Dòng sự kiện:
Đã có hơn 20 doanh nghiệp báo lỗ năm 2017
25/01/2018 19:40:50
Bên cạnh hàng loạt doanh nghiệp báo lãi lớn vượt xa kế hoạch, thì cũng có không ít doanh nghiệp đã báo lỗ, thậm chí lỗ lớn.

Mùa báo cáo tài chính năm 2017 đang bước vào giai đoạn rầm rộ nhất, hàng loạt doanh nghiệp đang tranh thủ hoàn thiện và công bố kết quả kinh doanh năm 2017 và tích cực chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp báo lãi đột biến trong năm 2017 như các doanh nghiệp ngành ngân hàng VietcomBank, VIB… cácdoanh nghiệp ngành thủy điện như Thủy điện Bắc Hà (BHA), Thủy điện Miền Trung (CHP), Thủy điện Cần Đơn (SJD)… các doanh nghiệp ngành xây dựng như Coteccons (CTD), như Nam Long (NLG), như Đất Xanh Group (DXG)… các doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên như Cao su Phước Hòa (PHR), cao su Thống Nhất… thì cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp báo lỗ quý 4 và cả năm 2017.

Một trong những doanh nghiệp báo lỗ đầu tiên và gây sự chú ý cho các nhà đầu tư nhất là Hùng Vương (HVG). Việc Hùng Vương công bố lỗ 63 tỷ đồng trước kiểm toán không khiến nhà đầu tư quá sốc khi thời gian gần đây Hùng Vương liên tục công bố những thông tin không khả quan. Hùng Vương còn đem những "con gà đẻ trứng vàng" như Thực phẩm Sao Ta (FTM) đi bán.

Thông tin gây sốc cho nhà đầu tư nhất là mới đây Hùng Vương công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán với số lỗ trên 700 tỷ đồng, tăng 642 tỷ đồng so với trước kiểm toán. Tuy nhiên, ngay sau đó Hùng Vương đã lên tiếng giải trình nguyên nhân sự chênh lệch lớn này chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh các công ty con sau kiểm toán.

Thủy sản An Giang (Agifish - AGF) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017 đã kiểm toán với rất nhiều số liệu chênh lệch lớn so với cùng kỳ, đặc biệt đã chuyển từ lãi 4 tỷ đồng theo báo cáo ban đầu công ty tự lập sang lỗ ròng 187  tỷ đồng – tương ứng số chênh lệch đến 191 tỷ đồng. Nguyên nhân có sự chênh lệch lớn do sau kiểm toán doanh thu thuần giảm và chi phí các loại bị điều chỉnh tăng.

Thủy sản An Giang báo cáo chuyển từ lãi sang lỗ cũng đã ảnh hưởng nhiều tới Hùng Vương khi HVG sở hữu đến 79,58% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty. Đây cũng là 1 trong những lý do Hùng Vương đưa ra trong giải trình sau BCTC kiểm toán.

Một thời là "ông hoàng Sá xị", Nước giải khát Chương Dương (SCD) từng là thương hiệu nước giải khát được người dân Miền Nam ưa chuộng, tuy nhiên đến nay thương hiệu này đã dần mất bóng trên thị trường nước giải khát trong nước, nhường chỗ cho những nhãn hiệu khác.

Kết quả kinh doanh của công ty không quá bết bát, doanh thu và lợi nhuận khá ổn định hàng năm, vẫn có hàng chục năm liên tiếp báo lãi dù không lớn so với "danh tiếng" một thời củadoanh nghiệp này. Thị phần của Nước giải khát Chương Dương đã dần rơi vào tay những nhãn hàng khác. Tuy nhiên, việc năm 2017 công ty lỗ 2,2 tỷ đồng và giảm mạnh so với số lãi 31 tỷ đồng đạt được năm trước đó là một thông tin khá "sốc".

Chăn nuôi Mitraco (MLS) cũng vừa thông báo lỗ gần 12 tỷ đồng trong khi năm 2016 lãi hơn 3,44 tỷ đồng. Doanh thu thuần giảm 22,5%. Theo báo cáo từ phía công ty năm 2017 ngành chăn nuôi lợn trên cả nước gặp khó khăn, giá bán giảm sâu, sản lượng cũng giảm mạnh.

Doanh thu sụt giảm 30%, còn 236 tỷ đồng, trong khi chi phí giá vốn bỏ ra còn lớn hơn cả doanh thu (267 tỷ đồng), thêm các khoản chi phí khác, năm 2017 Chăn nuôi Mitraco ghi nhận lỗ gần 46 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2017 công ty còn lỗ gần 44 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 6,3 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 40 tỷ đồng.

Cũng trong ngành chăn nuôi, doanh thu năm 2017 của CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng giảm 24% so với năm trước đó. Giá vốn, chi phí các loại đều tăng cao nên cả năm Việt Thắng lỗ 37,44 tỷ đồng trong khi năm 2016 lãi 118 tỷ đồng

Việt Thắng hiện tại cũng là 1 "đứa con" của Hùng Vương. Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng thành lập năm 2002 và phát triển mạnh những năm sau đó, vươn lên chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi thủy sản khu vực ĐBSCL. Năm 2012 Hùng Vương chính thức thâu tóm Việt Thắng, biến VTF thành công ty con và hiện đã sở hữu hơn 90% vốn. Vào tay Hùng Vương, Việt Thắng rút khỏi sàn HoSE, đầu tư mở rộng nhà máy với các dây chuyền sản xuất thức ăn cá công suất lớn, lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi gia súc, đầu tư trại heo giống cụ kỵ tại An Giang…

Tuy thế, kết quả kinh doanh của Việt Thắng lại không được như ý khi đầu tư quá lớn với dòng tiền. Tính đến cuối năm 2017 tổng cộng tài sản công ty gần 3.650 tỷ đồng; nợ phải trả 2.470 tỷ đồng trong đó vay nợ thuê tài chín ngắn hạn 1.373 tỷ đồng và vay dài hạn 655 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 1.177 tỷ đồng.

Với số lỗ hơn 26 tỷ đồng quý 4/2017, CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) đã có 4 quý lỗ liên tiếp. Tổng lỗ cả năm 2017 lên đến gần 128 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lỗ hơn 18,5 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên đến 167,7 tỷ đồng.

Với kết quả đó, ban lãnh đạo RIC cũng đã đặt mục tiêu tổng doanh thu 15,8 triệu USD, giảm 6% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 1,55 triệu USD, bằng 83,66% chỉ tiêu năm 2017. Trước đó công ty cho biết, biện pháp khắc phục thua lỗ là sẽ mở rộng, thúc đẩy hoạt động của bộ phận Câu lạc bộ Quốc tế. Cụ thể là mở rộng thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản; đồng thời tăng cường thu hút khách hàng bằng cách khai thác tăng các chuyến bay từ Ma Cao đến Cát Bi (Hải Phòng) và duy trì hợp tác với Tập đoàn Quốc tế Kim Long (Ma Cao).

Danh sách các doanh nghiệp báo lỗ năm 2017 còn có CTCP XNK Petrolimex (PIT) với số lỗ 31 tỷ đồng trong quý 4/2017, nâng tổng lỗ lũy kế cả năm lên 47 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế cuốinăm 2017 lên đến 57,2 tỷ đồng.

Vận tải biển Vinaship (VNA) tiếp tục lỗ gần 76 tỷ đồng trong năm 2017, đây cũng là năm lỗ thứ 2 liên tiếp của công ty. Năm 2016 VNA lỗ hơn 98 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 hơn 281 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 1,6 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 200 tỷ đồng.

Hưng Đạo Container (HDO) lỗ tiếp gần 19 tỷ đồng trong năm 2017- đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ. Năm 2016 Hưng Đạo Container lỗ gần 35,5 tỷ đồng.

PV Inconess (RGC) vừa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ tháng 6/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 9.100 đồng/cổ phiếu. Đến nay sau hơn nửa năm giá cổ phiếu RGC còn một nửa, 4.600 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh cũng không khả quan khi lỗ tiếp 14 tỷ đồng trong năm 2017, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên trên 92 tỷ đồng. Đây cũng là năm lỗ thứ 5 liên tiếp của công ty.

Ngoài ra, Simco Sông Đà (SDA), Bao bì Dầu Thực vật (VPK),CTCP Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh (FCS)... cũng đã báo lỗ trong năm 2017.  

Theo Trí Thức Trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến