bản Thống kê, 2004).

Bìa cuốn sách chuyên khảo có nội dung nguyên trạng từ Luận án bị tố cáo “đạo văn” của ông Hoàng Xuân Quế

Tuy nhiên, năm 2013, ông Quế đã bị chính Chủ tịch Hội đồng phản biện luận án của 10 năm trước là GS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (và một số cá nhân khác) tố cáo là đã "đạo văn" tới 30% dung lượng luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003 của TS. Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng với đề tài "Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường".

Theo các tố cáo, sự sao chép này là không hợp pháp vì nội dung sao chép không có chú dẫn nguồn trích và mức độ sao chép lên đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%).

Từ các đơn tố cáo này, và trên cơ sở các xác minh do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tiến hành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (thời điểm năm 2013 là ông Phạm Vũ Luận) đã ra quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 hủy bỏ học vị tiến sỹ đối với ông Quế.

Đồng thời Bộ GD-ĐT giao cho Vụ Giáo dục Đại học tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế; Giao cho Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư đối với ông Hoàng Xuân Quế; Giao cho Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân xem xét, xử lý vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế theo quy định của pháp luật.

Không chấp nhận quyết định này của Bộ GD&ĐT, cho rằng nhiều khả năng mình bị đánh tráo luận án, và cho rằng bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ra quyết định thiếu căn cứ, ngay sau đó ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện cựu bộ trưởng ra tòa.

“Đạo văn” hay là đánh tráo luận án để hạ bệ?

Sau phiên tòa bị hoãn từ ngày 28/7/2014, sau 3 năm, phiên tòa sơ thẩm vụ việc nói trên được mở vào ngày 7/10 và dự kiến nghị án kéo dài đến ngày 17/10/2016.

Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 10/10 vừa qua, đã có nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc lùm xùm này, trong đó bộc lộ khá nhiều điểm khó hiểu.

Điểm khó hiểu đầu tiên là trong các đơn tố cáo TS Hoàng Xuân Quế 'đạo văn' luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế có đơn của GS.TS Nguyễn Văn Nam, cựu hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông Nguyễn Văn Nam là Chủ tịch cả 3 Hội đồng chấm luận án của ông Hoàng Xuân Quế, từ Hội đồng chấm chuyên đề luận án, Hội đồng chấm luận án cấp cơ cở và Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước, nhưng lại không hề có bất cứ tài liệu chứng cứ nào trong tay để chứng minh cho tố cáo của mình (đáng lẽ ông Nam phải có ít nhất 1 quyển luận án mà ông Quế đã nộp cho ông Nam khi bảo vệ tại 3 Hội đồng)

Ngoài ra, theo luật sư Trần Hồng Phúc (Công ty luật Nguyễn Chiến) – luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hoàng Xuân Quế thì: Vào thời điểm ông Quế bảo vệ luận án (tháng 10/2003), tất cả các ý kiến phản biện, kết quả chấm, nghị quyết của Hội đồng chấm luận án của nghiên cứu sinh (NCS) Hoàng Xuân Quế đều khẳng định luận án của ông Quế không có sự sao chép và đánh giá cao chất lượng luận án.

Trong đó, với tư cách Chủ tịch Hội đồng, đồng thời là hiệu trưởng, là lãnh đạo của ông Quế, ông Nam đã có nhận xét như sau: “tên và nội dung đề tài không trùng lặp với các đề tài luận án, công trình khoa học đã công bố, bản tóm tắt phù hợp và trung thành với nội dung bản chính của luận án”.

Từ đó, ông Nam có đánh giá chung về đề tài của ông Quế như sau: “Đề tài mà NCS lựa chọn là một lĩnh vực rất khó và phức tạp nhưng tôi cho rằng luận án đã giải quyết một cách xuất sắc các mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy tác giả luận án rất am hiểu đề tài nghiên cứu. Luận án của NCS Hoàng Xuân Quế đáp ứng yêu cầu luận án Tiến sĩ kinh tế cả về hình thức và nội dung. Kính đề nghị Bộ GD&ĐT cấp bằng Tiến sĩ kinh tế cho tác giả luận án”.

Thế nhưng 10 năm sau, cũng chính ông Nam làm đơn tố cáo ông Quế đạo văn, và đây là một điểm khó hiểu. Nó thể hiện sự thiếu nhất quán hoặc là sự hạn chế năng lực chuyên môn của một người nguyên là hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng, là chủ tịch Hội đồng phản biện luận án tiến sĩ cấp Nhà nước như ông Nguyễn Văn Nam.

Điểm khó hiểu thứ hai là: Tại phiên tòa, ông Quế không công nhận 3 cuốn luận án mà Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo, khẳng định đó là những cuốn luận án mạo danh tên nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế.

Đó là 3 cuốn luận án được cho là của ông Quế: một cuốn nộp tại Thư viện Quốc gia một cuốn lưu tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD), và một cuốn nộp Bộ GD&ĐT nhưng Bộ đã chuyển vào Thư viện Tổng hợp TPHCM (trong khi theo quy định thì Bộ phải lưu hồ sơ NCS, thì Bộ này lại chuyển luận án vào thư viện TPHCM vì lý do kho chứa đầy).

Ông Quế không chấp nhận 3 cuốn luận án này làm căn cứ xét xử vụ án do không một cuốn nào có chữ ký cam đoan của mình trên phần cam đoan (là yêu cầu bắt buộc), và các tài liệu kèm theo phải nộp cho Thư viện Quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT, nghi là có sự đánh tráo, mạo danh.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tố cáo, để chứng minh cho mình, ông Quế đã thu thập được 03 cuốn luận án của các Thầy chấm luận án năm 2003 còn lưu giữ. Các cuốn này khác với 03 cuốn do Bộ thu thập từ thư viện nhưng Bộ không xem xét sự khác biệt này.

Về điểm này, luật sư Trần Hồng Phúc đại diện cho ông Quế cho rằng, có đầy đủ căn cứ để nghi ngờ cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã bị đánh tráo vì mục đích xấu, vì tất cả những tài liệu quan trọng liên quan tới ông Quế đều bị mất (các tài liệu nộp kèm theo luận án của ông Quế tại Thư viện Quốc gia, sổ biên nhận luận án của Đại học Kinh tế quốc dân).

Điểm khó hiểu thứ ba là hành động giải quyết tố cáo của cựu bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận có điều gì đó mập mờ, chưa rõ ràng. Ngoài chuyện không đưa ra được luận án gốc có chữ ký cam kết của NCS (theo quy định lưu hồ sơ NCS là trách nhiệm của Bộ), lý do chuyển luận án của ông Quế vào lưu vào Thư viện Tổng hợp TPHCM rất thiếu thuyết phục, thì cách ông Luận viện dẫn văn bản pháp luật cũng như chỉ đạo cấp dưới xử lý tố cáo là rất thiếu chặt chẽ.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận - người vừa thôi chức vụ bộ trưởng vào ngày 8/4/2016 sau gần 6 năm nhiệm kỳ

Ví dụ như Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định mọi khiếu nại tố cáo liên quan đến luận án phải được thực hiện trong thời hạn 2 tháng sau ngày bảo vệ, nhưng vụ việc này 10 năm sau mới giải quyết tố cáo là không có cơ sở.

Ngoài ra ông cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo còn căn cứ Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 để ra QĐ 4674 thu hồi bằng tiến sĩ là đã áp dụng sai pháp luật vì không thể lấy văn bản ra đời năm 2007 để áp dụng thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp năm 2003.

Thêm nữa, trong khi QĐ 4674 đang là đối tượng bị khởi kiện trong vụ án này,  việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quyết định hành chính này nhằm thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế đúng hay sai còn chưa có phán quyết  có hiệu lực của Tòa án, song Bộ và các cơ quan cấp dưới, đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Xuân Quế như: miễn nhiệm chức danh Phó giáo sư, đình chỉ tham gia công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ,  miễn nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính đối với ông Hoàng Xuân Quế.

Từ các căn cứ trên, luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định ông Hoàng Xuân Quế bị trù dập và cho rằng đã có sự cấu kết giữa người tố cáo và người giải quyết tố cáo để thu hồi bằng được bằng tiến sỹ của ông Quế, thậm chí, bất chấp cả luật pháp.

Từ đó, luật sư của ông Quế và đại diện VKSND Hà Nội đưa ra để đề nghị Tòa chấp nhận một phần khởi kiện theo yêu cầu của ông Hoàng Xuân Quế, tuyên hủy Quyết định 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 về việc thu hồi bằng Tiến sỹ đối với ông Quế

Được biết phiên xử sẽ kéo dài đến ngày 17/10/2016.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin…

Minh Minh (minhminh.antt@gmail.com)

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến