Cựu Giám đốc chia "tiền cảm ơn" thế nào?
Sáng 4/1, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi đại án Việt Á, trong đó tiếp tục tập trung vào các khoản “hoa hồng và lót tay” của các bị cáo.
Tại bục khai báo, Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nên Việt Á được vào Hải Dương tham gia chống dịch.
Điều này xuất phát từ thực tiễn, dịch bệnh bùng phát mạnh, những đoàn từ Trung ương cử về chưa đáp ứng hết được việc xét nghiệm lấy mẫu.
Hải Dương cũng đã ứng trước test của Việt Á rồi làm các thủ tục giấy tờ thanh toán, chỉ định thầu. Các báo giá của các đơn vị không có sự chênh lệch nhiều, nhưng lợi thế về số lượng đáp ứng và thời gian giao hàng giúp Việt Á có lợi thế.
Cựu Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương bị cáo buộc nhận 50 nghìn USD và 66 triệu đồng (ảnh Hữu Thắng).
Trong quá trình Việt Á cung cấp test, sinh phẩm y tế, 2 bên không đặt ra bất kỳ thỏa thuận nào, mà chỉ tập trung chống dịch. Nhưng sau khi dịch qua, hợp đồng được thanh toán đợt 1 cũng không có gì, nhưng các đợt thanh toán 3 lần sau Phan Quốc Việt đề nghị chia lợi nhuận, để cảm ơn những người vất vả tham gia chống dịch. Việt đã chuyển khoản tổng 27 tỷ đồng cho bị cáo Tuyến.
“Bị cáo nghĩ đó chỉ là cảm ơn, chia lợi nhuận chứ không nghĩ đó là vi phạm. Vì giá kít test đều công khai trên Bộ Y tế. Về sau khi cơ quan điều tra xác định giá trị thực, bị bắt giam bị cáo mới nhận thức được hành vi sai lầm của mình”, bị cáo trình bày.
HĐXX cho rằng: Bị cáo nói là không nghĩ nhận tiền là sai sao không báo Việt chuyển vào tài cơ quan mà chuyển vào tài khoản cá nhân của người quen?
Bị cáo đáp: Do chuyển vào tài khoản cơ quan sẽ phải giải trình phức tạp nên nhờ chuyển vào tài khoản người thân.
“Bị cáo Việt có gợi ý về việc cảm ơn cho lãnh đạo tỉnh, CCD Hải Dương, còn chia thế nào do bị cáo quyết. Trong đó bị cáo gửi Bí thư Thăng 50 nghìn USD và 600 triệu đồng; Giám đốc sở Y tế Phạm Mạnh Cường 7 tỷ; còn lại từ 300-500 triệu cho nhiều cá nhân tại CDC”, Tuyến khai.
HĐXX hỏi: Tại sao bị cáo lại gửi Giám đốc Sở y tế nhiều hơn Bí thư?
Bị cáo đáp: "Do Giám đốc sở là thủ trưởng trực tiếp chỉ đạo bị cáo, đồng thời có nhiều công sức tham gia chống dịch, gửi văn bản đề xuất với tỉnh cho CDC, nên bị cáo gửi nhiều hơn”, bị cáo nói và cho biết số tiền còn lại hơn 16 tỷ được dùng chi tiêu cá nhân, hiện gia đình khắc phục hơn 13 tỷ đồng.
Về vấn đề chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho bị cáo Hiệp, tại phiên xét xử chiều 3/1, bị cáo Việt cũng cho rằng nhận thức lúc đó chỉ là tiền cảm ơn không phải tiền hối lộ, nên mới chuyển qua tài khoản ngân hàng (có thể lưu vết).
Có thoả thuận chia 20-25% ngoài hợp đồng
Theo kết luận điều tra, bị can Phạm Duy Tuyến được bổ nhiệm làm Giám đốc CDC Hải Dương vào tháng 8/2018. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) chủ động gọi điện thoại cho Tuyến đề nghị được vào Hải Dương thực hiện việc xét nghiệm hỗ trợ chống dịch.
Tuy nhiên, ông Tuyến nói việc này phải do lãnh đạo tỉnh quyết định. Do đó, Việt đã liên hệ nhờ ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, tác động đến ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Ông Long giới thiệu với ông Thăng về năng lực, kinh nghiệm chống dịch và đề nghị cho Công ty Việt Á về tỉnh Hải Dương hỗ trợ, phối hợp xét nghiệm chống dịch.
Trong quá trình Công ty Việt Á thực hiện xét nghiệm tại địa phương, ngày 20/2/2021, Việt đến phòng làm việc của ông Thăng và đề nghị tạo điều kiện để công ty được xét nghiệm diện rộng cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Tại buổi gặp này, bị can đưa cho ông Thăng 100.000 USD (khoảng 2,3 tỉ đồng).
Ông Phạm Duy Tuyển.
Sau khi có sự đồng ý của ông Thăng, Công ty Việt Á đưa nhân công, máy móc, thiết bị về CDC Hải Dương lắp đặt, thực hiện công tác xét nghiệm để tiêu thụ kit test do Việt Á sản xuất.
Ngày 1/2/2021, Việt thỏa thuận, thống nhất với ông Phạm Duy Tuyến cho Công ty Việt Á ứng test xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế cho CDC Hải Dương sử dụng trước, hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền sau theo đơn giá của Việt Á.
Việt thỏa thuận với Tuyến rằng, Công ty Việt Á sẽ chi 20-25% ngoài hợp đồng cho CDC Hải Dương, đổi lại Tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc CDC Hải Dương mua, thanh quyết toán tiền test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế.
CQĐT xác định CDC Hải Dương và Công ty Việt Á đã thông đồng, gian lận trong đấu thầu, giúp Công ty Việt Á trúng thầu theo đơn giá mà doanh nghiệp này đưa ra. CDC Hải Dương sau đó ký thanh toán gần 148 tỉ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại gần 74 tỉ đồng.
Sau các đợt thanh toán, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới tính toán, xác định số tiền phần trăm chi cho CDC Hải Dương theo tỉ lệ 20-25% tương đương hơn 27 tỉ đồng.
Công ty Việt Á đã ba lần chuyển tiền theo các số tài khoản do Phạm Duy Tuyến cung cấp. Trong đó, lần đầu Việt chỉ đạo bị can Vũ Đình Hiệp - Phó Giám đốc Công ty Việt Á liên hệ với Phạm Duy Tuyến để thống nhất hình thức chuyển tiền. Hai lần sau, đích thân Việt và Hiệp đến nhà ông Tuyến chơi và báo với Tuyến ''đã nhận được tiền của CDC Hải Dương, sẽ chuyển lại tiền % ngoài hợp đồng cho Tuyến".
Nhận tiền xong, ông Tuyến đã đưa cho ông Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD; đưa ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, 7 tỉ đồng. Ngoài ra, đưa một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương với tổng số tiền 2,12 tỉ đồng; số còn lại Tuyến sử dụng cá nhân (khoảng 16 tỉ đồng).
CQĐT xác định tổng cộng ông Thăng đã nhận 4 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Thăng thừa nhận việc kết luận, chỉ đạo liên quan đến Công ty Việt Á là không đúng thẩm quyền, không đúng quy chế, quy định pháp luật, dẫn đến việc Việt và Tuyến lợi dụng để phạm tội.
Cơ quan điều tra đánh giá ông Phạm Xuân Thăng, ông Phạm Duy Tuyến đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác để làm rõ bản chất vụ án; có thành tích xuất sắc trong công tác. Phạm Xuân Thăng đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận.
Tác giả: Đặng Ngọc Thuỷ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy