Dòng sự kiện:
Đại hội Đảng XII: Nhìn lại 3 thập kỷ Đổi Mới
19/01/2016 02:49:00
ANTT.VN – Sáng nay 18/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đã diễn ra buổi họp báo thông tin chính thức về Đại hội Đảng lần thứ XII, đồng thời khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội.

 

 

Tin liên quan

Như vậy là chỉ còn 2 ngày nữa, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ khai mạc. Nhân dịp này, ANTT.VN đã có buổi phỏng vấn Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm báo chí Đại hội.

1510 ĐẢNG VIÊN THAM DỰ ĐẠI HỘI

Xin ông cho biết công tác chuẩn bị Đại hội đã triển khai đến đâu?

Công tác chuẩn bị Đại hội đến nay cơ bản đã hoàn tất. Ngay từ tháng 4 đến tháng 11/2015, các Đảng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh trong cả nước đã tiến hành đại hội đảng bộ theo đúng kế hoạch, sớm hơn gần 2 tháng so với nhiệm kỳ trước, đạt kết quả tốt đẹp, tạo tiền đề quan trọng cho thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần này.

Quá trình soạn thảo các dự thảo văn kiện thể hiện tinh thần đổi mới, bảo đảm sự gắn kết giữa tính khoa học và tính thực tiễn; phát huy tinh thần dân chủ, thực sự cầu thị, lắng nghe các ý kiến khác nhau trong nghiên cứu, thảo luận, trên tinh thần xây dựng; có cơ chế phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ Đảng viên và nhân dân góp ý xây dựng dự thảo các văn kiện.

Công tác nhân sự được tiến hành theo đúng nguyên tắc, quy trình, phát huy dân chủ, trí tuệ, công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu người có đức có tài, phấn đấu tăng tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ, tỷ lệ cán bộ người dân tộc, tỷ lệ cán bộ khoa học trong BCH T.Ư khoá XII, bảo đảm tính kế thừa giữa các độ tuổi…

Riêng về công tác tổ chức phục vụ Đại hội được triển khai khá sớm, trong đó có việc thành lập Tiểu ban tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng từ cuối năm 2013. Trong hơn một năm qua, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XII đã chủ trì, phối hợp cùng các ban, ngành và chính quyền Hà Nội thực hiện công tác tổ chức phục vụ Đại hội. Đến thời điểm này, mọi công tác tổ chức phục vụ cho Đại hội đã hoàn tất từ khâu chuẩn bị khánh tiết, chương trình văn nghệ chào mừng tại Hội trường Đại hội, Trung tâm Báo chí Đại hội, công tác bảo đảm thông tin liên lạc, công tác bảo đảm an ninh, giao thông, an toàn cháy nổ, công tác y tế đến các khâu như đưa đón đại biểu, khách mời quốc tế… và các công việc cần thiết khác nhằm bảo đảm Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp.

Có bao nhiêu đại biểu tham dự và nội dung chính của Đại hội lần này là gì, thưa ông?

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20/1/2016 đến ngày 28/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội, trong đó phiên trù bị tổ chức vào ngày 20/1/2016, khai mạc chính thức vào ngày 21/1/2016.

Số đại biểu về dự Đại hội là 1510 người đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên, trong đó có 197 đại biểu đương nhiên (173 ủy viên Trung ương chính thức và 24 ủy viên dự khuyết), 194 đại biểu nữ, 174 người là đại biểu dân tộc thiểu số, 214 vị có học vấn tiến sĩ. 

Về nội dung chính của Đại hội XII: Tiêu đề Báo cáo chính trị Đại hội XII là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đại hội Đảng lần này sẽ tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây:

Về “sự lãnh đạo của Đảng”, nội dung là “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”;

Về “dân tộc, dân chủ”, nội dung là “phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa”;

Về “đổi mới”, nội dung là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”;

Về “bảo vệ Tổ quốc”, nội dung là “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”;

Về “mục tiêu xây dựng đất nước”, nội dung là “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

HƠN 700 PHÓNG VIÊN BÁO CHÍ ĐƯA TIN VỀ ĐẠI HỘI

Được biết, Đại hội Đảng XII sẽ tổng kết 30 năm đổi mới (tính từ Đại hội Đảng lần thứ VI – “Đại hội của sự Đổi Mới”) và được kỳ vọng sẽ mở ra bước phát triển mới của đất nước, do đó được tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. Công tác thông tin tuyên truyền vì thế càng hết sức quan trọng. Xin hỏi ông: Trung tâm báo chí Đại hội đã chuẩn bị công tác này như thế nào? Đến nay đã có bao nhiêu phóng viên báo đài trong nước và quốc tế đăng ký đưa tin về sự kiện này?

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội các cấp và Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, công tác tuyên truyền luôn được coi trọng.

Hiện nay, sau đợt tập trung tuyên truyền, phản ánh ý kiến đóng góp của nhân dân xây dựng văn kiện đại hội các cấp và văn kiện Đại hội XII, công tác thông tin tuyên truyền chuẩn bị bước vào đợt cao điểm thứ 2, tập trung vào nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền theo 7 nội dung trọng tâm trong thời gian Đại hội gồm: tầm vóc, ý nghĩa Đại hội XII của Đảng; trách nhiệm của các đại biểu dự Đại hội; các hoạt động của Đại hội; các văn kiện trình tại Đại hội; các tham luận, các quyết định của Đại hội; quy chế bầu cử trong Đảng; kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Để hỗ trợ các cơ quan báo chí hoàn thành nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong thời gian diễn ra Đại hội, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng đã thành lập Trung tâm báo chí Đại hội XII có nhiệm vụ điều hành, quản lý, cung cấp thông tin cho báo chí về Đại hội. Trung tâm báo chí Đại hội XII bố trí tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).

Sáng nay, ngày 18/1/2016, Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội XII đã khai trương. Dự kiến sẽ có trên 700 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên thuộc cơ quan báo chí lớn trong và ngoài nước đăng ký hoạt động tại Trung tâm báo chí, trong đó có 118 phóng viên của hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài.

Thông qua những câu hỏi được gửi tới Trung tâm báo chí Đại hội, ông thấy những vấn đề gì được báo chí quan tâm nhiều nhất?

Trong buổi họp báo sáng nay tại Trung tâm báo chí Đại hội XII, có 7 câu hỏi của các nhà báo trong nước và quốc tế được gửi tới các đồng chí chủ trì buổi họp.

Nội dung tập trung vào 2 vấn đề chính: một là, những nét mới trong nội dung văn kiện Đại hội, trong đó việc tiếp thu các ý kiến của nhân dân góp ý vào văn kiện Đại hội; hai là, công tác nhân sự tại Đại hội, bao gồm vấn đề liên quan đến qui chế bầu cử, số Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

VIỆT NAM SẴN SÀNG LÀM BẠN VÀ ĐỐI TÁC TIN CẬY CỦA CÁC NƯỚC

Trong số các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế sẽ đưa tin về Đại hội lần này, có cả những cơ quan thông tấn báo chí của những quốc gia có sự khác biệt với Việt Nam về thể chế chính trị. Xin ông cho biết: thông qua Đại hội Đảng XII, Đảng cộng sản Việt Nam muốn truyền tải thông điệp gì đến thế giới trong bối cảnh hiện nay?

Như đã nói, đến đưa tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng lần này có trên 100 nhà báo nước ngoài trong đó có phóng viên của nhiều cơ quan báo chí, hãng thông tấn lớn của thế giới  như  Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), BBC tiếng Việt, BBC News, Daily Telegraph, Al Jazeera, Francophonie, Talk Media, The Nation...

Đây cũng là lần đầu tiên có sự tham dự của các báo cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ như Bolsa TV, Viet Weekly...

Ở đây có thể thấy rõ, ngay cả những hãng thông tấn thời gian qua có những tin, bài không mấy thiện chí đối với Việt Nam đã được phía Việt Nam tạo điều kiện tham dự để đưa tin về Đại hội, về đất nước và con người Việt Nam. 

Điều này một mặt thể hiện Đại hội Đảng đang rất được cộng đồng người Việt tại nước ngoài quan tâm; một mặt cũng khẳng định, không chỉ với báo chí trong nước, Việt Nam luôn công khai, minh bạch, thiện chí, mở rộng cánh cửa với báo chí quốc tế và mong các nhà báo sẽ thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, có trách nhiệm cao về Đại hội.

Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

KIÊN TRÌ ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI THÔNG TIN XẤU, ĐỘC PHÁ HOẠI ĐẠI HỘI

Hiện nay càng sát ngày diễn ra Đại hội, các thông tin xấu độc, xuyên tạc, bôi xấu cá nhân, tập thể lãnh đạo Đảng càng nhiều, đặc biệt lan tràn trên internet. Là người phụ trách công tác tuyên giáo của cả nước, theo ông, báo chí cần phát huy vai trò như thế nào để chống lại những thông tin xấu độc này, tiến tới làm lành mạnh hóa niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng?

Thông thường trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, trên các mạng xã hội, blog cá nhân lan truyền rất nhiều thông tin sai trái, xấu độc xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc nội bộ, bôi nhọ lãnh đạo, phủ nhận con đường đi lên của đất nước.  Đại hội lần này cũng không ngoại lệ. Trong thời gian qua, đặc biệt trong những ngày sát Đại hội, trên mạng xuất hiện nhiều thông tin cho rằng, trong lãnh đạo cấp cao của chúng ta có sự mất đoàn kết, tranh giành quyền lực. Tuy nhiên, qua công tác nắm bắt dư luận, qua quá trình chuẩn bị nhân sự và đặc biệt qua Hội nghị Trung ương 14, chúng tôi khẳng định những thông tin đó chỉ là xuyên tạc, bịa đặt.

Song, ở một chừng mực nào đó, một số thông tin sai trái, bịa đặt cũng có thể gây băn khoăn, lo lắng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân. Vì thế, với vai trò là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân, các cơ quan báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phản bác, đấu tranh đẩy lùi những thông tin sai trái, độc hại, quyết tâm không để những thông tin đó ảnh hưởng đến Đại hội Đảng.

Xin ông cho biết, các hành vi xuyên tạc, bôi xấu lãnh đạo trên mạng internet sẽ bị xử lý như thế nào? Người dân cần làm gì để tránh được tác hại của những thông tin không lành mạnh này?

Không chỉ từ nay cho đến Đại hội Đảng toàn quốc mà trong kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới, chúng tôi dự báo tiếp tục sẽ có những trang thông tin xấu độc như vậy nữa. Tuy nhiên, có một thực tế, hầu hết những trang xấu độc là những trang được thiết lập từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, bên cạnh các biện pháp của các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ để tìm ra các đối tượng và xử lý kiên quyết nhằm vừa bảo đảm vừa tự do internet, nhưng vừa tuân thủ đúng pháp luật của Việt Nam, công tác tuyên truyền cần được đặt biệt coi trọng. Báo chí phải đi đầu trong thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, đồng thời tích cực đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản bác những luận điệu sai trái; tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến (thực hiện)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến