Dòng sự kiện:
Dân bản địa kiếm bộn tiền nhờ bán ‘lộc rừng’ trong mùa lễ hội ở Phủ Na
11/02/2019 12:36:19
Các mặt hàng được bày bán ở lễ hội Phủ Na, Như Thanh (Thanh Hóa) chủ yếu là các loại nông sản của địa phương như sắn dây, măng, lá đắng, rau má… Mỗi ngày người dân có thể bỏ túi từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Đến hẹn lại lên, tháng Giêng hàng năm, hàng vạn du khách tứ phương lại nườm nượp tìm đến dâng hương ở đền Phủ Na tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Phủ Na còn được gọi là Na Sơn Động Phủ, là quần thể di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm dưới chân núi Nưa. 

Khu di tích được xây dựng vào năm 1909 theo kiến trúc thời Nguyễn. Sau hơn 1 thế kỷ tồn tại, Phủ Na vẫn là khu di tích văn hóa tâm linh nổi tiếng xứ Thanh, được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh vào năm 1993.


Dòng người nườm nượp ở Phủ Na

Không gian di tích Phủ Na với rất nhiều đền miếu phối hợp thờ nhiên thần và nhân thần, nhưng nổi bật bao trùm lên tất cả là tín ngưỡng thờ mẫu: mẫu Thượng Ngàn - Bà Triệu - công chúa Liễu Hạnh.

Phủ Na được người dân địa phương tôn thờ và tin đây là chốn linh thiêng bậc nhất xứ Thanh. Vì vậy, hằng năm cứ vào mùa Xuân, bắt đầu từ ngày mùng 1 đến ngày 16/2 (Âm lịch) và mùng 1 đến 16/8 (Âm lịch), đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương ở khắp nơi lại về nơi đây trẩy hội, dâng hương cầu may mắn, cầu tài lộc, gia đình an khang.

Sắn dây là mặt hàng bán chạy 

Mùa lễ hội cũng là dịp để người dân địa phương kiếm bộn tiền nhờ việc bán các sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Mỗi ngày, họ có thể bỏ túi từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Có đủ các loại nông sản, đặc sản của địa phương như măng, lá đắng, lá chè, rau má, sắn dây, các loại rau củ và giống cây rừng… Với đa số các du khách từ phương xa, khi ra về đều sẽ mua nhiều để “lấy lộc”.

Từ ngày mùng 1 Tết, sau khi ăn bữa cơm mừng năm mới cùng gia đình, nhiều người dân sẽ khăn gói ra giành chỗ để bán hàng.

Rau má cũng được du khách yêu thích

Chị Hạnh, một người bán sắn dây luộc cho biết, chị bắt đầu bán hàng từ chiều mùng 1 Tết. Mỗi ngày, chị phải luộc đến 3 chiếc nồi lớn sắn dây, khoảng 3 tạ sắn, ngày nào hàng cũng hết veo. Chị bán 35 nghìn đồng/kg. 

“Năm nay trời nắng nóng, vì thế công việc khá mệt nhọc hơn mọi năm, thế nhưng chúng tôi đều rất vui vì bán được nhiều hàng, đây là thời điểm lí tưởng nhất trong năm để chúng tôi kiếm tiền”, chị Hạnh nói.

Nhiều người chen chân để được rửa mặt ở dòng "nước thánh" lấy may

Bà Năm bán các loại rau rừng tự hái được như lá đắng, chè, rau má cho biết, những mặt hàng này đều có sẵn trong vườn nhà không cần mất vốn. Chỉ cần chịu khó ngồi thì mỗi ngày bà có thể kiếm không dưới 1 triệu đồng.

Địa điểm thu hút du khách nhất có lẽ là thác nước từ trên đỉnh núi xuống, nước trong xanh và mát lành nên được người dân gọi là “nước thánh”. Du khách ai đến đây cũng tranh thủ mang “nước thánh” về nhà để được may mắn. Vì vậy, nghề bán chai lọ cũng rất phát đạt trong những ngày này.

Dòng người vẫn đổ về Phủ Na những ngày sau Tết

Một người phụ nữ bán can nhựa tiết lộ, một ngày có thể bán hơn 100 chiếc can, trừ vốn, bà có lãi trên 500 nghìn đồng/ngày.

So với những năm trước, lễ hội Phủ Na năm nay có sự tiến bộ tích cực rõ rệt. Theo ghi nhận của PV, chính quyền địa phương đã có động thái quản lí chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh trong khu di tích. 

Tình trạng ăn xin vẫn còn nhưng không đông đúc như những năm trước 

Không còn tình trạng bày bán hàng và chèo kéo khách nhốn nháo, lộn xộn ở khắp nơi như trước. Khi bước vào cửa chùa, du khách hoàn toàn thoải mái tận hưởng không gian văn hóa tâm linh, tản bộ ngắm cảnh vật, núi non mà không còn sợ bị làm phiền.

Những hoạt động bói toán, các trò chơi đỏ đen trá hình, nạn ăn xin cũng đã được dẹp khỏi không gian của khu di tích.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến