Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) Trần Phương Bình và 7 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cáo buộc cho rằng, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng DAB đã chỉ đạo việc thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, cho nhóm khách hàng M&C vay trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại số tiền hơn 5.518 tỷ đồng.
Ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo cán bộ DAB không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo, lập tờ trình đề nghị phê duyệt cho 5 công ty trong nhóm M&C vay 1.680 tỷ đồng, để ông Phùng Ngọc Khánh (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty M&C) sử dụng vốn vay sai mục đích.
Ngoài ra, ông Bình còn bảo lãnh thanh toán lỗ trái phiếu (mã MC_BOND2009) với Ngân hàng An Bình, đến thời hạn Công ty M&C không trả được nợ Ngân hàng An Bình nên DAB phải cho Công ty M&C vay 2 khoản, tổng số hơn 146 tỷ đồng để ông Khánh sử dụng trả gốc, lãi của lô trái phiếu trên.
Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình
Theo VKSND Tối cao, ông Bình phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền hơn 5.518 tỷ đồng do hành vi phạm tội của ông và đồng phạm gây ra.
Trong một diễn biến khác, ông Trần Phương Bình từng bị cáo buộc phạm tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan ngân hàng.
Cáo trạng xác định, ngày 29/12/2008 DAB Chi nhánh Hà Nội ký Hợp đồng vay luân chuyển cho Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng, tài sản đảm bảo thế chấp là 74 quyền sử dụng đất mang tên Công ty An Phát, trị giá 430 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, hợp đồng vàng này là khống, thực tế không có việc giải ngân vàng cho Công ty An Phát, các hồ sơ tài liệu, chứng từ được lập chỉ là để hợp thức hóa theo yêu cầu của ông Trần Phương Bình nhằm mục đích che giấu số vàng mà trước đó bị ông Bình làm thất thoát.
Theo lời khai của thủ quỹ DAB Chi nhánh Hà Nội, thực chất không có việc giải ngân, thu nợ, thu lãi vàng của Công ty An Phát. Toàn bộ hồ sơ, chứng từ, sổ quỹ, biên bản kiểm quỹ đều được lập khống theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Thị Kim Đường (cựu Giám đốc DAB Chi nhánh Hà Nội).
Bản án còn xác định, từ 2007- 2014, ông Bình và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó TGĐ DAB) cùng một số nhân viên ở Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Hà Nội có nhiều sai phạm khi xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty An Phát, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Tràng An, Công ty TNHH Star Hair.
Từ lỗ hổng này, ba doanh nghiệp trên được vay số tiền đặc biệt lớn và mất khả năng chi trả, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Hà Nội 184 tỷ đồng.
Trong một vụ án khác, từ năm 2007-2013, với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho DongABank hơn 8.827 tỷ đồng.
Trong đó, DongABank cho 4 nhóm khách hàng vay (Hiệp Phú Gia, Đồng Tiên, M&C, Tân Vạn Hưng) gây thiệt hại lần lượt là 3.139 tỷ, 393 tỷ và 3.949 tỷ.
Ngoài ra, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho các khoản vay, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt của DongABank hơn 75 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội của ông Trần Phương Bình và các bị can là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank tại thời điểm ngày 31/12/2015 bị lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ.
Bắt tay với Phan Văn Anh Vũ
Trong một cáo buộc khác liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, VKS cho rằng, những năm 2007-2014, để có tiền mua cổ phần DAB, ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập phiếu thu tiền khống để mua hơn 5 triệu cổ phần DAB.
Phan Văn Anh Vũ (trái) và ông Trần Phương Bình
Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á còn chỉ đạo nhân viên lập phiếu thu tiền khống cho người thân mua cổ phần của DAB. Để hợp thức hóa số tiền thu khống, ông Bình ra lệnh cấp dưới xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần. Tổng số tiền mà Trần Phương Bình gây thiệt hại cho DAB lên tới 3.608 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, do làm ăn thua lỗ nên thâm hụt tiền, vàng trong kho quỹ của DAB quá lớn. Lúc này, ông Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Do quen biết với Phan Anh Vũ từ trước nên ông Bình kêu gọi Vũ mua cổ phần của DAB. Năm 2014, DAB tăng vốn điều lệ như dự kiến, Vũ mua 60 triệu cổ phần với giá 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Theo đó, Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của DAB. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, ông Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ và Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ đồng vào DAB. Như vậy, Vũ có được 200 tỷ đồng nhằm mua cổ phần của ngân hàng này.
Tháng 8/2015, khi biết DAB sẽ bị kiểm soát đặc biệt, hơn 13,6 triệu cổ phần DAB đứng tên Công ty vốn An Bình sẽ bị cấm chuyển nhượng nên ông Bình đã quyết định bán hơn 13,6 triệu cổ phần DAB cho Vũ với giá 136,5 tỷ đồng. Hai bên thống nhất, khi nào có tiền thì Vũ trả. Vũ đã trả cho Công ty vốn An Bình 46 tỷ đồng, còn nợ 90,5 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Phan Văn Anh Vũ được xác định là đồng phạm với ông Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 203 tỷ đồng.
Tác giả: T.Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy