Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Quốc hội)
Quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm còn 15 năm, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần… trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là những nội dung thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận hôm nay.
Giải pháp nào hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần?
Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đánh giá đây là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm.
Theo đại biểu, phương án 1 là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày Luật này có hiệu lực. Mặc dù, cho rằng đây là phương án tối ưu, song đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý, trong tháng Tư vừa qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần tăng tới 39% trong quý I năm 2024 được nhận định là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn thời gian tới, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng thêm. Vì thế, theo đại biểu Hoa Ry, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là chưa chính xác.
Đối với phương án 2, theo đại biểu cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Bởi việc rút bảo hiểm xã hội một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 3-6 tháng nhằm đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.
Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đại biểu Hoa Ry cho rằng quy định này là chưa rõ ràng và đề nghị đối với vấn đề này nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng. Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để người lao động đảm bảo chế độ hưu trí và chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.
Về thời gian thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu tỉnh Bạc Liêu bày tỏ thống nhất với những đại biểu đã cho ý kiến nên thông qua Luật này sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Quốc hội)
Để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau và một số đại biểu đề xuất cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động thật sự khó khăn và có xác nhận của doanh nghiệp với thủ tục nhanh, gọn, thuận lợi. Việc hỗ trợ cho vay cần dựa vào thời gian đóng bảo hiểm.
Đồng tình với ý kiến về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đại biểu Hoa Ry, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần và tạo được sự đồng thuận cao.
Theo đại biểu phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, do cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.
Đại biểu Khánh Thu cho rằng về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của bảo hiểm xã hội là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cả hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là phương án tối ưu, do đó, nếu chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tránh sự xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn, kể cả việc tham gia bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật này có hiệu lực.
Đại biểu quốc hội trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh: Quốc hội)
Cho phép người lao động hưởng lương hưu sớm?
Liên quan đến vấn đề tiền lương hưu do nghỉ hưu sớm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh chia sẻ, qua thực tế tìm hiểu nguyện vọng của người lao động và ý kiến của nhiều hiệp hội, ngành nghề trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu đề nghị nghiên cứu, kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội (2006), người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm được nghỉ hưu sớm. Theo đại biểu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động hưởng lương hưu sớm và thời gian nghỉ sớm tối đa là 5 năm so với tuổi nghỉ hưu.
Trong khi đó, đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang ý kiến về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật. Đại biểu khẳng định chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định tại Khoản 5, Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai.
Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống./.
Tác giả: Mai Mai
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Tìm kiếm nhanh việc làm bình dương tại VietNamWorks
- HR best practices : HR Strategies for SMEs
- Search for business process outsourcing ? Find out here
- Vietnam's best gateway for outsourced accounting services
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy