Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HoSE: PSH) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2022.
Theo đó, so với báo cáo hợp nhất tự lập trước đó, doanh thu năm 2022 của Dầu khí Nam Sông Hậu không thay đổi, vẫn duy trì ở mức 7.392 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021 và chỉ thực hiện được hơn 50% kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, công ty lại lỗ thêm 37 tỷ đồng so với mức lỗ gần 200 tỷ đồng tại báo cáo tự lập. Với khoản lỗ sau thuế 236 tỷ đồng cả năm 2022 (cùng kỳ lãi gần 320 tỷ đồng), kết quả này vừa kém xa mục tiêu lãi 384 tỷ đồng, vừa ngắt chuỗi lãi liên tục 5 năm từ 2017-2021 của đại gia xăng dầu miền Tây này.
Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh Ban Tổng Giám đốc Dầu khí Nam Sông Hậu đã quyết định điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính năm 2021, dẫn đến thay đổi một số số liệu so sánh của báo cáo tài chính năm 2022 do Ban Tổng Giám đốc thực hiện tính toán lại thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm 2019, 2020, 2021.
Việc Dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận lỗ tăng sau kiểm toán đến từ việc công ty không chịu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành 237 triệu đồng - ghi nhận tại báo cáo kiểm toán, trong khi báo cáo tự lập được miễn trừ gần 37 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Dầu khí Nam Sông Hậu ở mức 10.083 tỷ đồng, trong đó 47% là hàng tồn kho với 4.800 tỷ đồng; nợ phải trả tăng lên mức 8.539 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính gần 4.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm về mức 1.544 tỷ đồng - thấp hơn gần 1.000 tỷ so với vay nợ ngắn hạn và bằng 18,2% tổng nợ phải trả.
Dầu khí Nam Sông Hậu hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc – hóa dầu, khí hóa lỏng. Doanh nghiệp này niêm yết trên sàn Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE) từ năm 2020 và là một trong những doanh nghiệp xăng đầu mối với 67 cửa hàng và 550 đại lý ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại ngày 31/12/2022, Nam Sông Hậu có 27 chi nhánh hạch toán phụ thuộc, 7 công ty con (5 công ty con 100% vốn) và 3 công ty liên doanh liên kết.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp, thời gian qua một nhóm doanh nghiệp chủ của 9.000 cây xăng trên cả nước đã báo cáo số lỗ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ước tính, số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ thời cao điểm nhất là 900 tỷ đồng/tháng, lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay thua lỗ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bán lẻ đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh.
Đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị Nghị định mới cần quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử…
Tại tọa đàm về xăng dầu mới đây, chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, cắt chiết khấu đã tạo nên sự thua lỗ của các doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu. Ông cho rằng sửa hay không sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 thì cũng phải xử lý được bất cập này.
Với mức chiết khấu trong khâu bán lẻ, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, vừa qua mức này thấp không đủ chi phí vận hành, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Khi góp ý sửa Nghị định 95, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu đưa mức chiết khấu tối thiểu cố định vào giá cơ sở, để đảm bảo nguyên tắc thị trường và ràng buộc trách nhiệm giữa đầu mối - bán lẻ, tránh đứt gãy nguồn cung.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy