Bất chấp những bất lợi và diễn biến cuộc xung đột hiện nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn kiên định với mục tiêu giành thắng lợi hoàn toàn. Kế hoạch hòa bình của ông vào tháng 11/2022, yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Ukraine, vẫn là lập trường chính thức của Kiev.
Trong khi Mỹ và các đồng minh của nước này ở châu Âu vẫn kiên định ủng hộ Ukraine thì có một sự thật ngày càng rõ là mục tiêu tối đa của Kiev khó có thể đạt được. Năm nay là một năm khó khăn cho Ukraine. Nga đã chiếm được thị trấn Ugledar ở phía Đông ngày 2/10 và đang tăng cường lực lượng tiến về phía trung tâm đường sắt Pokrovsk.
Việc Kiev đặt cược mở rộng xung đột sang khu vực Kursk của Nga nhằm buộc Moscow phải rút quân khỏi Donetsk đã không thành công. Ngày càng có nhiều sự thừa nhận ở phương Tây rằng xung đột có thể chấm dứt thông qua ngoại giao. Đó là một tin tốt. Nhưng tin xấu là một số đề xuất được đưa ra không thực tế, nếu không muốn nói là có thể phản tác dụng.
Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành AS-90 về phía quân đội Nga trên tiền tuyến ở khu vực Kharkov. Ảnh: Reuters
Một trong những ý tưởng được thảo luận nhiều là đổi đất lấy an ninh. Theo đó, sau khi trao đổi để Nga kiểm soát trên thực tế 20% lãnh thổ Ukraine mà Moscow đang chiếm giữ, Kiev sẽ nhận được lời mời chính thức gia nhập NATO. Tuy nhiên, khi đánh giá kỹ hơn, sự sắp xếp này có thể tồn tại một vài lỗ hổng.
Đầu tiên, giả sử chính phủ Ukraine sẵn sàng điều kiện trao đổi này - mặc dù triển vọng này khó có khả năng xảy ra vì ông Zelensky từ chối thảo luận về việc nhượng bộ lãnh thổ, thì khó có khả năng Nga sẽ hợp tác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO là kịch bản mà Moscow sẽ không chấp nhận. Lập trường này không chỉ của riêng ông Putin mà còn là quan điểm từ lâu của giới lãnh đạo Nga. Giám đốc CIA William Burns từng chỉ ra năm 2008 khi ông là Đại sứ Mỹ tại Nga rằng: "Việc Nga phản đối tư cách thành viên NATO của Ukraine và Gruzia vừa dựa trên cảm xúc vừa dựa trên mối lo ngại chiến lược về tác động đối với các lợi ích của Nga trong khu vực".
Không có điều gì trong 16 năm qua cho thấy lập trường này của Nga đã thay đổi. Trên thực tế, chỉ riêng khả năng Ukraine gia nhập NATO vào một ngày nào đó đã bị Tổng thống Putin cho là mối lo ngại nghiêm trọng và là một phần nguyên nhân dẫn đến quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Đề xuất trên cũng diễn ra giữa thời điểm các lực lượng của Nga đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ trước quân đội Ukraine vốn ngày càng bị kéo căng. Mặc dù Kiev cố gắng khắc phục tình trạng thiếu lực lượng bằng cách hạ độ tuổi nhập ngũ nhưng nhiều tân binh bị vội vã đưa ra chiến trường mà không có sự huấn luyện tối ưu. Khó có thể tưởng tượng việc Nga sẽ dừng chiến dịch quân sự trong khi tình thế hiện đang có lợi cho nước này.
Trong khi một số nước lớn trong NATO như Anh và Pháp cởi mở với tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh thì Mỹ vẫn giữ thái độ thận trọng. Những quốc gia khác như Hungary và Slovakia nhìn chung vẫn giữ lập trường phản đối vì một lý do: Đó là việc chấp nhận một thành viên sẽ đi cùng với những trách nhiệm và nghĩa vụ nghiêm túc của liên minh. Rõ ràng Mỹ sẽ là bên phải trả giá nhiều nhất trong một cuộc khủng hoảng tương lai của NATO. Bằng cách cho phép Ukraine gia nhập, tất cả 32 nước thành viên về lý thuyết đều phải bảo vệ Ukraine bằng quân đội của mình.
Các thành viên NATO hiểu rõ những hàm ý của một quyết định như vậy. Điều đó giúp giải thích tại sao Ukraine vẫn nằm ngoài liên minh trong 16 năm qua kể từ khi NATO lần đầu tiên nhất trí ủng hộ tư cách thành viên cuối cùng của nước này. Ngoài những tuyên bố công khai và sự hỗ trợ về mặt quân sự cho Ukraine, NATO vẫn chưa sẵn sàng mạo hiểm lao vào cuộc xung đột với một quốc gia hạt nhân như Nga. Điều này được thể hiện nhiều lần trong suốt 2 năm rưỡi qua, từ việc NATO bác bỏ việc thiết lập vùng cấm bay trong những tuần đầu tiên xung đột nổ ra cho đến những phản ứng với nhận định Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 3 sau khi ông đề xuất quân đội phương Tây có thể được triển khai tới Ukraine.
Một số quan điểm thì cho rằng việc Ukraine trở thành thành viên chính thức của NATO sẽ giống như một biện pháp răn đe ngăn cản Moscow hành động gây hấn với Kiev trong tương lai. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây là một điều nguy hiểm có thể đặt liên minh này vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Sức ép cho một giải pháp ngoại giao sẽ ngày càng mạnh mẽ khi xung đột kéo dài. Tuy nhiên, không phải tất cả giải pháp được đề xuất đều phù hợp. Theo nhà quan sát Daniel R. DePetris - học giả tại Defense Priorities, công thức đổi tư cách thành viên trong NATO lấy hòa bình sẽ chỉ kéo dài thêm xung đột chứ không thể kết thúc nó.
Tác giả: Kiều Anh/Theo Newsweek