Dòng sự kiện:
'Đại hồng thủy' tái diễn, hơn 900 hộ dân vùng rốn lũ xứ Thanh phải tháo chạy
23/07/2018 06:36:36
Năm 2017, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất vì bão lũ. Năm nay, lũ đến sớm hơn dự kiến đã khiến hàng trăm hộ dân phải tháo chạy vì nước lũ dâng cao.

Ghi nhận của PV vào ngày 22/7, thời tiết tại các huyện ở Thanh Hóa đa phần đã hửng nắng và khô ráo, riêng huyện Thạch Thành, nước lũ vẫn dâng cao do nước từ thượng nguồn đổ về.

Theo số liệu báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thành, lượng mưa đo được tại Trạm thuỷ văn Kim Tân từ 7h ngày 21/7 là 95,2mm.

Người dân dùng thuyền để di chuyển

Đến 15h ngày 22/7, mực nước sông Bưởi tại Kim Tân là 11.87m dưới báo động III là 13cm; hiện tại nước sông Bưởi vẫn tiếp tục lên mỗi giờ 4 - 5cm. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có 4 hồ nước lớn đã tràn, cột nước tràn từ 5 - 38cm (Bỉnh Công, Vũng Sú, Hàm Rồng, Đồng Phú); các hồ còn lại cách ngưỡng tràn từ 0,5 - 5,1m.

Nước ngập đến ngang ngực của người đàn ông

Cũng theo báo cáo của lực lượng chức năng huyện Thạch Thành, tính đến 15h ngày 22/7, toàn huyện có 13 xã bị ngập, trong đó có 50 thôn với 702 ngôi nhà bị ngập. Đặc biệt, 912 hộ phải sơ tán khẩn cấp.

Ở những nơi nước ngập thấp hơn, người dân sẵn sàng thuyền bè để dễ dàng di chuyển

Cụ thể, các xã ngập lụt chủ yếu là các nơi ở vùng thấp trũng như xã Thành Trực, Thành Kim, Thành Mỹ, Thành Vinh, Thạch Lâm…. Tuyến đường tỉnh lộ 523 đoạn chạy qua địa bàn xã Thành Trực, tuyến 217B qua xã Thành Mỹ nhiều nơi bị ngập sâu khiến giao thông ách tắc.

Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn nơi vùng rốn lũ

Nhiều người tỏ ra mệt mỏi khi liên tục phải sống chung với lũ. Trận "đại hồng thủy" xảy ra năm 2017, huyện Thạch Thành cũng đã chịu thiệt hại nặng nề khi hàng nghìn hộ dân bị ngập trong biển nước, nhiều diện tích hoa màu, tài sản của người dân mất trắng.

Ông Bùi Văn Uy (50 tuổi, trú xã Thành Trực) cho biết, ông và hàng xóm đã phải chạy lũ từ chiều 21/7.

"Những nhà cấp 4 như chúng tôi thì di chuyển đồ đạc đến một nhà cao tầng của hàng xóm. Để leo lên tầng trên tránh lũ, chúng tôi phải trèo lên cây”, ông Uy nói.

Bữa cơm tạm bợ tránh lũ trên gác 2 của một gia đình

Ông Lê Hoàng Kiền (55 tuổi) nhận định, năm nay lũ đến sớm, bởi như các năm khác thì lũ về vào khoảng tháng 9, 10.

"Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi và chán cái cảnh phải chạy lụt mãi như thế này. Mỗi lần lũ về, chúng tôi lại phải tất tả dọn đồ để chạy. Cuộc sống hiện tại khó khăn vì chỗ ở chật hẹp, đồ ăn, nước sạch đều thiếu. Sau khi lũ rút, hoa màu, vật nuôi mất hết, lại phải gây dựng lại từ đầu, khổ lắm", ông Kiền chia sẻ.

Tính đến nay, mưa lũ liên tục những ngày qua tại huyện Thạch Thành cũng đã khiến diện tích lúa 1.160,44ha bị ngập; 128,36ha cây màu bị ngập, đổ gãy; 1.395,14ha diện tích mía bị ngập, đổ gãy; 2,75ha hoa quả, ao hồ thủy sản bị ngập, tràn là 62,4ha. Ngoài ra có 321 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 5,5km đường giao thông bị ngập, hư hỏng. 

Theo kế hoạch, nếu nước Sông Bưởi chạm mức báo động III, toàn bộ dân vùng rốn lũ xã Thạch Định, huyện Thạch Thành sẽ phải di dời để tránh lũ.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến