Dòng sự kiện:
Đã sẵn sàng cho việc khai trương sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP
18/06/2019 12:12:37
Tiếp nối thành công ban đầu của Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, dự kiến tháng 7/2019, sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ (HĐTL TPCP) sẽ chính thức đưa vào giao dịch trên TTCK phái sinh.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Việc ra mắt sản phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn đầu tư và hứa hẹn là một công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất hữu hiệu, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức. Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có những chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính về những bước chuẩn bị cần thiết của cơ quan quản lý nhằm đưa sản phẩm này vào giao dịch tới đây.

Thưa bà, được biết, đầu tháng 7/2019, HĐTL TPCP sẽ chính thức được đưa vào giao dịch. Hiện tại, Sở GDCK Hà Nội đã có những chuẩn bị cần thiết về mặt khung pháp lý, hệ thống giao dịch thế nào cho sự ra đời của sản phẩm này?

Bà Tạ Thanh Bình: Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị trên thị trường đã hoàn thiện, sẵn sàng cho việc khai trương sản phẩm mới là HĐTL TPCP vào đầu tháng 7 tới đây.

Về mặt pháp lý, hệ thống văn bản cho việc vận hành sản phẩm mới đã đầy đủ. Sau một thời gian hoạt động, hệ thống các quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở GDCK Hà Nội đã được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với thực tế triển khai. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 127/2018/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Thông tư số 128/2018/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc ra đời hai Thông tư này giúp Sở GDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán và các thành viên thị trường có cơ chế và khung giá dịch vụ rõ ràng trong việc thực hiện các khoản thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ.

Về hệ thống giao dịch, từ trước thời điểm khai trương thị trường vào tháng 8/2017, hệ thống giao dịch phái sinh cho sản phẩm HĐTL TPCP đã được chuẩn bị sẵn sàng. Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm lưu ký chứng khoán đã thực hiện kiểm thử hệ thống nội bộ và kiểm thử hệ thống tích hợp với các thành viên thị trường đối với sản phẩm HĐTL TPCP. Đến nay quá trình kiểm thử hệ thống đã hoàn tất. 

Nhìn chung, các đợt kiểm thử nội bộ, kiểm thử với thành viên và đối tác cung cấp dữ liệu đều đã được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, đúng tiến độ và trên hết là đảm bảo tất cả các thành viên đăng ký kiểm thử đều được hỗ trợ, hướng dẫn làm quen với mọi hoạt động và nghiệp vụ của thị trường cho sản phẩm phái sinh đặc thù là HĐTL TPCP.

Về hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh, công tác này đã được Sở GDCK Hà Nội thực hiện ngay từ khi khai trương thị trường với sản phẩm đầu tiên là HĐTL trên chỉ số cổ phiếu VN30. Đối với sản phẩm HĐTL TPCP dự kiến triển khai, Sở GDCK Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, thiết lập hệ thống giám sát và sắp xếp nguồn nhân sự nhiều kinh nghiệm sẵn sàng phục vụ công tác giám sát giao dịch sản phẩm này.

Hoạt động giám sát sẽ được tổ chức liên tục hàng ngày, theo sát diễn biến của thị trường và nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường để báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động phối hợp giữa Sở, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ được đẩy mạnh, trao đổi thông tin thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và đảm bảo sự minh bạch, công bằng trên thị trường.

Chúng tôi cũng chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo cho sản phẩm mới này. Công chúng đầu tư có thể tìm hiểu, tiếp cận sâu hơn về sản phẩm này thông qua các tài liệu giới thiệu về sản phẩm và hướng dẫn giao dịch HĐTL TPCP được đăng tải lên website chính thức của Sở, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Trước đó, đầu tháng 10/2018, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức thành công hội thảo “Giới thiệu sản phẩm Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ” với sự tham gia của Trung tâm lưu ký chứng khoán và Hiệp hội thị trường trái phiếu nhằm giúp thành viên thị trường, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về đặc điểm giao dịch, thanh toán, bù trừ HĐTL TPCP, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các quan điểm của thành viên về sản phẩm này trên thị trường Việt Nam.

Cơ sở nào để cơ quan quản lý lựa chọn TPCP kỳ hạn 5 năm làm tài sản cơ sở cho HĐTL TPCP 5 năm mà không phải là một TPCP kỳ hạn khác thưa bà?

Bà Tạ Thanh Bình: Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại các thị trường chứng khoán phái sinh phát triển trên thế giới, đánh giá điều kiện thực tiễn về thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam kế hợp với tham vấn ý kiến của các thành viên thị trường, TPCP có kỳ hạn 5 năm đã được lựa chọn làm tài sản cơ sở cho HĐTL TPCP.

Sở dĩ, TPCP kỳ hạn 5 năm được lựa chọn làm tài sản cơ sở cho HĐTL TPCP bởi đây là loại TPCP có tỷ lệ trúng thầu cao nhất, tính thanh khoản cao hơn so với các loại TPCP khác và phù hợp định hướng của Nghị quyết số 78/2014/NQ-QH ngày 11/10/2014 về phát hành TPCP có kỳ hạn 05 năm trở lên kể từ năm 2015.

Về thiết kế và phê duyệt sản phẩm, mẫu HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm đã chính thức được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận từ ngày 30/7/2018 tại Công văn số 4735/UBCK-PTTT theo đề nghị của Sở GDCK Hà Nội. Trên cơ sở đó, Sở đã công bố mẫu HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm tới các thành viên thị trường trên website của Sở cũng như tại các chương trình đào tạo về sản phẩm mới.

Cơ chế giao dịch, thanh toán của sản phẩm mới này có khác biệt gì so với cơ chế giao dich, thanh toán của HĐTL chỉ số VN30 đã từng được đưa vào giao dịch khá thành công trên thị trường chứng khoán phái sinh trước đó, thưa bà?

Bà Tạ Thanh Bình: Về cơ chế giao dịch, giao dịch của HĐTL TPCP được thực hiện tương tự như sản phẩm HĐTL chỉ số cổ phiếu VN30.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai sản phẩm này là cơ chế thanh toán: sản phẩm HĐTL TPCP được thanh toán tại thời điểm đáo hạn bằng chuyển giao vật chất khác với sản phẩm HĐTL chỉ số cổ phiếu là thanh toán bằng biền. Vào ngày đáo hạn, người nắm giữ vị thế mua thực hiện thanh toán tiền và người nắm giữ vị thế bán thực hiện chuyển giao tài sản cơ sở là TPCP trong rổ TPCP có thể chuyển giao.

Việc thanh toán chuyển giao vật chất được nhiều chuyên gia từ các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới (Nomura, GIZ, Luxembourg, ...) khuyến nghị cho Việt Nam bởi tác dụng hạn chế việc thao túng giá TPCP tại thời điểm đáo hạn cũng như thúc đẩy thanh khoản cho thị trường TPCP cơ sở. Hình thức này cũng được sử dụng rộng rãi tại các thị trường chứng khoán phái sinh trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp, Đài Loan…

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến