Đàm phán TPP ngày cuối cùng: Hi vọng
04/10/2015 20:54:19
ANTT.VN - Bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu nhóm họp tại Atlanta, Mỹ hôm thứ 4 tuần này nhằm tìm ra tiếng nói chung sau cuộc họp được cho là thất bại hồi tháng 7 tại Hawaii.

Tin liên quan

Đại diện từ 12 quốc gia tham gia cuộc đàm phán bao gồm Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Mexico đang cố gắng đi đến một tiếng nói chung sau thất bại hồi tháng 7. Nếu thành công, 12 nền kinh tế này sẽ tạo nên một khu vực mậu dịch tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên kết thúc ngày làm việc thứ tư, các bên vẫn chưa giải quyết được những khác biệt sâu sắc.

“Những vấn đề chính còn vướng mắc liên quan tới bản quyền dược phẩm và hàng rào thuế quan đối với ngành công nghiệp bơ sữa giữa Mỹ, Canada, New Zealand và Australia. Vấn đề với ngành công nghiệp ô tô đã được giải quyết.”, một quan chức châu Á giấu tên tham gia cuộc đàm phán cho biết sau cuộc họp mới nhất hôm qua 3/10.

12 nước tham gia đàm phán thành lập TPP.

Bản quyền dược phẩm

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho hay khác biệt lớn nhất trong vấn đề bản quyền dược phẩm đến từ Mỹ. Quốc gia sở hữu 6/10 tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới này muốn thời hạn bản quyền các loại thuốc mới lên tới 12 năm, trong khi một số quốc gia khác như Australia và Peru chỉ muốn con số này ở mức 5 năm.

Trong động thái mới nhất, Mỹ tỏ ý sẵn sàng giảm thời hạn bản quyền dược phẩm xuống 8 năm, đây có thể coi là bước đột phá nhằm hướng tới giải quyết vấn đề được coi là cốt lõi của TPP trong suốt 7 năm đàm phán.

Hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm sữa

Vấn đề đáng chú ý còn lại là khác biệt giữa các nước Mỹ, Canada và New Zealand quanh vấn đề bảo hộ ngành công nghiệp bơ sữa.

Các sản phẩm bơ sữa đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu và 7% GDP của New Zealand, do vậy việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành công nghiệp này mang ý nghĩa rất quan trọng với New Zealand.

Cuộc họp hồi tháng 7 giữa các bên liên quan đã không đưa ra được những kết quả tích cực.

Trong khi đó đối với Canada, việc bảo vệ quyền lợi cho các nông dân ngành sữa cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn, trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quan trọng cuối tháng này.

Đảng Bảo thủ của thủ tướng Harper hiện đang chiếm nhiều lợi thế tuy nhiên bất cứ sai lầm nào trong đàm phán TPP đều có thể khiến chính phủ ông phải trả giá đắt. Hiện nay thuế nhập khẩu các sản phẩm sữa tại Canada lên tới 248,95%.

Trong một động thái mới nhất, ông Harper vừa cho biết tại Montreal rằng các bên liên quan đang đạt được những tiến bộ nhất định.

Tuy nhiên vẫn không có bất cứ tín hiệu rõ ràng nào cho thấy TPP có thể được thông qua vào hôm nay, ngày họp cuối cùng giữa các bên.

Cuộc đua Mỹ - Trung

Khởi động vào tháng 1/2008, Washington được cho là đang nỗ lực hết sức nhằm biến TPP với những điều khoản ngặt nghèo về tự do thương mại, bảo vệ tài sản trí tuệ, trở thành một tổ chức hợp tác kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó ép buộc đối thủ lớn nhất Trung Quốc phải tuân theo luật chơi của mình.

Lễ thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Bắc Kinh 24/10/2014.

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng đã và đang tìm kiếm thành lập một khu vực kinh tế chung châu Á. Giới phân tích cho rằng nếu TPP tiếp tục đi vào ngõ cụt, Mỹ sẽ thất thế với Trung Quốc trong cuộc đua thu hút các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào quỹ đạo của mình.

Kể từ cuối năm 2014 đến nay, Mỹ đã thất bại trong việc ngăn cản các đồng minh hàng đầu gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lập ra, trong đó có thể kể đến Anh, Pháp, Đức, Italia, Australia.. AIIB được cho là đối trọng của Bắc Kinh đối với Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vốn chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ.

12 bộ trưởng thương mại từ các nền kinh tế tham gia đàm phán TPP bắt đầu nhóm họp liên tục từ hôm thứ 4 tuần này và được kỳ vọng kết thúc vòng đàm phán lần này ngay trong ngày hôm sau, tuy nhiên đã phải gia hạn cho tới hết ngày chủ nhật hôm nay.

Các bên liên quan tuyên bố đây sẽ là hạn chót trong vòng đàm phán lần này. Nếu tiếp tục thất bại, giới phân tích cho rằng sớm nhất cũng phải tới năm 2017, các vấn đề về TPP mới được tiếp tục đưa ra giải quyết.

Nghi Điền 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến