Dòng sự kiện:
Đằng sau sự leo thang của thuế nhập khẩu xăng dầu
26/01/2015 13:03:14
ANTT.VN - Thuế nhập khẩu xăng dầu tăng liên tục trong năm ngoái và tiếp tục leo mức 35% (ngay sát mức kịch trần 40%) trong năm nay sau đợt tăng ngày 7/1, đằng sau động thái này là gì?

Tin liên quan

Trong bối cảnh giá dầu trên thế giới giảm không phanh trong năm 2014, từ hơn 100 USD/thùng xuống còn xấp xỉ 60 USD trong những ngày cuối năm. Trong tháng đầu năm nay khi giá nhiên liệu quý này tiếp tục giảm xuống có lúc dưới 50$/thùng thì ngày 7/1 Bộ Tài chính cũng đã tăng mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu thêm từ 7 - 9% lên mức 35%. Thông tư 06 về tăng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu lên "kịch trần" 40% dược ban hành vào 20/1 tuy nhiên Bộ Tài chính đã bất ngờ hủy Thông tư này một ngày sau đó.
 
Có nhiều ý kiến cho rằng đây là động thái nhằm bù đắp phần hụt thu ngân sách nhà nước do xuất khẩu dầu thô. Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ Chính Phủ, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, giá cứ giảm 1 USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu giá giảm về 85 USD thì thu ngân sách hụt khoảng 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó một số chuyên gia cho rằng mức thuế nhập khẩu 35% đối với mặt hàng xăng đã là hơi cao. Vậy thực sự động thái tăng  thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tài chính là do  đâu và có nên hay không?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, việc giá dầu thô thế giới giảm mạnh tác động khá lớn đến nguồn thu của ngân sách nhà nước trong thời gian vừa qua.

Từ mức 100 USD/thùng xuống mức hơn 60 USD, giá dầu đã góp phần làm “nặng gánh” cho việc vay nợ, bội chi ngân sách cũng như chi tiêu xã hội và chi tiêu thường xuyên. Từ lương thưởng cán bộ công nhân viên cũng như các chính sách an ninh xã hội khác cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xét trên một bình diện tổng thể thì những lợi ích đem lại từ giá dầu suy giảm đã bù đắp vào sự thất thoát đó.

Việt Nam xuất khẩu dầu thô là chính nhưng bên cạnh đó vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng từ dầu. Bên cạnh những sự thất thoát nhãn tiền khi giá dầu giảm chúng ta cũng không thể không nói đến vô vàn lợi ích của những mặt hàng nhập khẩu này.

PGS.TS.Thịnh cho rằng tác động của giá nhiên liệu quý này xuống thấp sẽ còn lan tỏa từ 1 đến 2 năm trong khoảng thời gian tới. Hụt thu ngân sách sẽ tiếp tục là một vấn đề và tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là một phương thức khắc phục nhưng chắc chắn sẽ được điều chỉnh chọn lọc bởi nhà nước.

Giả sử trường hợp giá dầu tăng cao quá mức thì nhà nước cũng sẽ phải bù trì vậy nên hành động này là vô cùng đúng lúc để lấy lại thế cân bằng cho cán cân ngân sách. Nhìn lại cả một quá trình, việc đánh thuế xăng dầu là hợp tình hợp lý nhờ bàn tay chuẩn xác và mạnh mẽ của nhà nước. Khi xăng dầu giảm không phải tất cả các lĩnh vực đều có thể “nhảy múa vui mừng”, vẫn có những doanh nghiệp chịu thua lỗ và một phần ngân sách tăng lên nhờ thuế xăng dầu sẽ là để bù đắp vào những khu vực này. Vậy động thái tăng thuế nhập khẩu xăng dầu cũng như nới rộng biên độ quỹ bình ổn xăng dầu là để bù trì vào những điểm khó khăn trong nền kinh tế.

Ở một khía cạnh khác, TS. Hoàng Đình Minh (Đại học Bách Khoa) cho rằng giá dầu giảm không ảnh hưởng quá lớn đến hụt thu ngân sách. Thực chất, thu nhập từ dầu chiếm khoảng 10-11% GDP tuy nhiên các công ty khai thác dầu chủ yếu là các doanh nghiệp liên doanh, thu nhập chia theo tỷ lệ, nhờ vậy ngân sách nhà nước đã được “đỡ gánh” khi giá nhiên liệu quý này giảm.

Đặc biệt là trong 7 năm liên tiếp gần đây, Việt Nam luôn trong trạng thái nhập siêu dầu. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan đến tháng 12 năm 2014 VN xuất khẩu 6,75 tỉ và nhập khẩu 7,72 tỉ bởi vậy giá dầu giảm cũng chính là “gói kích thích” cho nền kinh tế.

Về động thái tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, TS. Minh cho rằng đây là cách để cân bằng điều chỉnh giữa các lĩnh vực chứ chưa chắc là do hụt thu ngân sách. Tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, mức chênh đó sẽ “nhảy” trực tiếp vào giá xăng người tiêu dùng phải trả hàng ngày trong khi con số đó đó hiện nay vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, khoản thu từ nhiên liệu quý này của nhà nước không hẳn bị thất thu bởi còn được bù trừ từ thuế thu nhập doanh nghiệp được lợi từ giá dầu giảm, kích thích sản xuất và tăng doanh thu.

Tựu chung lại, tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là cách cân bằng lợi ích của tất cả các bên.

Tú Anh - Kiều Chinh (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến