Đại gia kính xin giải thể do thua lỗ
31/10/2016 16:47:16
Từng là thương hiệu có tiếng trên thị trường giai đoạn trước năm 2010, nhưng Công ty Sản xuất - Thương mại – Dịch vụ Phú Phong, sở hữu thương hiệu kính Phú Phong vừa tiến hành xin giải thể.

Tin liên quan

Ngày 28/10, Công ty Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Phú Phong (Mã CK: PPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường và thông qua phương án giải thể công ty, hoàn trả tiền cho các cổ đông.

Hội đồng quản trị Phú Phong cho biết, sự chuyển biến của thị trường dự án bất động sản từ cao cấp chuyển sang nhà ở xã hội, dẫn đến vật liệu xây dựng được sử dụng với chất lượng thấp, giá cả bình quân cách biệt so với công nghệ của công ty đang áp dụng. Trong khi cạnh tranh giá cả ngày càng khốc liệt, đặc biệt là sản phẩm Trung Quốc đã khiến hoạt động của công ty đi vào bế tắc.

Tiêu thụ sản phẩm khó khăn, nhà máy không hoạt động hết công suất trong khi chi phí hoạt động, đặc biệt là lãi vay phải trả duy trì ở mức cao, chủ yếu do phát sinh trong giai đoạn Phú Phong đẩy mạnh đầu tư khiến công ty chịu lỗ liên tục nhiều năm liền bắt đầu từ 2012. Riêng 8 tháng đầu năm, Phú Phong mặc dù đạt gần 105 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận gộp chỉ hơn 1,4 tỷ đồng, khiến công ty tiếp tục ghi nhận kết quả lỗ gần 40 tỷ. Con số lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 8 hơn 116 tỷ đồng.

Công ty cũng cho biết, giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu tính đến 31/8 của Phú Phong là âm 3.540 đồng, đồng nghĩa với việc cổ đông đã mất hoàn toàn vốn đầu tư. Tuy nhiên, trên cơ sở thanh lý tài sản, mức thấp nhất mà công ty có thể hoàn trả cho các cổ đông là 2.400 đồng mỗi cổ phiếu. Đợt thanh toán tạm ứng lần một dự kiến cuối tháng 2/2017.

Kính Phú Phong từng là thương hiệu dẫn đầu trong thị trường miền Nam.

Phú Phong, tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phú Phong được thành lập ngày 14/12/1992, chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công xuất khẩu kính, gương,… và kinh doanh bất động sản. Thương hiệu kính Phú Phong nổi lên trên thị trường trong giai đoạn 2003-2006, cạnh tranh trực tiếp với nhiều thương hiệu lớn. Các sản phẩm của công ty cũng được sử dụng cho công trình lớn như: Nhà điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, sân vận động Mỹ Đình, nhà thi đấu Phú Thọ - TP HCM hay khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Theo số liệu của Hiệp hội kính xây dựng Việt Nam vào năm 2006, thị phần của Phú Phong đối với sản phẩm kính Ins đạt 80%, kính Lam đạt 70% và kính Tem đạt 50% đối với thị trường miền Nam.

Sự tăng trưởng của Phú Phong đạt đỉnh vào năm 2008 với gần 410 tỷ đồng doanh thu và 15,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, sau đó hoạt động kinh doanh của công ty đi vào giai đoạn thoái trào. Đồng thời, chỉ tiêu nợ phải trả đã bắt đầu gia tăng nhanh hơn vốn chủ sở hữu.

Đến năm 2011, mặc dù doanh thu thuần của Phú Phong vẫn duy trì ở mức hơn 346 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn hơn 300 triệu. Đây cũng là năm cuối cùng Phú Phong đạt được kết quả kinh doanh có lãi. Sau đó, công ty bắt đầu chìm trong thua lỗ.

Mở đầu là năm 2012 với khoản lỗ gần 14 tỷ đồng, mặc dù doanh thu vẫn gần 300 tỷ. Trong văn bản giải trình gửi HNX và các cổ đông khi đó, công ty cho biết việc đầu tư vào các công ty liên kết không đạt hiệu quả dẫn tới phải thoái vốn, trong khi công ty con mới hoạt động khiến kết quả kinh doanh không đủ để bù đắp chi phí phát sinh. Phú Phong cũng dự kiến sẽ có lãi trở lại vào năm 2015 và đạt hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2017.

Tuy nhiên, đà thua lỗ sau năm 2012 không giảm như dự tính của Hội đồng quản trị mà tiếp tục tăng lên 25,3 tỷ đồng vào năm 2013 và giữ ở mức lỗ xấp xỉ 20 tỷ cho đến năm 2015. Cũng vào năm 2015, Phú Phong đã phải giải thể công ty con Kính Phú Phong, đơn vị được kỳ vọng sẽ vực lại hoạt động của toàn công ty do không thể tìm được đối tác tái cơ cấu.

Đưa ra nhiều phương án với nỗ lực giữ lại thương hiệu kính Phú Phong, kể cả phương án chuyển nhượng công ty, cuối cùng các cổ đông của Phú Phong đã phải thông qua phương án giải thể.

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến