Dòng sự kiện:
‘Đại gia’ Dương Công Minh muốn gì khi thâu tóm Chứng khoán Liên Việt?
20/07/2016 14:51:14
ANTT.VN – Chứng khoán Liên Việt chỉ là một “mắt xích” trong ma trận dòng tiền của các công ty liên quan tới vị “đại gia” Bắc Ninh…

Tin liên quan

Ông Dương Công Minh nắm chức Chủ tịch HĐQT LVS thay ông Huỳnh Ngọc Huy từ tháng 6/2013.

Năm 2009, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam Dương Công Minh, thông qua 2 pháp nhân là Ngân hàng Liên Việt (LPB) và CTCP Him Lam, thâu tóm 55% cổ phần của CTCP Chứng khoán Viettranimex, sau đó đổi tên thành CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS), tỉ lệ chi phối này tăng lên nhanh chóng và chạm đỉnh 90% tính đến ngày 31/12/2015.

Hoạt động không mấy nổi bật trong năm đầu tiên (2009), tuy nhiên LVS suốt 3 năm sau đó (2010-2012) có hàng loạt những thương vụ đầu tư mua bán cổ phiếu Ngân hàng Liên Việt (LPB) với các công ty liên quan với gia tộc họ Dương.

Từ đây hé lộ những mục đích thực sự của vị chủ tịch gốc Bắc Ninh khi thâu tóm LVS năm 2009.

“Lách luật” cho vay công ty liên quan

Năm 2010, LVS phát hành 725 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng Liên Việt.

Năm 2012, LVS đầu tư dài hạn (bản chất là cho vay) vào Cty TNHH BĐS Việt Phú An và Cty TNHH H.T.H với tổng số tiền 310,4 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là số cổ phần phổ thông của LPB mà 2 công ty trên đang nắm giữ.

LPB, thông qua LVS cho 2 công ty liên quan tới CTCP Him Lam vay tiền. Nguồn: BCTC kiểm toán LVS 2012

Như vậy, có thể thấy rõ là LPB đã sử dụng LVS như một tổ chức trung gian để cho các công ty Việt Phú An và H.T.H vay tiền, với tài sản thế chấp chính là cổ phiếu của LPB.

Tại sao LPB lại phải cần tới LVS để làm điều này? Câu trả lời là bởi pháp luật không cho phép LPB trực tiếp làm như vậy.

Cụ thể, Khoản 5, Điều 126 Luật các TCTD 2010 quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, cả 2 công ty trên đều là những mắt xích trong “ma trận” dòng tiền Him Lam – Liên Việt, sẽ được ANTT.VN phân tích sau.

Công ty TNHH BĐS Việt Phú An được thành lập năm 2007 tại TP. HCM với vốn điều lệ 650 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Dương Công Thuyền cũng chính là Phó TGĐ CTCP Him Lam.

Trong khi đó, Công ty TNHH H.T.H được thành lập từ năm 2003, do ông Nguyễn Văn Huynh làm TGĐ kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Ông Huynh cũng đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT LPB từ tháng 7/2011. Năm 2013, H.T.H “ồ ạt” mua 32 triệu cổ phiếu LPB để nắm giữ 4,954% cổ phần nhà băng này.

Bản thân ông Huynh hiện sở hữu 0,7% cổ phần tại đây. Vợ ông, bà Võ Thị Kim Hoàng cũng đang sở hữu 0,25% cổ phần LPB.

Một điểm nữa cần lưu ý là việc LPB cho LVS vay 725 tỷ đồng năm 2010 có dấu hiệu phạm luật.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 79 Luật các TCTD năm 1997 quy định: Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác.

Vốn điều lệ của LPB cuối năm 2010 ở mức 3.650 tỷ đồng, có nghĩa rằng LPB đã cho LVS vay tới gần 20% vốn tự có của mình.

Tăng vốn cho LPB

Ngay sau khi được LPB 'bơm tiền', LVS dồn phần lớn đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của chính LPB. Nguồn: BCTC kiểm toán 2010 LVS

Sang năm hoạt động thứ hai (2010), danh mục Nợ phải trả của LVS tăng mạnh, từ 1,6 tỷ đồng lên 715,1 tỷ đồng, chủ yếu bởi khoản vay Ngân hàng Liên Việt thông qua phát hành 725 tỷ đồng giá trị trái phiếu (kể trên – đã tất toán 105 tỷ trong năm).

Phần lớn khoản vay này được giải thích là tài trợ cho việc Repo cổ phiếu thị trường, trong đó có cổ phiếu của Ngân hàng Liên Việt (LPB).

Tuy nhiên Báo cáo Tài chính đã kiểm toán năm 2010 của LVS cho thấy không chỉ dùng để Repo cổ phiếu LPB (116,4 tỷ đồng), LVS còn dùng số tiền trên để quay trở lại mua chính trái phiếu của LPB (gần 540 tỷ đồng) trong tổng số 2.000 tỷ đồng trái phiếu LPB phát hành vào ngày 01/04/2010.

Như vậy câu hỏi đặt ra là tại sao LVS lại vay tiền của LPB để đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của LPB. Dõi theo các sự kiện tài chính của LVS và LPB, câu trả lời chỉ có thể là LPB đã thông qua LVS để phục vụ mục đích tăng vốn của mình.

Ngày 08/03/2011, ĐHĐCĐ thường niên của LPB ra Nghị quyết về việc Thông qua chuyển đổi trái phiếu đã phát hành ngày 01/04/2010 thành cổ phiếu phổ thông, góp phần lớn giúp vốn điều lệ của ngân hàng này tăng từ 3.650 tỷ năm 2010 lên 6.010 tỷ cuối năm 2011.

Việc tăng mạnh vốn bằng cách chuyển đổi trái phiếu nợ thành cổ phiếu, rồi thông qua những “mắt xích” như Chứng khoán Liên Việt để cho vay các công ty liên quan với tài sản thế chấp chính là cổ phiếu LPB dấy lên câu hỏi về tính an toàn của những khoản vay trên.

Và pha “knock - out” của Bộ Tài chính

Thống kê một số chỉ tiêu tài chính trong 7 năm hoạt động của LVS cho thấy hoạt động của công ty này "nhộn nhịp" nhất trước khi Thông tư 210 của BTC có hiệu lực.

Đang sử dụng rất hiệu quả LVS để phục vụ cho những mục đích của mình, LPB bỗng dính một đòn đau khi Bộ Tài chính ngày 30/11/2012 ban hành Thông tư số 210/2012/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 15/1/2013 về việc Hướng dẫn thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như:

Khoản 1 Điều 42: Tổng nợ không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán.

Khoản 1 Điều 43: Công ty chứng khoán không được cho vay tiền và chứng khoán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp công ty chứng khoán cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán theo quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán của Bộ Tài chính.

Khoản 3, Điều 44: Công ty chứng khoán không được sử dụng quá 70% vốn chủ sở hữu để đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc góp vốn sở hữu tổ chức khác, trong đó không được sử dụng quá 20% vốn chủ sở hữu để đầu tư vào các công ty chưa niêm yết.

Tất cả các quy định trên đã khiến những toan tính của vị đại gia họ Dương khi thâu tóm LVS ‘xuống sông xuống bể’.

Các số liệu tài chính trong năm 2013 của LVS biến động mạnh. Danh mục Nợ phải trả trong BCTC kiểm toán 2013 của LVS lao dốc từ 582,5 tỷ đồng xuống 12 tỷ đồng. Nợ dài hạn giảm từ 570,5 tỷ xuống 41 triệu đồng. Tài sản dài hạn giảm từ 323,2 tỷ xuống 6,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu bởi khoản mục đầu tư tài chính dài hạn từ mức 310,4 tỷ đồng năm 2012 được điều chỉnh về 0.

Tài sản ngắn hạn cũng giảm mạnh, từ 358,4 tỷ đồng xuống còn 108,1 tỷ đồng, phần lớn bởi khoản đầu tư 243,1 tỷ đồng dưới hình thức hợp tác kinh doanh vào cổ phiếu LPB bị thoái toàn bộ.

Chiến lược của những người điều hành LVS khiến tình hình kinh doanh của công ty chứng khoán này xấu đi trông thấy, nhất là trong giai đoạn 2011-2012, buộc phải rút tư cách thành viên khỏi 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX. Lỗ lũy kế tính tới thời điểm 31/12/2015 ở mức 17,8 tỷ đồng.

Nghi Điền

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến