Đại gia xây dự án 3.000 tỷ bê bết tại Thanh Hóa từ bỏ Vinaconex 3
18/12/2015 17:00:55
ANTT.VN – Sau khi được HĐQT Vinaconex 3 thông qua việc Bất động sản An Phát nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 51% thì đại gia Thanh Hóa lại bất ngờ thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex 3 sau hơn 4 tháng nắm giữ.

Tin liên quan

Theo thông báo của CTCP Xây dựng số 3 (VC3 – Vinaconex 3) gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát đã bán thành công toàn bộ 4.800.000 cổ phần VC3 – tương ứng 24% vốn điều lệ.

Việc bán cổ phần hoàn tất ngày 8/12/2015, đánh dấu việc biến mất của cổ đông lớn Bất động sản An Phát chỉ sau hơn 4 tháng nắm giữ.

Với mức giá đóng cửa ngày 08/12 của cổ phiếu VC3 ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu, bất động sản An Phát đã thu về gần 90 tỷ đồng cho thương vụ tất tay trên.

Kể từ đó, cổ phiếu VC3 liên tục tăng giá, chốt phiên chiều 18/12 đóng cửa ở mức 22.800 đồng/cổ phiếu.

Biến động giá cổ phiếu VC3 thời gian Bất động sản An Phát nắm giữ

Quyết định này khá bất ngờ khi mới ngày 04/09 vừa qua, VC3 đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường thông qua đề xuất cho Bất động sản An Phát nâng tỷ lệ sở hữu từ 45% lên 51%.

Được biết, ngày 24/7/2015, hơn 4 triệu cổ phiếu VC3 (thời điểm chưa tăng vốn) – tương ứng 51% vốn điều lệ công ty đã được Vinaconex chuyển nhượng cho 2 cá nhân là ông Nguyễn Hùng Phương và ông Nguyễn Hoài Anh cùng CTCP Thương mại đầu tư bất động sản An Phát cũng mua tới 1,92 triệu cổ phiếu VC3 – tương ứng 24,2% vốn VC3.  

An Phát mới tham gia vào thị trường bất động sản từ năm 2012 và là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn ở Thanh Hóa.

Tháng 3/2015, An Phát thực hiện tăng vốn lên 500 tỷ đồng với mục đích đầu tư các dự án khủng tại Thanh Hóa như Dự án khu Khu thương mại dịch vụ và dân cư B thuộc KĐT mới Đông Hương (512 tỷ đồng), KĐT phía Đông đại lộ Bắc Nam thành phố Thanh Hóa (2.980 tỷ đồng) , TTTM Khách sạn Great Dragon Hotel (gần 340 tỷ đồng).

Đặc biệt, An Phát cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao thực hiện dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn từ năm 2010 nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bức xúc quanh vấn đề giải tỏa mặt bằng.

Ngoài ra, dự án Khu đô thị phía Đông Đại lộ Bắc Nam (Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) do Công ty TNHH điện tử tin học viễn thông EITC làm chủ đầu tư và Bất động sản An Phát liên kết thực hiện từ năm 2010.

Khu vực xây dựng dự án Khu đô thị phía Đông Đại lộ Bắc Nam - TP Thanh Hóa được phê duyệt từ 2010 vẫn là bãi đất hoang 

Theo đó, dự án này có quy mô lên đến 57,95ha thuộc địa bàn các phường Đông Thọ, Hàm Rồng, Nam Ngạn, với tổng mức đầu tư lên đến 2.980.570.000.000 đồng nhưng khi được hỏi thì hầu hết người dân tại địa bàn dự án cho hay không biết có khu đô thị nào có tên như vậy tồn tại ở khu vực này cả.

Đại diện UBND phường Nam Ngạn – TP Thanh Hóa, nơi dự án lấy mặt bằng cho biết, dự án này được triển khai từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa đền bù cho các hộ dân thuộc diện bị giải tỏa. Theo đó, gần nửa thập kỷ trôi qua, thay vào những blog chung cư, những căn hộ liền kề… là các đám ruộng hoang với cỏ mọc lút đầu trên công trình trọng điểm của EITC đã từng công bố.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến