Dòng sự kiện:
Đại biểu Quốc hội: Giữ mặt bằng lãi suất ổn định là thành công
24/10/2018 16:11:52
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thời gian qua giữ được mặt bằng lãi suất ngân hàng ổn định là thành công. Cùng với đó thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 24/10 

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 23/10 và sáng nay 24/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ nhưng cũng góp ý thêm một số giải pháp, kiến nghị cần điều hành trong thời gian tới.

Đây cũng là kỳ họp đánh giá giữa nhiệm kỳ nên nhiều đại biểu cũng tập trung thảo luận khá rộng những kết quả kinh tế - xã hội. Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội, giai đoạn 2016 - 2018 kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực so với đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV. Thể hiện rõ là nền kinh tế có xu hướng đổi chiều từ tăng trưởng chậm dần sang cao dần. “Đây là thời cơ để tạo bước đột phá cao hơn trong nhiệm kỳ này", Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Phân tích thêm về xu hướng tăng trưởng kinh tế từ chậm sang tăng dần, đại biểu Lợi đưa ra dẫn chứng: Giai đoạn 2001 - 2005 tăng trưởng bình quân 7,33%; đến giai đoạn 2006 - 2010 lại xuống 6,32% và 2011 - 2016 giảm xuống 5,96% năm và có xu hướng là tăng chậm. Nhưng kinh tế tiếp tục đà giảm đến hết quý I năm 2017, từ quý II năm 2017 có xu hướng tăng cao dần và đổi chièu, đến năm nay dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%, đó là thành tựu.

Về lạm phát, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, chúng ta giữ được lạm phát dưới 4% là đáng ghi nhận. Giữ được mặt bằng lãi suất của ngân hàng ổn định là thành công. Cùng với thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý, không có điểm tăng trưởng nóng hay chậm. Nợ xấu có xu hướng xử lý giảm dần là cố gắng lớn trong điều hành của Chính phủ.

Cũng theo ông Lợi, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là thực hiện mục tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo được quan tâm. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng dưới 6%, chưa bao phủ hết các chỉ tiêu của đa chiều nhưng đáp ứng được cao hơn của chuẩn.

“Điểm sáng lớn nhất trong giảm nghèo là tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhưng nợ quá hạn chỉ 0,42% trên tổng dư nợ là đáng ghi nhận", ông Lợi nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thêm các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì nếu không tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư chuyển cơ cấu lao động thì năng suất luôn thấp. "Lao động  tập trung lớn ở khu vực nông nghiệp với 70% lao động phi chính thức. Cơ cấu kinh tế lại không đồng đều giữa cơ cấu lao động ở nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Điều này dẫn đến năng suất thấp, tác động tới đời sống, nhất là khu vực phi chính thức", đại biểu thuộc đoàn Thanh Hóa lo lắng.

Cũng đồng tình và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ nhưng đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng cần đánh giá đầy đủ về việc thành lập doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung. Theo đại biểu Sinh từ Quốc hội khóa XIII đến nay mỗi năm có khoảng 50 nghìn doanh nghiệp phá sản và đến nay vẫn còn tình trạng như vậy. Chúng ta đưa ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp nhưng vẫn trong tình trạng doanh nghiệp dừng hoạt động nhiều thì thật sự lo lắng.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, cần phải tiếp tục có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu Thắng, phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào các vùng này thì họ mới đồng hành cùng người dân, giúp bà con thoát nghèo. “Tôi thấy báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến giải pháp này", ông Thắng chia sẻ.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến