Những con số chưa từng có trong lịch sử tố tụng
Tại phiên họp 22 Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 17/8 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, khi nói về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 đã nhấn mạnh, yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong đó “Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á”.
Phan Quốc Việt (ảnh lớn, trái) và một số bị can trong các vụ án liên quan Việt Á.
Đại án Việt Á khởi phát từ ngày 17/12/2021, khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố, bắt giam Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, cùng 4 cấp dưới; Giám đốc CDC Hải Dương và Kế toán trưởng đơn vị này.
Quá trình điều tra, cùng với vụ án đang thụ lý, C03 đã uỷ thác cho công an các tỉnh, thành phố mở các cuộc điều tra độc lập có tính chất tương tự xảy ra tại các địa phương.
Với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”, tới nay, sau 9 tháng điều tra, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 95 bị can tại 25 địa phương, đơn vị về các tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Tham ô tài sản”.
Ông Nguyễn Thanh Long, ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc bị khởi tố, bắt tạm giam vì có liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á
Trong đó đáng chú ý, có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cựu Bộ trưởng KHCN Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc, cũng như nhiều cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ Y tế, Bộ KHCN, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và hơn 70 người là giám đốc CDC, lãnh đạo, cán bộ y tế các tỉnh, thành và đơn vị trực thuộc. Quy mô, tính chất của vụ án Việt Á được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử tố tụng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về việc xử lý vụ Việt Á, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Văn Yên nêu rõ, vụ án này mang tính rất điển hình về tham nhũng tiêu cực có hệ thống, tổ chức. Trong đó điển hình về quy mô từ cơ quan bộ, ngành trung ương có liên quan đến địa phương và không dừng ở cấp tỉnh, thành mà cả ở cấp cơ sở.
“Đã có 25 vụ án liên quan sai phạm của Việt Á bị khởi tố và khởi tố 95 bị can, trong đó, 25 địa phương khởi tố, còn lại 38 địa phương chưa khởi tố. Trong 38 địa phương có 68 vụ việc liên quan đang được xem xét” – lãnh đạo Ban Nội chính T.Ư thông tin thêm. Điều này có nghĩa, số lượng các bị can liên quan đại án Việt Á có thể chưa dừng lại ở con số hiện tại.
800 tỷ “hoa hồng” đang ở đâu?
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, lại được sự “hậu thuẫn”, “giới thiệu” của liên bộ Y tế, KH-CN, từ 2/2020 tới tháng 12/2021, Công ty Việt Á đã cung cấp hàng triệu kit test cho các bộ, ngành T.Ư, các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và đối tác ở hơn 60 tỉnh, thành với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng.
Để có được các gói thầu mua sắm kit test, sinh phẩm, hóa chất phục vụ chống dịch tại các địa phương, Phan Quốc Việt thông đồng, móc nối và chi “hoa hồng”, “lại quả” cho nhiều cá nhân, đơn vị. Số tiền “lại quả” mà Việt khai với cơ quan công an là 800 tỷ đồng.
Giám đốc CDC Hải Dương (trái) nhận 30 tỷ đồng của Việt Á.
Tuy nhiên, dù đã khởi tố các vụ án tại 25 địa phương, song tới nay, ngoài Giám đốc CDC Hải Dương bị cáo buộc nhận hối lộ gần 30 tỷ đồng từ Công ty Việt Á thì các tỉnh, thành còn lại chỉ một vài nơi ghi nhận những khoản “hoa hồng” trên dưới một vài tỷ đồng và mới có 6 trong tổng số hơn 90 bị can bị khởi tố về hành vi “nhận hối lộ”.
Có địa phương như Đà Nẵng chi tới gần 300 tỷ đồng mua kit test Việt Á, đứng đầu 35 bộ, ngành được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, song Giám đốc CDC Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cùng hai thuộc cấp chỉ bị khởi tố về hành vi móc nối với Công ty Việt Á để tham ô số vật tư xét nghiệm Covid-19 đã mua, gây thiệt hại 4 tỷ đồng…
Rõ ràng, những địa chỉ mà khoản “hoa hồng” khổng lồ 800 tỷ đồng trong các hợp đồng mua sắm kit của Công ty Việt Á vẫn còn lẩn khuất trong ‘bóng tối’, rất cần cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Tại cuộc họp thông báo về kết quả phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hồi trung tuần tháng 8, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết vụ án này mang tính rất điển hình về tham nhũng tiêu cực có hệ thống, tổ chức. Trong đó điển hình về quy mô từ cơ quan bộ, ngành trung ương có liên quan đến địa phương và không dừng ở cấp tỉnh, thành mà cả ở cấp cơ sở.
Tiến trình điều tra đại án Việt Á dù đang diễn ra nhưng với diễn biến thể hiện trên bề mặt cho thấy những tính chất đặc biệt phức tạp. Trong khi cả nước gồng mình vật lộn chống chọi với đại dịch thế kỷ, cả nước chứng kiến những cụ già, em bé san sẻ từng đồng tiền tiết kiệm để chung tay mua vắc xin, thì đã có không ít những người có chức vụ quyền hạn “đút tay dưới gầm bàn” nhận số tiền lên tới hàng tỉ đồng. Nhiều trường hợp nhận “hoa hồng” bằng tiền mặt, nhận qua tài khoản của người thân (Phú Thọ), bớt xén, bán vật tư chống dịch để thu lợi ( CDC Đà Nẵng, CDC Nam Định…).
Khi tay đã nhũng chàm, không ít trường hợp trước khi bị bắt đã lên truyền thông hùng hồn tuyên bố “không nhận bất kỳ một đồng nào của Việt Á”, như trường hợp ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên- Huế; Đỗ Đức Lưu, Giám đốc CDC Nam Định…
Nhiều trường hợp khác sau khi nhận “hoa hồng” biết “không trôi” đã dùng mọi cách hòng thoát tội, trong đó, Giám đốc CDC Hậu Giang Nguyễn Văn Lành tuyên bố với báo chí sau khi nhận được túi quà 450 triệu đồng của Công ty Việt Á năm 2021 đã nộp lại cho cơ quan chức năng theo đúng quy định nộp lại quà tặng.
Tuy nhiên thống kê của Thanh tra Chính phủ - cơ quan có trách nhiệm thống kê về các trường hợp nộp lại quà tặng trong toàn quốc đã không nêu về trường hợp nào ở tỉnh Hậu Giang nộp lại quà tặng. Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố trên truyền thông, ông Nguyễn Văn Lành đã bị Công an tỉnh Hậu Giang khởi tố, bắt tạm giam.
Không bỏ lọt tội phạm
Từ những tính chất phức tạp nêu trên, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2022, cử tri cả đã bày tỏ mong muốn mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Công an cũng đã có Văn bản số 756/BCA-V01 trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Nghệ An, cho biết thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Công an chỉ đạo C03 phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức cá nhân nào. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ủy thác cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân tại các địa phương để củng cố, xác minh, điều tra, làm rõ đầy đủ các hành vi vi phạm, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, các đối tượng vi phạm có liên quan đến vụ án.
Đề cập đến vụ án Việt Á trong phiên thảo luận tại Quốc hội, chiều 2/9, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhấn mạnh, vụ án này không chỉ dừng lại ở nội dung làm thất thoát lãng phí kinh phí, tài sản công mà nó còn làm thất thoát lãng phí một loại tài sản khác có giá trị hơn và quan trọng hơn đó là lãng phí niềm tin của nhân dân. Một vấn đề được ông Tuấn đặt ra và đề nghị làm sáng tỏ, là Công ty Việt Á là ai? Tại sao họ lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn đến như vậy? |
Tác giả: Ngân Anh