Đại án tại VNCB: Nguy cơ rủi do không thể lường trước trong môi trường kinh doanh
23/12/2016 09:01:23
Một trong các mục tiêu của việc xử lý các vụ án tham nhũng, chiếm đoạt, gây thất thoát là thu hồi tiền chiếm đoạt, khắc phục thất thoát. Phạm Công Danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút ra từ VNCB và vay của 3 Ngân hàng khác hơn 18.000 tỷ đồng sử dụng cho mục đích cá nhân.

Tin liên quan

Hành vi của Phạm Công Danh là “chiếm đoạt tài sản”  hay cố ý làm trái hoặc vi phạm quy định về cho vay “gây thiệt hại” cho VNCB? Tòa án nhân dân TP.HCM trong phiên sơ thẩm trước đó đã quyết định thu hồi hơn 6.800 tỷ đồng được xác định có nguồn gốc từ hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay của Phạm Công Danh.

Thu hồi bằng cách nào?

Trao đổi với phóng viên, các luật sư phân tích rằng hành vi “Chiếm đoạt tài sản” được hiểu là biến tài sản của người khác thành tài sản của mình bằng những hành vi trái pháp luật. Còn “Gây thiệt hại” là hành vi trái pháp luật làm mất tài sản, giảm giá trị tài sản của người khác nhưng không có tính chất chiếm đoạt. Tùy từng hành vi và các yếu tố khác mà tội danh được xác định tương ứng theo quy định của pháp luật nhưng nhóm tội chiếm đoạt và gây thiệt hại là hai nhóm tội khác biệt. Ngoài trách nhiệm của chính người phạm tội bằng tài sản của mình, do sự khác biệt về tính chất giữa hai nhóm tội này nên việc thu hồi tiền khắc phục hậu quả từng nhóm tội cũng khác nhau.

Theo các luật sư phân tích thì với hành vi chiếm đoạt, pháp luật có quy định về việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, tiền chiếm đoạt dùng mua nhà thì sẽ thu hồi nhà, tiền chiếm đoạt mua xe thì sẽ thu hồi xe, tài sản tẩu tán nhờ người khác đứng tên cũng bị thu hồi (như vụ án Giang Kim Đạt)… Với hành vi gây thiệt hại, chỉ có thể khắc phục thiệt hại bằng tài sản của chính người phạm tội, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có không đặt ra vì không có hành vi chiếm đoạt, tài sản được xác định thiệt hại đã bị mất hoặc giảm giá trị do hành vi phạm tội. Cũng không thể truy thu số tiền từ các giao dịch mà người phạm tội đã thực hiện nếu các giao dịch này hợp pháp.

Giao dịch hợp pháp, không vi phạm thì không thể mất tài sản

Một người không thể bị tước bỏ quyền sở hữu tài sản của mình nếu không có những căn cứ pháp lý xác định người đó vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm về tài sản.Thực tế tiền bị chiếm đoạt, tiền trong các vụ án “gây thiệt hại” có thể được dùng để ăn phở, ăn tiệc nhà hàng, du lịch, mua tài sản, trả nợ vay … Người chủ nhà hàng nhận tiền bữa tiệc từ người phạm tội thì người chủ nhà hàng này phải trả tiền mua thực phẩm, trả tiền thuê mặt bằng (nếu nhà hàng phải thuê mặt bằng), trả tiền thuế, tiền công nhân viên phục vụ, đầu bếp… Giao dịch trên là giao dịch hợp pháp, cơ quan pháp luật không thể thu hồi tiền từ người chủ nhà hàng này để khắc phục hậu quả của đối tượng phạm tội là người đến ăn tại bữa tiệc của nhà hàng trên. Nếu thu hồi tiền từ chủ nhà hàng thì người này sẽ bị mất tài sản mặc dù không có không có vi phạm, không có lỗi. Người chủ nhà hàng sẽ vô tình phải chịu thiệt thòi.

Cụ thể, luật sư Hoàng Đôn Hùng- Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phân tích rằng: “Trong các vụ án vi phạm quy định về cho vay, khi ngân hàng cho vay trái pháp luật, bị thiệt hại do không thu hồi được tiền vay, khách hàng đã sử dụng tiền vay để đóng thuế, trả lương, mua sắm tài sản cố định, trả nợ … thì không thể thu hồi tiền thuế đã đóng cho Nhà nước, tiền lương đã trả cho người lao động, tiền mua tài sản cố định đã trả cho người bán, tiền nợ đã trả cho chủ nợ … Tiền vay thiệt hại trong trường hợp này chỉ có thể thu hồi từ tài sản bảo đảm cho khoản vay, tài sản khác của người vay và từ việc bồi thường của những người phạm tội. Trong vụ án Dương Chí Dũng cố ý làm trái tại Vinalines, cơ quan tố tụng không thu hồi tiền mà Dương Chí Dũng đã dùng để mua ụ nổi cũng như các chi phí khác. Trong vụ án Phạm Thanh Bình cố ý làm trái tại Vinashin, cơ quan tố tụng không thu hồi tiền mà Phạm Thanh Bình đã dùng để mua tàu Hoa Sen. Đây là số tiền được xác định là Dương Chí Dũng, Phạm Thanh Bình gây thiệt hại cho Nhà nước”.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng cũng phân tích rằng Bộ luật Dân sự có quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 trong các giao dịch hợp pháp (ngay tình), theo đó thì các giao dịch này vẫn được thừa nhận, bên thứ 3 không phải trả lại các tài sản đã nhận nếu giao dịch là hợp pháp. Quy định này nhằm bảo vệ sự ổn định của các giao dịch dân sự, của môi trường kinh doanh. Nếu không có các quy định này, bất cứ lúc nào người chủ nhà hàng cũng có thể phải nộp lại tiền bữa tiệc đã bán cho đối tượng phạm tội vì nguồn gốc đồng tiền trên do đối tượng chiếm đoạt mà có, người dân bán nhà sau khi sang tên nhà cũng phải nộp lại tiền do có nguồn gốc tội phạm… là điều vô lý. Nếu không có các quy định này, các ngân hàng thu nợ vay, trả lại tài sản thế chấp cho khách hàng vẫn có thể bị thu hồi số tiền đã thu nợ do tiền có nguồn gốc tội phạm. Cá nhân A trả tiền cho cá nhân B, B trả tiền cho C, C dùng tiền trả cho D … , nếu xác định tiền có nguồn gốc tội phạm mà thu hồi, không tính đến yếu tố ngay tình thì các giao dịch sẽ rối loạn.

Quy định bảo vệ các giao dịch hợp pháp, ngay tình cũng bảo đảm cho các doanh nghiệp, cá nhân có thể kiểm soát, dự đoán được các rủi ro pháp lý, có thể yên tâm trong các giao dịch dân sự, kinh doanh hợp pháp.Nếu không bảo vệ các giao dịch hợp pháp, nếu có thể thu hồi tài sản có nguồn gốc tội phạm mà không tính đến các giao dịch hợp pháp thì rủi ro có thể xảy ra với bất cứ ai, không thể dự đoán. Các doanh nghiệp, cá nhân không có cách nào để thẩm tra, xác định tiền, tài sản mà đối tác của mình dùng để thực hiện giao dịch có nguồn gốc tội phạm hay không. Người bán bán hàng không thể bắt khách hàng chứng minh tiền của mình là “sạch”, ngân hàng không thể bắt khách hàng chứng minh tiền trả nợ là không có nguồn gốc tội phạm …

Với đại án tại VNCB thì thế nào?

Trong đại án tại VNCB, đại gia một thời Phạm Công Danh  đóng vai trò chính. Vì tham vọng làm ông chủ nhà bank, Phạm Công Danh đã bước lầm chân để rồi phải trả giá lớn cho sai lầm của mình. Không có kinh nghiệm, kiến thức về tài chính ngân hàng nhưng vẫn lao vào lĩnh vực này như con thiêu thân, càng gỡ càng rối và cuối cùng là bước hết từ sai lầm này đến sai lầm khác để rồi phải đối diện với lao lý với sự công minh của pháp luật.

“Bản án sơ thẩm trước đó đã quyết định thu hồi hơn 5.800 tỷ đồng từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích để trả cho VNCB với lý do số tiền này có nguồn gốc từ hành vi cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay của Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB. Toàn bộ số tiền được trả cho các cá nhân đều xuất phát từ các giao dịch ngay tình, hợp pháp trước đó. Không chỉ thu hồi tiền từ những giao dịch ngay tình, Bản án sơ thẩm còn khôi phục một loạt các khoản vay đã được nhiều cá nhân trả nợ, thanh lý với VNCB (?), do nguồn tiền trả nợ xuất phát từ hành vi phạm tội của Phạm Công Danh. Xét trên góc độ pháp lý như tôi đã phân tích thì rõ ràng vụ án này cần phải xem xét kỹ, nhìn nhận từ nhiều phía để thiệt hại không bị đẩy cho người ngay tình, không có lỗi phải gánh chịu”- Luật sư Hoàng Đôn Hùng có quan điểm.

Theo hồ sơ vụ án, Phạm Công Danh đã rút ra hơn 18.000 tỷ đồng từ VNCB, toàn bộ số tiền này Phạm Công Danh sử dụng mua cổ phần cho mình, trả nợ, chi tiêu … Trong đó không xác định được địa chỉ đến 4.500 tỷ đồng. Trong số tiền xác định được địa chỉ thì có nhiều khoản cùng tính chất, cùng hành vi, cùng vụ án lại không bị thu hồi như khoản 2.600 tỷ Phạm Công Danh rút từ VNCB trả cho BIDV, 36 tỷ trả lãi cho Sacombank, …

Đây là vấn đề được các bên tranh luận rất căng thẳng trong phiên tòa sơ thẩm. Sau khi Tòa ra phán quyết, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích đã có đơn kháng cáo và kiến nghị gửi đến các cấp đề nghị xem xét. Các cá nhân này cho rằng VNCB có lỗi, có nhiều sai phạm khi để Phạm Công Danh rút tiền nhưng không phải chịu trách nhiệm, thiệt hại đã bị đẩy cho người ngay tình, không có lỗi phải gánh chịu.

Như Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến