Dòng sự kiện:
Dân lao đao vì ngao chết trắng đồng
10/11/2017 19:38:58
Mọi nguồn sống chỉ trông chờ vào con ngao, có những gia đình thậm chí cầm cố sổ đỏ để đầu tư, thế nhưng thiên tai ập đến khiến cả vựa ngao chết trắng, người dân lâm vào cảnh “sống dở, chết dở” vì phải gánh nợ nần.

Lao đao vì bãi ngao chết hàng loạt

Những ngày qua, người dân xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) ai nấy đều thất thần, đau xót khi nhìn bãi ngao chết trắng. Sau trận mưa lũ hồi giữa tháng 9 vừa qua, lũ từ các vùng thượng nguồn đổ về mang theo bùn đất bồi lấp bãi ngao, khiến cho ngao đang được nuôi thả ở vùng ven biển bị chết hàng loạt.

Do quỹ đất nông nghiệp ít ỏi, phần lớn người dân xã Hải Lộc đều sống dựa vào biển, lấy nghề nuôi ngao làm mũi nhọn phát triển kinh tế. Ở đây, người dân chủ yếu nuôi ngao giống để cung cấp cho các vùng khác; bởi theo họ, nuôi ngao giống đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn là nuôi ngao thương phẩm.

 
Khi thủy triều xuống, người dân tranh thủ ra bãi thu dọn vỏ ngao chết để làm sạch bãi

Những năm trước đây, khi môi trường biển còn ổn định, ít thiên tai, dịch bệnh, nghề nuôi ngao đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Nhận thấy lợi thế đó, các hộ dân mạnh tay đầu tư nhiều tiền của vào việc mua giống, mở rộng bãi nuôi với số vốn ít thì vài trăm triệu, nhiều thì vài tỉ đồng.

Sau bận ngao chết vào cuối năm 2016, những tưởng nghề nuôi ngao tại địa phương này sẽ kiệt quệ, không thể duy trì. Thế nhưng, người dân lại gắng gượng vay mượn, cầm số tài sản để làm lại từ đầu.

Nghề nuôi ngao giống một năm thu hoạch hai vụ, chỉ cần mưa thuận gió hòa, ngao sinh trưởng tốt thì cho lãi lớn. Với niềm tin nuôi ngao giống đem lại thu nhập cao, lại quay vòng vốn nhanh, họ hi vọng sau vài vụ thu hoạch, ngao sẽ mang lại lời lãi xứng đáng. 

Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, thiên tai liên tục ập đến, những hộ nuôi ngao nhiều phen lao đao. Đầu tư con ngao cần số vốn lớn, hầu hết các hộ dân đều phải cầm cố sổ đỏ ở ngân hàng. Toàn xã có diện tích nuôi ngao hơn 200ha với khoảng hơn 200 hộ nuôi ngao. Hiện nay, đa số các hộ dân đều rơi vào tình trạng ngao chết, có những hộ dân mất trắng với thiệt hại hại lên tới vài ba tỉ đồng.

Gắn bó với nghề nuôi ngao hơn chục năm, gia đình anh Phạm Minh Ba và chị Phạm Thị Hằng (thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc) là một trong những hộ có diện tích nuôi ngao bị thiệt hại lớn nhất. Những ngày qua, vợ chồng anh Ba ăn không ngon, ngủ không yên phần vì xót của, phần vì gánh lo nợ nần trước mắt.

Nhìn bãi nuôi ngao 4ha bị bùn đất từ thượng nguồn đổ về bồi đắp dày đến 40 – 50cm, ngao không ngoi lên được chết cả, hai vợ chồng chỉ biết nhìn bất lực và đau xót. Những năm trước đây, thời tiết thuận lợi thì nuôi ngao có lãi, gia đình anh Ba – chị Hằng dành hết số tiền ấy để xây nhà cửa và nuôi con ăn học. Giờ hết vốn lại phải vay ngân hàng để đầu tư con giống.

“Vụ này gia đình tôi vay ngân hàng 3 tỉ đầu tư vào bãi ngao. Cả gia đình chỉ trông chờ vào đó. Giờ tình hình thế này thì chúng tôi kiệt quệ rồi. Riêng tiền cải tạo bãi nuôi cũng phải mất đến trăm triệu, tiền giống vài tỉ nữa thì lấy đâu ra”, chị Hằng buồn bã nói.

Giống như gia đình anh Ba – chị Hằng, ông Nguyễn Văn Chính (thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc) cũng tỏ ra đầy chán nản: “Sổ đỏ đang cắm ở ngân hàng vay 500 triệu đồng để đầu tư, cứ nghĩ sau vụ thu hoạch này sẽ trả được nợ và có vốn. Giờ mất sạch rồi, tôi chẳng còn hi vọng gì nữa”.

Dân tố chính quyền thiếu trách nhiệm

Những ngày này, người dân xã Hải Lộc đang vô cùng bức xúc bởi theo họ, con ngao là nguồn sống của người dân, là kinh kế mũi nhọn của xã. Thế nhưng khi thiên tai xảy đến, thiệt hại lớn là thế mà chính quyền địa phương lại không quan tâm.

 
Bãi ngao chết trắng, tiền của và công sức của người dân cũng theo đó tan thành mây khói

“Lúc mới phát hiện ngao chết hàng loạt, chúng tôi đã báo cáo lên xã. Thế nhưng xã không có động thái gì. Thậm chí không có người đến chia sẻ, động viên với thiệt hại của bà con. Sau đó thì chúng tôi viết đơn gửi lên xã với nội dung trình bày tình trạng ngao chết hàng loạt do bị bùn bồi lấp.

Đến ngày 31/10, mới có đoàn đến kiểm tra, nhưng đó lại là ngày “nước sinh”, có nghĩa là nước dâng cả ngày không rút, không thể nhìn thấy bãi ngao thì kiểm tra làm sao được. Thế nhưng xã vẫn kết luận là đã kiểm tra toàn bộ diện tích nuôi ngao và mức thiệt hại là không đáng kể.

Chúng tôi thấy buồn. Cái chúng tôi mong chờ không phải là được nhận hỗ trợ của nhà nước, bởi cái phần hỗ trợ đó không thấm vào đâu so với vốn liếng và công sức chúng tôi đã bỏ ra. Chúng tôi chỉ mong muốn là khi có thiên tai xảy đến, chính quyền sẽ đồng hành cùng người dân, san sẻ, động viên bà con vượt qua khó khăn và cùng tìm cách để tháo gỡ”, một người dân thôn Lộc Tiên bày tỏ.

Trao đổi về việc này, ông Dương Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc xác nhận, 8 thôn của xã Hải Lộc đều có diện tích ngao nuôi bị chết.

Trước những lời cáo buộc của người dân về việc chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm sát sao, ông Hùng phân trần: “Đấy là dân mất của thì bức xúc vậy thôi. Chứ trước và cả sau thiên tai chúng tôi đều có thông báo trên hệ thống thông tin, cảnh báo, vận động người dân có phương án đề phòng, khắc phục. Chúng tôi không thể đến từng nhà để động viên được”.

Ông Hùng cũng cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của người dân, đoàn công tác của huyện Hậu Lộc cùng chính quyền xã đã tổ chức kiểm tra tình hình vào ngày 31/10. Do nước to nên khi đi kiểm tra, không thấy hết được. Hiện tại, các bộ phận chuyên môn đang kiểm tra lại toàn bộ để xác định nguyên nhân ngao chết và thống kê mức độ thiệt hại. Trong nay mai chúng tôi sẽ có báo cáo chính thức về việc này”.

Lương Diễn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến