Là một trong những người trồng đào nhiều nhất khu dân cư Trại Trống (phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), điện thoại của ông Nguyễn Văn Cường những ngày này liên tục ở tình trạng “nóng máy”. Sau lệnh phong tỏa TP Chí Linh để phòng dịch COVID-19, ông Cường phải liên lạc với các nơi tìm cách đưa đào tiêu thụ nhưng vẫn chưa thành công.
Ông Cường rất sốt ruột khi 2,5 ha trồng đào không bán được.
Ông Cường thở dài khi 2.500 gốc đào bích, đào phai bắt đầu nở rộ trên 2,5 ha diện tích đất trồng và không thể trung chuyển đi được.
“Từ nhiều năm nay, 4 anh em trai và 2 người cháu trong gia đình tôi làm nghề trồng và bán đào chơi Tết. Cứ độ 18 tháng Chạp hàng năm, chúng tôi lại đánh từng gốc, dùng xe tải chuyên chở xuống chợ được đặt mua từ trước ở Cẩm Phả, Uông Bí (Quảng Ninh).
Năm nay cũng theo lệ cũ, chúng tôi đánh những gốc đào to, đẹp trong đó có những gốc gần 10 triệu đồng về để chờ mang đi bán. Nhưng vừa đánh về hôm trước, hôm sau có lệnh phong tỏa TP Chí Linh do dịch COVID-19 bùng phát. Những gốc đào để đó thì sợ hỏng, chúng tôi lại mất thêm tiền mua chậu nhưng đến nay 1 tuần trôi qua, Tết cũng đến sát mà không cây nào có thể mang xuống chợ bán. Anh em chúng tôi rất sốt ruột vì tiền đầu tư vào đó không ít”, ông Cường nói.
Đào đã chuẩn bị, đã thuê "lốt" nhưng không bán được khiến bao người dân ở phường Hoàng Tiến (TP Chí Linh) lo lắng.
Hiện gia đình ông Cường thuê tổng hơn 300m2 ở Quảng Ninh để bán đào Tết với giá gần 5 triệu đồng/30m2 (cả tiền đặt cọc). Người đàn ông này nhẩm tính, chỉ riêng tiền thuê "lốt", người dân trồng đào phường Trại Trống thiệt hại khoảng 300 triệu đồng vì nhà ít nhất cũng thuê diện tích 60m2.
Để đầu tư cho diện tích trồng đào lớn, gia đình ông Cường cầm cố ngân hàng 2 sổ đỏ nhưng nay đào “mắc kẹt”, không bán được, lãi ngân hàng vẫn phải trả khiến ông Cường càng thêm sốt ruột. Thêm vào đó, tiền thuê công nhân, tiền thuê ô tô chở đào… thiệt hại của gia đình ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng.
“Đào cũng chuẩn bị, lốt đã thuê, vì dịch bệnh nên không chuyển đi chuyển được. Gần như nhà ai ở khu dân cư Trại Trống cũng phải vay ngân hàng. Với 7-8 nghìn gốc đào, cả thôn Trại Trống thiệt hại lên tới vài tỷ đồng.
Bây giờ người trồng đào căng thẳng lắm, nhà nào ít thì lo ít, người nào trồng nhiều thì lo nhiều, vốn liếng bỏ ra, công sức chăm sóc cả năm trời mà có nguy cơ trắng tay”, ông Cường thở dài.
Những bông hoa đào đang độ khoe sắc để chơi Tết nhưng nay vẫn nằm tại vườn.
Mặc dù, có thể bán đào trên địa phận tỉnh Hải Dương nhưng trong tình hình số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng thì lượng tiêu thụ không lớn. Trong khi đó, những thương lái ở Quảng Ninh đặt tiền mua đào từ trước vẫn hàng ngày gọi điện, họ vẫn chờ và cùng chủ vườn hy vọng đào sau khi được phun khử trùng, đảm bảo các điều kiện phòng dịch có thể chuyển đi bán được.
Ông Cường cũng như hầu hết người trồng đào thôn Trại Trống đều hy vọng, các cấp chính quyền sẽ hỗ trợ nông dân chuyển được những gốc đào sang địa phận tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ khi chỉ còn ít ngày nữa là sang năm mới Tân Sửu 2021.
Người trồng đào mong ngóng dịch qua mau.
Theo ghi nhận của PV VTC News, nhiều vựa hoa huệ ở khu dân cư Hoàng Gián Mới (phường Hoàng Tiến) cũng chịu cảnh tương tự.
Trả lời PV VTC News, bà Nguyễn Thị Vững (61 tuổi, khu dân cư Hoàng Gián Mới) cho hay, gia đình bà có 10 sào ruộng để sản xuất nông nghiệp, trong đó 2 sào trồng cà chua, 8 sào trồng hoa huệ bán dịp cuối năm.
Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), bà Vững sẽ cắt hoa huệ giao cho các thương lái ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định. Nhưng đến thời điểm hiện tại, bà chỉ biết đứng nhìn những bông hoa đang nở và tàn dần, hoặc phải cắt bỏ đi mà không thể bán được.
Những vựa hoa huệ ở phường Hoàng Tiến cũng chịu cảnh tương tự hoa đào.
“Tính từ lúc làm đất tới khi trồng, tiền phân bón, túi bóng… đầu tư mỗi sào hoa huệ khoảng 3 triệu đồng, chưa kể công mình tự bỏ ra. Nếu thuận lợi, có thể bán được khoảng 10 triệu đồng/sào nhưng tới nay, chúng tôi thu chưa được nửa tiền vốn mà Tết đang đến gần”, bà Vững xót xa.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng giao Công an tỉnh Hải Dương làm văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng hỗ trợ Hải Dương lưu thông hàng hóa, đảm bảo sản xuất.
“Việc tiêu thụ nông sản của huyện Nam Sách, TP Chí Linh giao ngành nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn và làm giấy cho phép xe nông sản lưu thông, chở nông sản tiêu thụ trên địa phận tỉnh Hải Dương sau khi đảm bảo yêu cầu phòng dịch”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nói.
Từ 27/1, dịch COVID-19 bùng phát tại Hải Dương tác động mạnh đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân toàn tỉnh. Tỉnh Hải Dương áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế người ngoại tỉnh đi vào để giảm thiểu lây lan dịch bệnh dẫn đến nhiều hộ dân trồng đào Tết đang đứng trước nguy cơ trắng tay và nợ ngân hàng. Nhiều thương lái mua đào Tết ở tỉnh, thành khác hủy bỏ giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc. Trước tình hình trên, UBND TP Hải Dương gửi văn bản kêu gọi các tổ chức, đơn vị, các cá nhân trên địa phận tỉnh Hải Dương ủng hộ mua đào Tết nhằm chia sẻ bớt bớt một phần khó khăn với các hộ dân trồng đào tại TP Hải Dương khi số đào mới chỉ bán được khoảng 10%. |
Tác giả: Nguyễn Huệ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy